Báo Công An Đà Nẵng

CHUYÊN GIA KINH TẾ CAO CẤP PHẠM CHI LAN:

Lời khuyên số 1 của tôi là các doanh nghiệp liên kết lại!

Thứ tư, 22/07/2015 06:57

(Cadn.com.vn) - Trung tuần tháng 7-2015, Hội doanh nghiệp Q. Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Hội nhập và thách thức đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) hiện nay”. Tại Hội thảo, chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch VCCI giải đáp nhiều thắc mắc của DNNVV.

Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan

DN: Hiện nay, trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, hầu như các DN Việt Nam phải làm tất cả, từ thị trường, nhân lực, vốn, đầu tư đổi mới công nghệ… Song với số lượng DN tư nhân và gia đình chiếm đại đa số thì khả năng tài chính và nguồn lực có hạn. Bà có lời khuyên gì cho cộng đồng DN để giữ vững thị phần và làm ăn có hiệu quả?

Bà Phạm Chi Lan: Lời khuyên số 1 của tôi là các DN liên kết lại với nhau để tạo thành sức mạnh. Cụ thể là liên kết giữa các DN với nhau, giữa DN với các công ty làm dịch vụ, tư vấn, thông tin… vô cùng quan trọng. Một số DN của ta hiện nay có hiện tượng cứ làm đã rồi mới tính đến thị trường, vậy là sai lầm lớn. Thị trường bây giờ là của người mua chứ không phải người bán. Và có quá nhiều, quá rộng và đa dạng sự lựa chọn nên đầu tiên muốn mở rộng quy mô sản xuất, tạo cơ hội làm ăn mới phải điều tra thị trường, xem có khả năng và triển vọng không, sau đó nhờ các nhà tư vấn chia sẻ thông tin. Nếu chưa có thì phải phát triển liên kết các ngành với nhau. Khi đã có liên kết, có thị phần rồi  thì việc huy động các nguồn lực khác không khó. Về vốn, các ngân hàng bây giờ cũng cần những nhà đầu tư có tiềm năng để cho vay chứ không phải là quá khó.

DN: Các DN làm gì để liên kết và phát triển?

Bà Phạm Chi Lan: Ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển như Mỹ và Nhật, thị phần cho DN lớn chỉ chiếm 75%, còn lại DNNVV. Và Chính phủ có cơ chế đặc thù để hỗ trợ phát triển, như chi 25% ngân sách mua sắm cho DNNVV. Chúng tôi cũng đang tiến hành nghiên cứu để đưa những cơ chế ưu đãi cho DNNVV vào luật. Từ đó, Chính phủ sẽ công khai dành thị phần cho DN này. Theo cơ chế của chúng ta, nhà nước là nhà đầu tư lớn nhất và cũng là nhà tiêu dùng lớn nhất. Đầu tư nhiều thì mua sắm nhiều, từ các trang thiết bị phục vụ công trình, dự án đấu thầu. Nếu đấu thầu mà cho DN lớn làm hết thì còn đâu cho DNNVV. Các DNNVV không nên có mặc cảm tự ti khi tìm thị trường sang nước ngoài. Đã có sản phẩm nhỏ và vừa Việt Nam sang Mỹ, đa phần là những công ty có cải tiến mới, sản phẩm tốt.

DN: Bà đánh giá như thế nào về những thuận lợi và khó khăn của DN Đà Nẵng trong quá trình hội nhập?

Bà Phạm Chi Lan: Hiện nay, thương hiệu TP Đà Nẵng được đánh  giá cao trong nước và quốc tế. Trước đây là Bình Dương, nay lu mờ nhiều so với Đà Nẵng về thu hút đầu tư. Không chỉ hạ tầng và chính sách thực thi, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Đà Nẵng luôn ở tốp đầu, thu hút nhà đầu tư khi đi vào Việt Nam. Có môi trường đầu tư và nhà kinh doanh tốt, đây là cơ sở vô cùng quan trọng để Đà Nẵng phát triển. Thêm nữa, Đà Nẵng có giá trị kết nối tốt, nhất là tiểu vùng Mê kông đóng vai trò cửa ngõ kết nối, đón nhận các nhà đầu tư Nhật Bản. Đà Nẵng phát triển dịch vụ nhưng sẽ phải cạnh tranh khốc liệt,  bởi những nơi chưa phát triển là mảnh đất màu mỡ để nhà đầu tư nước ngoài nhảy vào.

Nguyên Thảo
(ghi)