Báo Công An Đà Nẵng

Lôi kéo và quyến rũ!

Thứ năm, 24/08/2017 11:20

Chuyến thăm hiếm hoi đến Saudi Arabia hồi cuối tháng 7 của giáo sĩ có ảnh hưởng của người Hồi giáo Shiite ở Iraq, ông Moqtada Sadr, đánh dấu tham vọng của quốc gia Hồi giáo Sunni quyền lực: đó là kéo Iraq ra khỏi “vòng tay” của Iran.

Sau khi chính quyền Tổng thống Iraq Saddam Hussein tấn công Kuwait vào tháng 8-1990, Riyadh đã cắt đứt quan hệ với Baghdad và đóng cửa khẩu biên giới với quốc gia hàng xóm phía bắc. Các mối quan hệ giữa hai bên vẫn căng thẳng ngay cả sau khi ông Saddam bị Mỹ lật đổ trong cuộc chiến vào năm 2003. Nguyên nhân cũng vì các chính phủ tiếp theo sau ở Iraq đều tiến lại gần Tehran hơn.

Tuy nhiên, chuyến thăm hiếm hoi của giáo sĩ Sadr đến Saudi Arabia, theo lời mời của Riyadh, nơi ông đã có cuộc gặp với Hoàng tử Mohammed bin Salman, đã cho thấy một sự thay đổi lớn. 2 tuần sau đó, ông Sadr tiếp tục cuộc đàm phán tại Abu Dhabi với hoàng thái tử Mohammed bin Zayed Al-Nahyan, một nhân vật quyền lực của Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) - và đồng minh thân cận của ông ở Saudi Arabia.

Việc giáo sĩ Sadr có mặt ở Riyadh và Abu Dhabi là hình ảnh minh chứng rõ ràng cho các đối thủ trong khu vực, đặc biệt là Iran, thấy rằng, hai quốc gia Vùng Vịnh này có khả năng khai thác và ảnh hưởng đến chính trị nội bộ của người Shitte ở Iraq. Với chuyến thăm này, quốc gia Arab thân phương Tây này muốn chứng tỏ, Iran không còn độc quyền ảnh hưởng đến chính sách ở Baghdad nữa.

Tehran đóng vai trò chính trị, kinh tế và quân sự quan trọng đối với Baghdad kể từ khi ông Saddam bị lật đổ. Và giờ đây, xem ra, Riyadh đang có bước đi đầy khôn ngoan. Trên thực tế, mối quan hệ Saudi Arabia và Iraq đang chứng kiến những bước đi cải thiện đáng kể. Cả hai có kế hoạch mở lại cửa khẩu biên giới Arar cho mục đích thương mại sau 27 năm. Giới chức Saudi Arabia và Iraq đã đến thăm địa điểm trên và tiếp xúc với những người hành hương Iraq, vốn chỉ được phép qua cửa khẩu này một lần duy nhất trong năm vào mùa lễ hành hương suốt từ năm 1990.

Rõ ràng, việc mở lại cửa khẩu này là một “bước đi quan trọng” nhằm thúc đẩy mối quan hệ song phương vốn bị đóng băng trong nhiều thập kỷ qua.

THANH VĂN