Loay hoay tìm hình tượng nghê, sư tử thuần Việt
(Cadn.com.vn) - Sở VH-TT&DL TP Đà Nẵng đã 2 lần phát động sáng tác nghê, sư tử thuần Việt, thế nhưng đến nay có rất ít nghệ nhân làng đá Non Nước tham gia cuộc vận động này. Vì sao nghệ nhân làng đá Non Nước lại không mặn mà với nghê và sư tử truyền thống dân tộc?
Theo dự định của Sở VH-TT&DL, đến tháng 10 này, sẽ tổ chức triển lãm những mẫu hình tượng nghê, sử tử thuần Việt do nghệ nhân làng đá Non Nước chế tác. Thế nhưng đến thời điểm này, chỉ có vài cặp nghê và sư tử mang nét truyền thống Việt Nam được chế tác... Tỉ mẩn chạm khắc những chi tiết trên cặp nghê còn dang dở, anh Phạm Hỗ (cơ sở điêu khắc Phạm Trông, P.Hòa Hải, Ngũ Hành Sơn) cho biết, đây là cặp nghê thuần Việt thứ 2 anh thực hiện. “Khi thành phố phát động sáng tác nghê, sư tử thuần Việt, cơ sở chúng tôi đã hưởng ứng thực hiện. Cặp đầu tiên tôi làm có kích cỡ 80 cm, còn cặp này kích cỡ là 1 mét. Chế tác tượng nghê này mất nhiều thời gian hơn so với các sản phẩm khác, bởi có chi tiết, hoa văn nhiều và phức tạp hơn.
Ngoài ra, những sản phẩm trước đây có khuôn mẫu sẵn nên dễ làm, còn nghê, sư tử mang nét truyền thống Việt Nam vừa làm, vừa phải nghiên cứu nên mất cả tháng mới hoàn thành” – anh Hỗ nói. Ngắm cặp nghê anh Hỗ hoàn thành, nhiều người thán phục cho tài chế tác của nghệ nhân làng đá Non Nước. Cặp nghê sống động và uyển chuyển như bước ra từ hình vẽ. Với gần 30 năm làm nghề, chế tác không biết bao nhiêu sư tử đá, thế nhưng anh Hỗ vẫn bị vẻ đẹp của nghê mang nét truyền thống Việt Nam mê hoặc. Anh tâm sự: “Làm ra sản phẩm thì thấy nghê, sư tử thuần Việt đẹp và đặc sắc hơn các sản phẩm khác. Nếu sản phẩm này tiêu thụ được thì rất tốt nhưng tiếc là ít người mua”.
Anh Phạm Hỗ đang chế tác cặp nghê thuần Việt. |
Trăn trở của anh Hỗ cũng là mối quan tâm chung của các cơ sở đá mỹ nghệ Non Nước khi tham gia sáng tác sản phẩm nghê, sư tử thuần Việt. Bởi không bán được thì xem như kinh phí và công sức đầu tư chẳng mang lại hiệu quả. Chị Trương Thị Vui (chủ cơ sở đá mỹ nghệ Phạm Trông) tâm sự, đã đầu tư thực hiện một cặp nghê thuần Việt, tuy nhiên mấy tháng nay không có khách hàng nào hỏi mua. “Tôi đã gởi cặp nghê ra Thanh Hóa để trưng bày, tìm người mua, tuy nhiên rất khó bán. Cũng có nhiều người hỏi, nhưng sau họ lại chọn mua các sản phẩm sư tử khác”–chị Vui nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau một thời gian điêu đứng vì không bán được sản phẩm, thì nay các cơ sở đá mỹ nghệ Non Nước vẫn tiếp tục sản xuất sư tử “ngoại lai”. Bởi những sản phẩm này vẫn được người mua trong và ngoài nước ưa chuộng. Điều này khiến cho chủ trương “không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật ngoại lai” theo Công văn 2662 của Bộ VH-TT& DL ban hành trước đây có nguy cơ khó thành hiện thực. Và cũng chính lý do ấy khiến các cơ sở đá mỹ nghệ Non Nước không mặn mà tham gia sáng tác nghê, sư tử thuần Việt. Ông Nguyễn Việt Minh- nghệ nhân làng đá Non Nước cho biết, qua 2 lần phát động nhưng không có nhiều cơ sở tham gia sáng tác nghê, sư tử đá thuần Việt. “Các cơ sở tham gia ít cũng có nhiều lý do, nhưng chủ yếu là họ lo không thể bán được sản phẩm, trong khi đó để làm một sản phẩm nghê, sư tử thuần Việt cần đầu tư nhiều kinh phí và thời gian. Tôi tham khảo nhiều ý kiến khách hàng thì họ nói thích hình tượng sư tử như trước đây, còn nghê, sư tử mang nét truyền thống chỉ thích hợp trưng bày ở đình chùa hay miếu, vì vậy rất ít người mua”–ông Minh nói.
Các cơ sở đá mỹ nghệ Non Nước vẫn sản xuất hình tượng sư tử “ngoại lai” |
Còn nhớ, tại triển lãm hình tượng nghê, sư tử thuần Việt tại Đà Nẵng trước đây, bà Đặng Thị Bích Liên - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL nói, đến tháng 7-2015 sẽ quyết liệt xử lý việc đặt linh vật ngoại lai tại các di tích lịch sử và vận động, khuyến khích sử dụng linh vật thuần Việt. Nhưng với thực tế hiện nay thì chủ trương này thật khó thành công. Tuy vậy, không phải tất cả đều thờ ơ với nghê, sư tử mang nét truyền thống dân tộc. Điêu khắc gia Nguyễn Long Bửu tiết lộ đã chế tác một cặp nghê có kích cỡ 1,4 mét để tham gia cuộc phát động sáng tác nghê, sư tử thuần Việt. “Tôi không sao chép 100% từ hình mẫu, mà có sự biến tấu, cải biên để hình tượng điêu khắc nghê đẹp và sống động hơn. Tôi cho rằng, về lâu dài các sản phẩm nghê, sư tử thuần Việt sẽ có được chỗ đứng, khi người mua hiểu được các giá trị dân tộc ẩn chứa trong sản phẩm”-anh cho biết.
Đã hơn 1 năm, từ khi Bộ VH-TT&DL có chủ trương “không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật ngoại lai” nhưng đến nay các làng đá vẫn loay hoay tìm hình mẫu và chỗ đứng cho nghê, sư tử thuần Việt.
Hoàng Anh