Báo Công An Đà Nẵng

Lợi bất cập hại

Thứ năm, 23/06/2016 10:12

(Cadn.com.vn) - Chưa bao giờ, nước Nhật lại bùng nổ làn sóng biểu tính phản đối lính Mỹ gay gắt như hiện nay. Mới đây, hôm 19-6, hàng chục ngàn người dân Nhật xuống đường biểu tình phản đối sự hiện diện căn cứ quân sự Mỹ trên hòn đảo phía tây nam tỉnh Okinawa, nơi một cựu lính thủy đánh bộ Mỹ bị buộc tội cưỡng hiếp và giết hại một cô gái địa phương 20 tuổi.

Okinawa từng là chiến trường đẫm máu trong Thế chiến II, nhưng hiện là nơi đóng quân của một loạt căn cứ Mỹ. Năm 1972, hòn đảo nhỏ bé này chính thức được Mỹ trao trả lại cho Nhật theo một hiệp ước hậu chiến. Nhưng trong khi việc này đánh dấu kết thúc việc Mỹ chiếm đóng Okinawa, đối với nhiều người trên hòn đảo này, mọi việc lại có xu hướng nghiêm trọng hơn. Nhiều người dân bất bình vì Okinawa trở thành nơi lưu trú của số lượng lớn quân đội Mỹ tại Nhật. Các căn cứ ở đây chiếm nhiều diện tích đất và làm nảy sinh nhiều vụ bê bối liên quan đến người Mỹ. Và còn đó là tình trạng ô nhiễm tiếng ồn.

Vụ cô gái 20 tuổi bị giết hại có lẽ chính là “giọt nước làm tràn ly” khiến người dân Okinawa không muốn chịu đựng nữa. Và bằng chứng là 65.000 người xuống đường phản đối. Vụ việc này cũng thực sự thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế, nhấn mạnh mức độ khó chịu mà người dân Okinawa thường xuyên gánh chịu trong suốt thời gian qua, và điều này một lần nữa chính là cơn ác mộng cho Washington. Và thông thường, trong những trường hợp tương tự, Washington cố gắng xoa dịu Okinawa, cam kết trả lại đất đai và hứa sẽ thi hành kỷ luật nghiêm khắc hơn, chẳng hạn như ban lệnh giới nghiêm, quy định cấm uống rượu…

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ “lịch sử và hiện trạng hiện nay ở Nhật Bản”. Đó là việc chính quyền trung ương luôn xem Okinawa và người dân ở đây như “đứa con rơi” chỉ muốn rút lợi cho họ. Thực tế, trong chuyến thăm gần đây của Tổng thống Barack Obama đến Nhật để tham gia Hội nghị Thượng đỉnh G7, Thủ tướng Shinzo Abe lên án vụ lính Mỹ giết người với Tổng thống Obama, nhưng lại chưa thúc đẩy một phiên bản của thỏa thuận giữa hai bên về việc triển khai quân Mỹ tại Nhật (SOFA) để có thể ngăn ngừa và chấm dứt vấn đề này, dù đó là thời điểm thích hợp nhất để làm như vậy. SOFA là thỏa thuận bị phản đối gay gắt vì cho phép binh sĩ và công nhân viên tại các căn cứ quân sự Mỹ được hưởng quy chế đặc biệt trong trường hợp họ phạm pháp bên ngoài phạm vi căn cứ.

Vấn đề đặt ra cho chính quyền Thủ tướng Abe là chi tiêu quốc phòng dưới thời nhà lãnh đạo này đã tăng lên trong 5 năm liên tiếp và đạt mức kỷ lục cho tháng 4-2016 với mốc 5.000 tỷ yên (47,89 triệu USD). Do đó, Nhật  dường như buộc phải dựa vào sự bảo vệ an ninh của Mỹ.  Rõ ràng, căn cứ quân sự của Mỹ ở Okinawa là  điểm mấu chốt giúp Nhật đảm bảo an ninh trong bối cảnh tình hình trong khu vực Đông Á đang ngày càng nóng bỏng, trước những vụ phóng hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên và cả những động thái của Trung Quốc ở biển Hoa Đông tranh chấp.

Thanh Văn