Báo Công An Đà Nẵng

Lộc đầu xuân rừng Bà Nà

Thứ bảy, 23/02/2019 16:20

Đầu xuân, bạn tôi từ Hà Nội  vào Đà Nẵng đi du lịch Bà Nà, ngồi trên cáp treo,  ngắm những thảm rừng nguyên sinh xanh mướt, cứ ước ao giá mà được lội bộ dưới những tán rừng ấy một lần thì thật là thú vị...! Bác Khoa ở xóm tôi nghe vậy thủng thẳng: "Mai tôi đi thăm rẫy, nhân thể tìm cây thuốc, đi cùng tôi cho vui...". Vậy là mong ước của bạn tôi đã thành hiện thực...

Vượt dốc lên núi Bà Nà.

Sáng sớm sau rằm tháng giêng, sau một giờ đi xe máy, chúng tôi có mặt tại thôn Hòa Trung, xã Hòa Ninh, H. Hòa Vang, từ đây phải gửi lại xe máy bắt đầu hành trình cuốc bộ. Bác Khoa bảo hôm nay sẽ đến khe Đá Hang, đây là khe suối đầu nguồn của công trình hồ thủy lợi Hòa Trung, lớn nhất của huyện Hòa Vang, nằm trên địa phận 2 xã Hòa Ninh và Hòa Liên. Sở dĩ bác Khoa thông thuộc địa hình như một thổ địa, bởi sau ngày giải phóng miền Nam năm 1975, thực hiện cuộc vận động đi xây dựng kinh tế mới của nhà nước,  gia đình bác Khoa từ  Khuê Trung (Đà Nẵng) đã lên định cư tại vùng đất Hòa Trung này... Bây giờ nhiều người đi kinh tế mới ngày xưa đã trở về nơi ở cũ, nhưng cũng còn nhiều gia đình định cư hẳn dưới chân núi Bà Nà là các thôn Hòa Trung, Trung Nghĩa (Hòa Ninh) bây giờ... Đọc những tài liệu của ngành lâm nghiệp về vùng núi Bà Nà, được biết ngay từ năm 1911, nhận định đây là vùng đất lý tưởng có thể xây dựng khu nghỉ dưỡng, Quan toàn quyền Đông Dương người Pháp- Paul Doumer đã ra nghị định đưa Bà Nà thành một khu bảo tồn lâm nghiệp để tiện cho việc nghiên cứu... Bà Nà là một vùng núi cao, đỉnh cao nhất là Núi Chúa cao 1.487m, rặng núi Bà Nà hay còn gọi là rặng núi Lỗ Đông, nằm hơi chếch về phía Tây Nam thành phố Đà Nẵng với độ cao trung bình hơn 800m so với mặt biển. Lý do khiến người Pháp chọn Bà Nà xây dựng thành một khu nghỉ mát vì nơi đây có khí hậu được đánh giá là mùa xuân của nước Pháp, với hệ sinh thái động thực vật phong phú, quý hiếm..

Hái được "lộc" rừng Bà Nà.

Năm nay mới đầu xuân mà nắng nóng đã ngập tràn, nhưng bước chân lên rừng Bà Nà chúng tôi cảm nhận không khí vô cùng trong lành mát mẻ... Khe suối Đá Hang nước chảy ào ào, càng ngược lên độ dốc càng cao, nước chảy càng mạnh, dội vào vách núi ầm vang khắp các cánh rừng. Tiếng chim hót lảnh lót, rộn ràng khắp rừng nguyên sinh. Bác Khoa bảo, rừng Bà Nà có nhiều gỗ quý, nhiều thú rừng, cách đây khoảng 15 năm tình trạng khai thác rừng, săn bắn động vật rừng còn diễn ra phức tạp, nhưng nay rừng được bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, bây giờ rừng vẫn là nguồn kiếm sống của nhiều người dân địa phương, họ đến đây tìm mật ong rừng, hái các loại phong lan, đánh cá dưới suối  và thi thoảng vẫn còn có người lén lút đi đặt bẫy thú rừng. Dọc đường ngược theo khe Đá Hang, chúng tôi gặp vài nhóm người đi tìm mật ong, có người mang cả bình điện đi châm bắt cá dưới suối... Vừa dẫn đường cho chúng tôi lội rừng, bác Khoa vừa để mắt tìm cây thuốc, hóa ra cây thuốc của bác cũng rất đơn giản. Chỉ trong vòng một giờ bác đã chặt được hơn chục buồng chuối rừng xanh tím biếc, mấy chục cái hoa chuổi. Bác giảng giải, quả chuối rừng mang về sẽ được xắt lát phơi khô, dùng ngâm rượu chữa các bênh thận, đau lưng, nhức mỏi... Bác Khoa cũng chặt được một bó lớn thứ cây mọc bên bờ suối, bảo là cây dã đồng được ghi trong sách cây thuốc Việt Nam của Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi, có tác dụng chữa các bệnh tiêu hóa, bệnh phụ nữ khi sinh sản... Bác Khoa cho biết, cứ ngược theo khe suối này lên độ vài ba giờ đồng hồ nữa, sẽ găp những dấu tích làng bản của đồng bào dân tộc thiểu số từ thời trước chiến tranh, nơi đó vẫn còn những rừng gỗ kiền kiền bạt ngàn như rừng mía, những cây gỗ gõ to cả mấy người ôm... Những cánh rừng nguyên sinh ở Bà Nà này nếu phát triển được mô hình du lịch khám phá thám hiểm thì rất thú vị. Trao đổi chuyện này với anh Nguyễn Hữu Tâm-Trưởng CA xã Hòa Ninh, anh Tâm cho biết, trong năm qua, chính quyền và lực lượng CA địa phương đã xây dựng mô hình phối hợp giữa các lực lượng như CA, Kiểm lâm và nhân dân địa phương trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép, săn bắn động vật hoang dã không còn xảy ra. Tuy nhiên thời gian gần đây có nhiều nhóm đi du lịch tự phát, khám phá rừng, họ vào rừng đốt lửa nấu ăn, xả rác thải bừa bãi, lực lượng chức năng phải thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, phòng tránh nguy cơ cháy rừng, ô nhiễm môi trường...

Bữa cơm mừng hái được "lộc" giữa rừng Bà Nà.

Trưa, chúng tôi nhóm lửa nướng thịt ngay bên bờ suối, cùng thưởng thức hương vị rừng. Nhưng ngay sau khi tan cuộc ra về, bác Khoa yêu cầu mọi người dội nước suối dập tắt lửa, thứ mang ra khỏi rừng chỉ là những cây thuốc gọi là "lộc rừng" mà bác Khoa hái được. Một chuyến du lịch đầu xuân rừng Bà Nà thật ý nghĩa và thú vị.

HỒNG THANH