Báo Công An Đà Nẵng

Lò xo kinh tế đã đến lúc bật

Thứ hai, 11/05/2020 14:02

Nhịp sống xã hội đang trở lại bình thường sau thời gian giãn cách, đóng cửa chống dịch. Nền kinh tế như chiếc lò xo bị nén lại, giờ là lúc bung ra phát triển. Đó cũng chính là tinh thần, quyết tâm vượt khó, nắm bắt cơ hội tăng tốc kinh tế được thể hiện trong Hội nghị giữa Thủ tướng Chính phủ và doanh nghiệp hôm 9-5.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.

Dòng vốn FDI chất lượng cao sẽ chuyển dịch

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, sau đại dịch, dòng vốn FDI chất lượng cao sẽ chuyển dịch từ một số quốc gia lớn như Trung Quốc đến nơi đầu tư an toàn, trung thực, có thương hiệu như Việt Nam. Chẳng hạn Nhật Bản đã dành 2,2 tỷ USD trong gói cứu trợ kinh tế để giúp các nhà sản xuất Nhật chuyển quy trình sản xuất ra khỏi Trung Quốc. DN Việt sẽ có cơ hội để hợp tác, đón nhận dòng vốn FDI chất lượng, từ các quốc gia có trình độ công nghệ cao này. Tuy nhiên, hiện DN Việt đang gặp khó, vì thế cần dừng việc mua bán sát nhập DN trong lúc dịch bệnh, đồng thời hỗ trợ nâng cao năng lực, đủ sức trở thành đối tác tiềm năng của các tập đoàn xuyên quốc gia.

Doanh nghiệp hiến kế

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, sau dịch, DN dệt may sẽ tập trung khai thác nhiều thị trường tiềm năng mới, đồng thời chú trọng hơn tới thị trường nội địa 100 triệu dân. DN dệt may sẽ ứng dụng hiệu quả thành tựu Cách mạng 4.0 để thực hiện mục tiêu xuất khẩu đạt 60 tỷ USD trong 5 năm tới với số lao động như hiện nay, tức là sẽ tăng năng suất lao động bình quân đầu người khoảng 50%. Để làm được việc đó, Hiệp hội Dệt may đề nghị khẩn trương qui hoạch các KCN Dệt may lớn có xử lý nước thải tập trung, đồng thời tuyên truyền để thay đổi tâm lý “sính hàng ngoại”, ưu tiên dùng hàng Việt.  Đại diện Hiệp hội chế biến thủy sản (VASEP) thì cho rằng, những chính sách chống dịch hiệu quả của Việt Nam đã tạo niềm tin, làm gia tăng đáng kể nhà đầu tư, các tập đoàn nhập khẩu, bán lẻ trong lĩnh vực thủy sản. Đặc biệt, nhiều quốc gia sản xuất thủy sản cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam đang phải phong tỏa cách ly chống dịch, giảm đáng kể hoạt động xuất nhập khẩu. Thậm chí sau dịch, độ trễ về phục hồi sản xuất đảm bảo nguồn cung của các quốc gia này cũng chậm hơn, là cơ hội cho các DN thủy sản Việt. VASEP đề xuất Chính phủ cần hỗ trợ tối đa cho người nuôi tôm, ngư dân khai thác biển ngay từ tháng 5 – 2020 để 3 tháng sau có nguồn nguyên liệu lớn chế biến, nắm bắt cơ hội thị trường  thế giới khi các nước cạnh trang trực tiếp chưa trở lại sản xuất bình thường.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ và đại biểu tham dự hội nghị tại đầu cầu Đà Nẵng. 

Tại đầu cầu Đà Nẵng, Chủ tịch Viettravel Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất hàng loạt giải pháp để nhanh chóng phục hồi ngành du lịch. Cụ thể, ông Kỳ đề xuất giảm 50% phí tham quan điểm đến, di tích; chọn lọc mở lại các đường bay trong nước hoàn toàn thay vì có hạn ngạch như hiện nay, bởi lẽ 85% di chuyển du lịch bằng hàng không; triển khai gói hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp tới trực tiếp các DN thay vì qua các địa phương; giảm thuế VAT xuống 5% trong vòng 1 năm; áp dụng giá điện cho các cơ sở du lịch, lưu trú như giá điện sản xuất (thay vì giá điện kinh doanh) trong vòng 1 năm (vì giá điện đang chiếm 25-30% giá thành dịch vụ). Đặc biệt, ông Kỳ đề xuất cần có 4-5 tuần nghỉ hè vào tháng 9 để  giúp ngành du lịch có thể phục hồi.

Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thân kiến nghị, ngoài hệ thống ngân hàng, cần tăng cường nguồn lực cho các Quỹ hỗ trợ DN, Quỹ bảo lãnh tín dụng. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng giải ngân 700 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư công, trong đó chia nhỏ dự án để các DN nhỏ và vừa có thể tham gia, linh hoạt trong triển khai dự án. Về ngành kinh tế dịch vụ như du lịch, giải trí, ăn uống, ông Thân cho biết cần mở rộng vào ban đêm, nhanh chóng khai thác “kinh tế đêm” trên qui mô toàn quốc. Ông Thân cũng đề nghị Chính phủ đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, trong đó có cơ chế ưu đãi đặc biệt về mặt bằng sản xuất, tín dụng để khuyến khích DN tham gia chuyển đổi số. Đây là thời cơ rất lớn để chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu Cách mạng 4.0, tạo cơ hội bứt phá. Đại dịch Covid-19 đã chỉ ra cho DN nhiều bài học, từ việc không quá phụ thuộc vào một vài thị trường, phải nâng tầm vai trò thị trường nội địa 100 triệu dân, phải liên kết giữa các DN và phải thay đổi mô hình kinh doanh, quản trị, ứng dụng sâu thành quả Cách mạng 4.0.

 Tham gia Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, lãnh đạo Cty Cổ phần Ô- tô Trường Hải (đóng tại Quảng Nam) cam kết vượt qua thách thức, nộp ngân sách trên 12.000 tỷ đồng (trong ảnh: Dây chuyền sản xuất ô-tô tại Trường Hải).

Chống virus trì trệ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, dù phải tuân thủ lệnh giãn cách xã hội, nhiều quốc gia đóng cửa chống dịch khiến gián đoạn chuỗi cung ứng song kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng cao hơn mức bình quân của các nước phát triển ngay thời kỳ thuận lợi. Điều này cho thấy, Việt Nam không quá phụ thuộc vào thị trường thế giới, năng lực nội sinh của kinh tế, của DN rất lớn. Hiện nay, khi các lệnh giãn cách được nới lỏng, nhịp đập xã hội dần trở lại bình thường, nền kinh tế như chiếc lò xo bị nén lại, giờ là lúc sẵn sàng bung ra. Theo Thủ tướng, mục tiêu năm nay GRDP phấn đấu đạt trên 5%, lạm phát kiểm soát dưới 4%, do vậy cần thu hút nguồn lực đầu tư mạnh mẽ nhất là từ tư nhân, đẩy mạnh xuất khẩu, đầu tư công và khuyến khích tiêu dùng nội địa.

Để vượt khó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như mục tiêu trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành phải xắn tay vào cuộc, các địa phương phải trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho DN với một tinh thần đổi mới kiến tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Lúc này không phải quyền anh, quyền tôi mà phải vì đất nước, vì 100 triệu dân, phải chống lại sự vô cảm, nhũng nhiễu gây khó dễ cho người dân, DN của không ít cán bộ, công chức. Thủ tướng nói: Chúng ta đã chứng kiến tinh thần “chống dịch như chống giặc”, giờ đây tinh thần “chống trì trệ như chống dịch” cần phải được thúc đẩy. Thủ tướng yêu cầu phải đưa ra được những ý tưởng mới, giải pháp cụ thể nối lại các điểm đứt gãy, như giải pháp về lao động, thuế, phí… để tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế nhanh chóng phục hồi tăng trưởng.

Theo Thủ tướng, làn sóng chuyển chuỗi giá trị đang xem Việt Nam như một ô cờ trung tâm cần chiếm lĩnh, tạo cơ hội rất lớn trước tiên cho DN trong nước, song nếu các DN không nắm bắt được cơ hội đó thì các DN nước ngoài sẽ đến lấy. Thủ tướng yêu cầu các địa phương khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho DN. Tất cả các kiến nghị của cộng đồng DN tại hội nghị sẽ được Chính phủ xem xét, chắt lọc để có một Nghị quyết hoàn thiện nhất sớm thúc đẩy sản xuất kinh doanh vượt khó, phục hồi kinh tế.

HẢI QUỲNH