Báo Công An Đà Nẵng

Lộ trình điều chỉnh lương tối thiểu: Muốn học hỏi mô hình của Hàn Quốc

Thứ bảy, 06/07/2013 11:39

 

(Cadn.com.vn) - Ngày 14-5, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 49/2013/NĐ-CP quyết định thành lập Hội đồng Tiền lương Quốc gia, có hiệu lực từ ngày 1-7-2013. Tuy nhiên, trao đổi với báo giới, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân (ảnh) cho biết, hiện danh sách nhân sự cho cơ quan này đã được trình, nhưng vẫn chưa được Thủ tướng phê duyệt. Vậy lương tối thiểu sẽ được điều chỉnh theo mô hình nào?

Báo Công an TP Đà Nẵng chuyển đến bạn đọc những trao đổi của Thứ trưởng Phạm Minh Huân.

 

P.V: Việc Thủ tướng chưa phê duyệt danh sách nhân sự liệu có ảnh hưởng đến kế hoạch điều chỉnh lương tối thiểu cho năm tới?

Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Có thể trong đầu tháng 7 này, Thủ tướng sẽ ký thông qua nhân sự của Hội đồng và ra quy chế hoạt động. Chúng tôi đang cố gắng, khi Hội đồng chính thức hoạt động, việc công bố điều chỉnh lương tối thiểu, mức tăng lương cụ thể của năm tiếp theo phải được công bố vào tháng 10 hằng năm, để DN có sự chuẩn bị.

 

P.V: Dù Chính phủ chưa phê duyệt về mặt nhân sự, nhưng quy chế, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này đã được xây dựng. Vậy, phương pháp điều chỉnh lương tối thiểu sẽ được Hội đồng tính toán như thế nào hằng năm?

Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Chúng tôi đang muốn học mô hình của Hàn Quốc trong vấn đề này. Bộ phận kỹ thuật của cơ quan này sẽ tính toán, rồi đưa ra Hội đồng để bàn bạc, nghiên cứu. Chuyện này chắc chắn sẽ phải tranh luận nhiều. Như ở Hàn Quốc, Bộ Lao động là cơ quan quyết định tiền lương chứ không phải Chính phủ, và bộ phận kỹ thuật đã tính toán, bàn bạc trước, nhưng khi đưa ra Hội đồng vẫn phải họp tới 12 phiên.

Đơn giản, công đoàn bao giờ cũng muốn lương người lao động cao, còn DN bao giờ cũng đưa ra rất nhiều khó khăn để không tăng lương. Chính phủ ở giữa sẽ phải cân đối giữa quyền lợi của cả hai giới. Nếu không nghiên cứu kỹ, không cân đối tốt quyền lợi, thì giữa tiền lương mà Hội đồng đưa ra với quyết định của Chính phủ có thể khác xa nhau. Theo tôi thì Hội đồng có thể phải đến năm 2014 mới có thể hoạt động kỹ thuật ổn định được.

 

P.V: Theo Thứ trưởng, làm thế nào để có thể hài hòa được?

Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Hiện chúng ta vẫn đang áp dụng theo phương pháp: Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu đưa ra các phương án và lấy ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội rồi trình Chính phủ. Khi Hội đồng Tiền lương Quốc gia đi vào hoạt động, chúng tôi sẽ họp gồm đại diện Hội đồng, công đoàn và 5 đại diện của giới chủ là: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 2 hiệp hội ngành hàng sử dụng nhiều lao động là dệt may và da giày, Hiệp hội DNVVN, Liên minh HTX. Các bên sẽ đưa ra các phương án tiền lương của mình rồi bàn bạc với nhau để thống nhất phương án hợp lý nhất, giảm khoảng cách trong các phương án đưa ra, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên cũng như phù hợp với tình hình kinh tế.

 

P.V: Nếu áp dụng đúng, mỗi năm lương tối thiểu phải tăng khoảng 40%. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì có vẻ nhiều DN không thể “gánh” nổi?

Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Kinh tế khó khăn, DN khó khăn như hiện nay thì việc giãn lộ trình là không tránh khỏi. Sắp tới, Hội đồng Tiền lương Quốc gia khi hoạt động có thể cũng phải bàn cả về lộ trình thực hiện tăng lương chứ không phải chỉ bàn lương tối thiểu từng năm. Bởi, các DN yêu cầu ít ra Chính phủ phải đưa ra được một định hướng, lộ trình trong giai đoạn tới tăng như thế nào, tăng khoảng bao nhiêu % để họ biết mà cân đối SXKD. Vì vậy, việc phải giãn lộ trình tăng lương tối thiểu là đương nhiên. Thực tế không ít lần, lộ trình thông qua như thế nhưng mức tăng cụ thể hằng năm vẫn phải tính toán căn cứ trên tình hình KT-XH cụ thể.

 

P.V: Cảm ơn Thứ trưởng về cuộc trao đổi!

P.V (lược trích)