Báo Công An Đà Nẵng

Lời khen chân thành - món quà vô giá

Thứ hai, 31/03/2014 23:10

(Cadn.com.vn) - Tôi xin dẫn ra đây một câu chuyện. Chú tiểu nọ xây một bức tường. Khi đã hoàn tất, chú tiểu tỏ ra không ưng ý. Nhà sư hỏi lý do, chú bảo rằng trên tường có một viên gạch bị lệch, thật xấu xí. Nhà sư ân cần bảo: “Con nhìn xem, hàng trăm viên khác trên bức tường vẫn ngay ngắn đấy thôi, sao con không nhìn thấy?”. Lúc bấy giờ chú mới nhận ra thành quả của chính mình!

Có thể mỗi người đều rút ra ý nghĩa khác trong câu chuyện nổi tiếng trên đây, nhưng với tôi, đó là cách thức nhìn nhận, thái độ ứng xử của mỗi con người với đồng loại. Hãy hình dung, nếu không có cái nhìn nhân hậu như vị sư nọ, hẳn bất kỳ ai cũng rất dễ thốt lên rằng “bức tường thật là xấu”. Điều đó cũng có nghĩa là, thay bằng lời khen để tôn vinh thành tựu, chỉ bằng một lời chê, ta đã phủ nhận cả một quá trình nỗ lực.

Tiếc thay, đó cũng là một thực trạng trong xã hội ngày nay.

Tâm lý của hầu hết người Việt Nam chúng ta thường rất tiết kiệm những lời nói yêu thương, động viên, khen tặng cho nhau; trong khi đó những lời nói, cử chỉ chê bai, trách móc, phê bình, nói xấu nhau hay nói xấu về người khác, tổ chức khác... thì lại có thừa, thậm chí đang rất phát triển, trở thành "căn bệnh" cố hữu rất dễ lây lan của không ít người trong cuộc sống thường nhật hiện nay. Người có hàng chục điểm tốt thì ít ai đề cập đến, nhưng nếu người đó chỉ cần vô ý vấp phải một vài điểm sai sót thì sẽ bị không ít người rỗi hơi, ngồi lê đôi mách, quan tâm bàn tán, bới móc từ bé xé ra to, nâng quan điểm và kết tội họ vô tội vạ... Tình trạng này dẫn đến những hệ lụy  không tốt như chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, nghi ngờ đố kỵ nhau, vi phạm không ít quỹ thời gian và hiệu quả làm việc của tổ chức cùng mối quan hệ của mỗi người...

Trên thực tế, những người lao động phổ thông trong các đơn vị hành chính hay doanh nghiệp như: bảo vệ, công nhân bốc xếp, thợ nề... đi làm những công việc vất vả, môi trường lao động khắc nghiệt, độc hại, tiền thu nhập đã ít, lại thường dễ bị các sếp và đôi khi cả đồng nghiệp, khách hàng la mắng, xét nét, về đến nhà riêng cũng dễ bị vợ (chồng) la mắng, trách móc... Vậy ai sẽ là người dành cho họ những lời khen tặng, động viên tích cực nhất để giúp họ vượt qua nhọc nhằn mưu sinh vươn lên mỗi ngày? Trách nhiệm này không ai khác chính là các sếp, các thủ trưởng đơn vị cần phải trực tiếp dành cho nhân viên của mình nhiều lời khen tặng hơn, và hơn thế nữa là phải tạo ra một môi trường đơn vị có văn hóa khen tặng nhau, sếp khen tặng nhân viên, nhân viên khen tặng sếp và nhân viên khen tặng nhân viên, khen tặng khách hàng mỗi ngày.

Xác định lời khen tặng có giá trị rất lớn lao với người được khen vì nó biểu lộ sự thân thiện, là cách khuyến khích, động viên, tôn vinh giá trị của người khác một cách tinh tế nhất, lời khen tốt sẽ phát huy sức mạnh tiềm ẩn của bản thân mỗi người, làm gia tăng sự đóng góp, cống hiến của họ với tập thể. Vậy có cách nào để chúng ta tạo ra một môi trường trong đơn vị, phòng ban, tổ đội, công ty mình, gia đình mình luôn duy trì được văn hóa khen ngợi nhau thường xuyên?

Tôi xin được gửi đến độc giả một kinh nghiệm nhỏ mà tôi đã học được và áp dụng thành công tại công ty mình để mọi người tham khảo, đó là việc tổ chức trò chơi "Cả phòng khen nhau", "Cả tổ khen nhau" tại công sở hay "Cả nhà khen nhau" tại gia đình... Trò chơi khá đơn giản: Mời lần lượt từng thành viên theo chiều kim đồng hồ lên ngồi trên "ghế nóng", tất cả mọi người còn lại ngồi quây quần thành vòng cung bên dưới. Từng người một sẽ dành cho người ngồi trên "ghế nóng" những lời khen tặng của mình. Ai biết ít (hay nhiều) điểm tốt của người ngồi trên "ghế nóng" thì sẽ khen ngợi ít (hay nhiều), không giới hạn lời khen hay thời gian khen tặng nhưng cũng không thể không khen. Lời khen tặng phải hết sức chân thành, nhẹ nhàng, đúng lúc, biểu thị sự ngưỡng mộ, không được "khen đểu", khen nịnh bợ nhau. Người ngồi trên "ghế nóng" khi được khen cũng phải nói lời cảm ơn chân thành. Sau khi kết thúc trò chơi, MC thử phỏng vấn những người chơi xem cảm xúc của họ thế nào. Chắc chắn MC sẽ nhận được các câu trả lời có cùng quan điểm là họ cảm thấy rất vui, tự hào, xúc động...

Về góc độ của người lãnh đạo hay người chủ gia đình, sau khi triển khai và trực tiếp tham gia trò chơi này tại nhiều phòng ban trong công ty, gia đình mình ắt sẽ có được những trải nghiệm cùng thu hoạch rất thú vị cho bản thân và môi trường văn hóa nơi mình đang quản lý điều hành. Đó là sự hiểu biết sâu sắc hơn những điểm tốt của từng nhân viên mà trước đây nhiều người chưa hề được biết, từ đó nhân rộng các điển hình tiên tiến, đề bạt quản lý cán bộ nhân viên. Hơn nữa là tạo ra được môi trường và ý thức thường xuyên biết quan tâm chăm sóc, khen ngợi nhau trong mỗi tập thể để không ngừng động viên khuyến khích, cổ vũ nhau đoàn kết, thi đua để đạt hiệu quả cao nhất trong mỗi đơn vị, mỗi gia đình.

Lời khen là món quà tinh thần vô giá trong cuộc sống cho tất cả chúng ta. Khi trong xã hội luôn có nhiều lời khen chân thành dành cho nhau thì những lời chê bai, nói xấu... sẽ mất dần cơ hội tồn tại, nhiều giá trị tốt đẹp sẽ nảy sinh, lan tỏa. Tất nhiên, như đã nói trên đây, lời khen không phải là sản phẩm đầu môi chóp lưỡi. Nó xuất phát từ cách thức chúng ta nhìn nhận cuộc sống, từ sự bao dung, độ lượng và hiểu biết của mỗi con người. Nếu bạn thực sự muốn duy trì thói quen khen ngợi người khác trong tập thể hay gia đình mình thì hãy bắt đầu ngay, mặc dù thay đổi thói quen có thể hơi khó nhưng tôi rất tin rằng ai cũng sẽ có cơ hội thành công!

N.H.S