Loại vaccine có trong "Sự sống và lòng biết ơn"
Trong cơn bão đại dịch COVID-19 toàn cầu, thế giới đảo lộn, tác động xấu đến mọi mặt đời sống; nhân loại trải qua quá nhiều mất mát, bất an... Nhưng cũng chính từ cơn nguy đó, nó là phép thử của tình yêu, lòng bao dung và trách nhiệm. Và cũng thêm cho lần ý thức chúng ta được chạm vào sâu hơn những diễn biến sự sống trên hành tinh này.
Nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo |
Trong cơn đại dịch, toàn xã hội giãn cách đã khiến con người ta cần sống chậm hơn, suy ngẫm nhiều hơn; nghiêm túc nhìn nhận ý nghĩa và giá trị sự sống. Qua đó, hành động mạnh mẽ, lạc quan hơn trong ngôi nhà chung thân thương này… Bạn đọc sẽ bắt gặp những thông điệp tích cực, sâu sắc và nhân văn trên đây từ trường ca Sự sống và lòng biết ơn (NXB Hội Nhà Văn, 7-2021) của nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo vừa ấn hành.
Nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện sinh sống tại Hà Nội, từng là quán quân Slam Thơ 2018 do Sứ quán Pháp và Học viện Pháp Ngữ tổ chức, và từng tham gia biểu diễn thơ tại Pari, Pháp. Tuy bước qua tuổi lục tuần (sinh năm 1959), nhưng bút lực của chị thật dồi dào, sung mãn. Chị đã cho ra đời nhiều đầu sách, với nhiều đề tài, thể loại. Tính đến nay đã có trên 10 tập thơ, 3 tập ký, tản văn và 2 tập trường ca, tất cả tác phẩm của chị đã được bạn đọc cả nước yêu thích, đón nhận.
Sự sống và lòng biết ơn là trường ca thứ hai, sau trường ca "Tiếng vọng nơi cửa sông" của chị. Có thể nói bằng vốn sống, văn học dồi dào, trữ lượng cảm xúc mãnh liệt, đồng thời am hiểu về một thể loại tương đối đặc biệt và đầy thách thức với những ai cầm bút, nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo đã tự tin quay lại địa hạt trường ca vừa rộng, vừa dài này. Sự sống và lòng biết ơn là một trường ca hiện đại, tác giả đã chọn cấu trúc theo mạch tư tưởng và đào sâu trong mạch cảm xúc cá nhân là hai yếu tố đan xen nhau suốt chiều dài của trường ca, phản ánh những diễn biến mang tính thời sự, cụ thể từ cơn đại dịch COVID-19 với những chuỗi dài liên quan và chi phối toàn bộ đời sống xã hội con người. Sự sống và lòng biết ơn tuy không có cốt truyện cụ thể như các trường ca dưới dạng truyện thơ truyền thống, nhưng trong xâu chuỗi liên kết những diễn biến sự việc, những vấn đề mang tính thời sự, và chiều sâu cảm xúc, nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo đã dựng lên nhân vật "Nàng" nổi nét nhất trong trường ca của mình. "Nàng" còn được xem như là sự đại diện cho thân phận người trong thế giới đầy biến động của đời sống xã hội hôm nay. Và cũng chính là nhân vật "ngôi thứ nhất-ngôi tác giả" chính kiến, ưu tư và chiêm nghiệm, nhằm gửi gắm.
