Báo Công An Đà Nẵng

Lợi hại quân bài Huawei

Thứ năm, 13/12/2018 10:53

Vậy là cuối cùng, tòa án Canada đã cho phép Giám đốc tài chính (CFO) của gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc Huawei, bà Mạnh Vãn Chu được bảo lãnh tại ngoại. Theo đó, bà Mạnh sẽ phải nộp 10 triệu CAD tiền bảo lãnh, bao gồm 7,5 triệu CAD tiền mặt. Ngoài ra, bà Mạnh phải tuân thủ các điều kiện khác bao gồm: có 5 người bảo lãnh; giao nộp mọi hộ chiếu cùng giấy tờ đi lại và không được nộp đơn xin giấy tờ mới; phải có nhân viên an ninh hộ tống mỗi khi rời khỏi nhà; phải đồng ý đeo thiết bị giám sát điện tử; không được rời khỏi nơi ở trong khoảng thời gian từ 23 giờ đến 7 giờ sáng.

Vụ bắt giữ CFO của Huawei ở Canada được thực hiện theo yêu cầu của Mỹ khi bà Mạnh đang quá cảnh ở sân bay Vancouver hôm 1-12. Mỹ buộc tội bà Mạnh đẩy các ngân hàng đa quốc gia vào tình trạng phạm sai lầm trong các giao dịch liên quan tới Iran, khiến những ngân hàng này có nguy cơ vi phạm các lệnh trừng phạt của Washington. Và giờ đây, việc xét xử bà Mạnh xem ra cũng đang đi đúng hướng mà Mỹ mong muốn. Trên thực tế, bà Mạnh chỉ được bảo lãnh tại ngoại để đợi phiên tòa điều trần về việc dẫn độ sang Mỹ, trong đó, khả năng vị nữ lãnh đạo của Huawei sẽ bị xét xử tội trạng ở Mỹ là rất cao.

Đó là lý do Trung Quốc đang rất nỗ lực để có thể “cứu vãn” tình hình, buộc Canada phải thả người ngay lập tức. Tất nhiên, điều này là không dễ bởi Canada ắt hẳn cũng đang hứng chịu áp lực rất lớn từ Mỹ. Trong bối cảnh này, Tổng thống Donald Trump dường như đã mở ra cho Bắc Kinh một con đường mới. Trong tuyên bố hôm 12-12, ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh sẵn sàng sử dụng vụ bắt giữ bà Mạnh như một con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra với Trung Quốc. Khi được Reuters hỏi trong một cuộc phỏng vấn liệu ông có can thiệp vào vụ việc hay không, ông Trump nói: “Bất cứ điều gì tốt cho đất nước này, tôi sẽ làm”. Ông nói tiếp: “Nếu tôi nghĩ nó tốt cho những gì chắc chắn sẽ là thỏa thuận thương mại lớn nhất từng được thực hiện - đó là một điều rất quan trọng - điều gì tốt cho an ninh quốc gia - tôi chắc chắn sẽ can thiệp nếu tôi nghĩ điều đó là cần thiết”.

Tuyên bố này của ông Trump càng củng cố những nghi hoặc rằng, vụ bắt giữ bà Mạnh không chỉ là một vụ việc pháp lý riêng biệt mà có liên quan đến chính trị, về sự trấn áp lâu dài của Washington với Huawei nói riêng và Trung Quốc nói chung. Trên thực tế, đây là lần đầu tiên mà sự cạnh tranh thương mại và công nghệ biến thành một vụ tấn công bất ngờ nhằm vào một giám đốc hàng đầu của đối thủ. Và nếu Mỹ vẫn khăng khăng đòi dẫn độ bà Mạnh,  vụ việc này sẽ trở thành một tai họa to lớn trong kinh doanh quốc tế, tương đương với việc mở hộp Pandora - căn nguyên của tai họa.

Một số giám đốc tập đoàn của Mỹ và Canada đang lo lắng khi tới Trung Quốc, và các đối tác Trung Quốc cũng có quan ngại tương tự khi tới 2 quốc gia Bắc Mỹ này. Trung Quốc không có dấu hiệu sẽ bắt giữ các giám đốc kinh doanh của Mỹ hay Canada để trả thù còn Mỹ dường như cũng không định biến một vụ bắt giữ như vậy thành thông lệ. Nhưng vụ việc này đã làm dấy lên những lo ngại trong cộng đồng doanh nghiệp.

THANH VĂN