Báo Công An Đà Nẵng

Lo sợ đảo chính ở Iraq

Thứ năm, 14/08/2014 09:19

(Cadn.com.vn) - Bóng ma bất ổn vẫn ám ảnh Iraq khi bùng nổ nhiều lo ngại về khả năng Thủ tướng Nouri Al-Maliki đảo chính để duy trì quyền lực.

Chính trường Iraq vẫn rối ren dù người dân Iraq thật sự đang tràn trề hy vọng về một sự thay đổi thời hậu Maliki.

Cho đến nay, sau 2 ngày ông Haider al-Abadi được chỉ định làm Thủ tướng, “người tiền nhiệm” Maliki vẫn kiên quyết không từ chức, quyết tâm cản trở tiến trình chính trị có thể mở đường cho “người kế nhiệm” Abadi lên nắm quyền.

Động thái này khiến Nhà Trắng thật sự rất lo ngại. CNN dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ thậm chí so sánh ông Maliki với cựu Tổng thống Richard Nixon - nhà lãnh đạo tỏ ra mưu mẹo hơn khi vận may chính trị bị sụp đổ. Theo giới phân tích, ông Maliki có thể sẽ chống lại đề cử ông Abadi đến cùng. Vị chính trị gia hết thời này có thể chờ thời và cố gắng chia rẽ nội bộ chính quyền khiến ông Abadi gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực tập hợp sự ủng hộ cần thiết để thành lập chính phủ trong 30 ngày theo quy định của Hiến pháp.

Máy bay chiến đấu Mỹ cất cánh từ tàu sân bay USS George H.W. Bush tại Vùng Vịnh.
Ảnh: Reuters

Nhiều người vẫn cho rằng, ông Maliki sẽ không có đủ sức mạnh để làm điều đó. Phần lớn phe chính trị Shitte hiện quay sang ủng hộ ông Abadi, tạo cho Mỹ niềm tin Baghdad có thể thành lập chính phủ mới trong khung thời gian quy định. Ngoài ra, sức mạnh ủng hộ từ Nhà Trắng dành cho một chính phủ mới ở Iraq cũng khiến các nhà chính trị nước này dần dần rời bỏ ông Maliki. Mặc dù ông Abadi có thể không được đánh giá là nhân vật nổi bật và có khả năng làm thay đổi tình thế hiện nay ở Iraq, Mỹ vẫn cực kỳ ấn tượng với cách vị chính trị gia đứng dậy chống lại ông Maliki trong lúc Washington thật sự cần một người như thế.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra, nếu ông Maliki có thể phá hỏng tiến trình hình thành chính phủ của ông Abadi? Vị chính trị gia Iraq sẽ phải trở về vạch xuất phát và Mỹ buộc phải lựa chọn giữa hỗ trợ chính phủ tạm quyền của ông Maliki, hoặc chờ đợi cho đến khi một thủ tướng mới được chỉ định.

Các phần tử thánh chiến IS ngày 13-8 giành quyền kiểm soát nhiều ngôi làng ở tỉnh miền bắc Aleppo, Syria. AFP dẫn thông báo của Cơ quan Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, IS đánh chiếm 6 ngôi làng phía Bắc Aleppo, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Mặc dù thật sự đang rất thất vọng với nhà lãnh đạo Maliki, Washington vẫn tăng cường viện trợ quân sự cho chính quyền Baghdad. Lầu Năm Góc hôm 13-8 tiếp tục gửi thêm 130 cố vấn quân sự tới miền bắc quốc gia Trung Đông để đánh giá quy mô sứ mệnh nhân đạo. Kể từ tháng 6 đến nay, Lầu Năm Góc gửi khoảng 700 nhân viên quân sự đến đây để bảo vệ các nhà ngoại giao Mỹ cũng như giúp huấn luyện nghiệp vụ cho các binh sĩ nước sở tại.

Nhưng đỉnh điểm cho sự ủng hộ dành cho chính quyền ông Maliki là quyết định không kích ở Iraq chống các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS). Quyết định của Mỹ đang chứng tỏ sức nóng khi nhận được sự ủng hộ rộng lớn của các quốc gia đồng minh như Canada, Australia, Anh... London tuyên bố sẽ chuyển hàng quân sự từ các nước khác tới cho lực lượng người Kurd chiến đấu chống IS, đồng thời sẽ điều các máy bay trực thăng Chinook hỗ trợ sứ mệnh viện trợ. Liên minh Châu Âu (EU) cũng đang xem xét cung cấp vũ khí cho lực lượng người Kurd chống IS. Tại Australia, Thủ tướng Tony Abbott xác nhận sẽ tham gia chiến dịch thả hàng viện trợ nhân đạo ở Iraq và không loại trừ khả năng can dự quân sự nhiều hơn vào quốc gia Trung Đông.

Thậm chí, trong một động thái hiếm hoi, Tòa thánh Vatican cũng tuyên bố ủng hộ Mỹ không kích ở Iraq. Đây là một ngoại lệ hiếm hoi trong chính sách của Tòa thánh đối với việc giải quyết xung đột hòa bình. Vì sao Vatican lại có quyết định bất ngờ này? Giới phân tích cho rằng, nguyên nhân có thể do Vatican lo ngại an toàn của các tín đồ Thiên chúa giáo vốn rất ít ỏi ở Iraq. Đại sứ của Tòa thánh tại LHQ, Silvano Tomasi thậm chí kêu gọi “hãy can thiệp bây giờ, trước khi quá muộn”.

Khả Anh