Sự sống và lòng biết ơn không phân từng chương, phần mà thay vào đó là 45 Khúc, mỗi Khúc đều có nhan đề, nội dung. Mỗi Khúc là một mảng trong bức tranh lập thể tư tưởng và đầy cảm xúc. Tác giả đã cung cấp cho người đọc thấy được chỉnh thể ấy với đa sắc màu của suy tư, chiêm nghiệm, trước những sự kiện, biến cố; của những thông điệp ý nghĩa lớn lao đến đời sống hiện nay đang trong guồng quay biến động, từng hồi cảnh báo: "Chúng đang nhe răng quỷ khát máu, giơ móng vuốt đe dọa loài người, đe dọa hòa bình toàn thế giới/ Sự hủy diệt của con người với con người thật đáng sợ/ Sự trừng phạt của mẹ thiên nhiên với trái đất còn kinh hoàng hơn nữa… (Khúc 4-Lo lắng). Hay: "Khi cả bầu trời ngát xanh đang chuyển sang ráng đỏ/ Nàng rưng rưng vẽ giấc hoàng hôn/ Lòng chợt hoang vu như cỏ/ Màu vẽ hiền như đất nâu/ Cuộc sống đang vận động chuyển sắc màu" (Khúc 32- Hoàng hôn cháy)…
Tính tự sự là một trong thế mạnh cầm bút của nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo. Từ các diễn biến sự việc xảy ra đại dịch COVID-19, chị đã phản ánh những sự việc rất đáng quan tâm, nêu bật các vấn đề và tính chất thông qua chuỗi dài các Khúc trong trường ca. Điển hình từ Khúc 1- (Đêm giao thừa) đến Khúc 13- (Tự cách ly) đã dẫn dắt người đọc luồn theo mạch diễn biến của nhiều sự việc do dịch bệnh COVID-19 gây ra, và cũng chính là cơ hội để nhận ra rất nhiều điều mà từ lâu đã ẩn mặt trong cuộc sống: "…Nàng nghe thấy những chiếc nồi đang hát. Bài hát của lửa và nước/ Lửa reo/ Những chiếc nồi rì rầm hối hả hơn trong lời yêu lửa cháy//… Câu hỏi "Tiền nhiều để làm gì?" liệu có còn quá cần thiết vào lúc này?/… Xem lại bức hình thời trẻ/… Viết lại vài kỷ niệm xưa, vài ký ức xa xưa trỗi dậy, rồi bỗng thấy lòng rưng rưng/… Hạnh phúc là bữa cơm gia đình đầm ấm"…
Bìa trường ca "Sự sống và lòng biết ơn". |
Trường ca Sự sống và lòng biết ơn tác giả đã tích hợp, đan xen nhiều thể thơ như: 2 chữ, 4 chữ, 5 chữ, lục bát, tứ tuyệt,… (Khúc 10; 12; 19; 22; 26; 32; 35; 41), thể tự do vẫn chiếm phần lớn trong tác phẩm. Việc sử dụng linh hoạt này nhằm phù hợp và nổi bật phương diện nội dung, tư tưởng của trường ca, tạo sự hứng thú, cuốn hút người đọc, tránh mênh mang, nhàm chán.
Cuộc chiến chống lại cơn đại dịch hoành hành toàn cầu thật vô vàn cam go. Virus Corona là con quái vật gây ra rất nhiều làn sóng dịch mới. Biến thể Virus đã chọc thủng tấm khiên thiết lập vững chắc của chúng ta. Và trường ca Sự sống và lòng biết ơn nhấn mạnh rằng virus đã thay đổi, buộc chúng ta cũng phải thay đổi rất nhiều mặt để chống lại, giảm mức tối thiểu sự nghiêm trọng của căn bệnh. Tác phẩm đã chứa đựng những thông điệp nội theo cách riêng, tạo được ấn tượng thẩm mỹ thú vị cho người đọc. Tác phẩm cũng khẳng định không có mô hình nào hữu hiệu và hoàn hảo cả, ngoài tinh thần tự giác, đoàn kết, lạc quan, kiên cường… trong cuộc chiến chống "giặc dịch" trường kỳ này.
Khúc vĩ thanh tác phẩm của nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo một lần nữa gửi đến bạn đọc "Hãy học biết cách sống chậm và yêu thương nhiều hơn, để thấy thế giới gần hơn…", "khi lòng người gieo hạt thiện, thế gian sẽ nở hoa/ Thiên nhiên tươi đẹp luôn mở ra đôi cánh cho nàng bay lên",… Những thông điệp tích cực ấy, chính là loại vaccine mà trong mỗi chúng ta ai cũng cần phải có để thấy giá trị của Sự sống và lòng biết ơn.
ĐỖ THƯỢNG THẾ