Báo Công An Đà Nẵng

Lời nhắn dành cho... 363 ngày

Thứ bảy, 19/10/2013 10:27

(Cadn.com.vn) - Một năm có 365 ngày, trong đó có 2 ngày kỷ niệm dành riêng cho phụ nữ (8-3 và 20-10), còn lại là ngày bình thường. Tôi muốn nói về 363 ngày ấy.

Xin bắt đầu bài viết này bằng câu chuyện khá thương tâm mà Báo Công an TP Đà Nẵng đăng tải qua bài viết "72 giờ truy tìm kẻ bắt cóc bé trai 21 tháng tuổi" vừa rồi. Giờ đây, cháu bé đã an toàn trở về ấm êm trong vòng tay mẹ. Giọt nước mắt đã thôi rơi, niềm hạnh phúc vỡ òa trên gương mặt bao người. Nhưng thật khó có thể kể hết những gian nan, vất vả, căng thẳng của những CBCS CATP Đà Nẵng và CA tỉnh Quảng Trị khi phối hợp khám phá vụ án này bởi nếu chậm chân, tính mạng cháu bé có thể bị đe dọa, thân phận của đứa trẻ này không biết sẽ trôi nổi ở đâu và nỗi đau ấy biết bao giờ mới nguôi ngoai?

Mọi việc đã kết thúc có hậu, nhưng niềm ray rứt vẫn còn, đấy là khi nghĩ về thân phận của 2 người phụ nữ trong vụ án này. Xót xa nhất là người bị hại - Huỳnh Thị Hiền (1991), thôn 3, quê Tam Thành, H. Phú Ninh, Quảng Nam. Ở lứa tuổi 22, Hiền đã phải gánh chịu một cuộc sống cơ cực khi phải rời bỏ quê hương với đôi bàn tay trắng ôm đứa con bé bỏng ra Đà Nẵng xin làm lao công tại bệnh viện rồi lưu trú ngay tại đây. Nguyên nhân đưa đẩy người phụ nữ trẻ này tha hương bởi chồng Hiền thường xuyên rượu chè. Thời gian gần đây chồng Hiền thường xuyên nhậu nhẹt, mỗi lần say anh ta  quen thói vũ phu, ghen tuông vô cớ nên gia đình lúc nào cũng căng thẳng. Nhiều lần hòa giải không thành, Hiền ôm con nhỏ đi lánh những trận đòn roi của chồng và dạt về Đà Nẵng. Hoàn cảnh của Hiền thật xót xa và chẳng biết khi hay tin về vụ con trai bị bắt cóc, người đàn ông ấy sẽ nghĩ gì?

Nữ phóng viên cùng đồng nghiệp nam
đang phỏng vấn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Ảnh: T.L

Người phụ nữ thứ hai là kẻ gây án Phan Thị Hồng Ngọc (1970), trú thôn 4, xã Quế Long, H. Quế Sơn, Quảng Nam. Theo lời khai, Ngọc từ Quảng Nam ra Bệnh viện Đà Nẵng, chăm sóc người bệnh lấy tiền công và quen biết chị Hiền. Ở quê, Ngọc có 2 con trai, 1 đứa 17 tuổi đã nghỉ học, 1 đứa 14 tuổi đang học cấp 2. Chồng Ngọc vào Nam phụ hồ, vất vả nhưng thu nhập ít ỏi. Mấy ngày trước, các con Ngọc điện thoại cho biết ở nhà không còn tiền, gạo cơm mắm muối đều cạn. Ngọc thương con quá, nhưng không có tiền để gửi về. Túng quẫn, Ngọc liều mạng bắt cóc con Hiền để kiếm chút tiền...".  Dĩ nhiên không ai đồng tình với việc vin cớ quẫn bách để phạm tội bắt cóc trẻ em, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng nguồn gốc sâu xa của hành vi này do nghèo túng, "bần cùng sinh đạo tặc". Ngọc hiện đang bị tạm giam để cơ quan điều tra làm rõ vụ án và chắc chắn sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc, nhưng cũng thật xót xa, ái ngại về hoàn cảnh phạm tội như vậy...

Ai cũng hiểu rằng nỗi khổ tâm, cực nhọc, cô đơn của hai người phụ nữ nêu trên không phải là cá biệt. Hàng ngày, qua các phương tiện thông tin, chúng ta thường bắt gặp những cuộc đời bất hạnh mà nạn nhân phần nhiều là phụ nữ.

Có thể nói, trong vài thập niên trở lại đây, vấn đề bình đẳng giới đã có những bước tiến khá dài. Tỷ lệ phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo, làm chủ các cơ quan, doanh nghiệp càng nhiều hơn, có đóng góp đáng kể trong sự phát triển chung của xã hội. Dù vậy, thực trạng bất bình đẳng về giới, đặc biệt ở vùng nông thôn, miền núi vẫn còn phổ biến. Nhiều người chồng phó mặc vợ con, tự cho mình "quyền" chửi mắng, đánh đập, hành hạ vợ hoặc ghen tuông vô cớ dẫn đến những vụ án mạng thật đau lòng, gây phẫn uất dư luận. Tư tưởng "trọng nam khinh nữ" và quan niệm "tam tòng tứ đức" (nặng nề nhất là "xuất giá tòng phu") vẫn còn đeo đẳng làm cho phụ nữ thụ động, lép vế trong gia đình, chịu nhiều đắng cay, tủi nhục.

Nhiều địa phương đã có những sáng kiến, giải pháp hữu hiệu để xóa dần bất bình đẳng về giới. Đà Nẵng từng đi tiên phong trong việc bảo vệ phụ nữ khi "tuyên chiến" với ông chồng bạo hành, giải quyết khó khăn về nhà ở, vốn làm ăn cho phụ nữ nghèo, đơn thân. Dù vậy, những điểm sáng này cũng chưa đủ để soi rọi khắp các mảng tối khi vẫn còn đó hành vi bạo lực gia đình. Hầu hết người vợ luôn nhẫn nhục với suy nghĩ "xấu chàng hổ ai" cùng nhiều nỗi lo sợ khác như gia đình sẽ tan vỡ, con cái bơ vơ. Từ đó, người phụ nữ thà chịu đau khổ, thiệt thòi để níu giữ gia đình dù trên thực tế nơi ấy từ lâu đã không còn là tổ ấm.

Vẫn hy vọng rằng thời gian tới, các cấp chính quyền, các đoàn thể sẽ có các biện pháp cụ thể và hiệu quả hơn để giảm dần khoảng cách bất bình đẳng về giới. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc một số đàn ông có hành vi bạo hành, tự cho mình được quyền ăn trên ngồi trước, đẩy nỗi lo toan, khó khăn cho phụ nữ là sự ích kỷ đáng hổ thẹn. Thử hỏi nếu không có phụ nữ, cuộc sống trên thế gian này sẽ ra sao? Phụ nữ là một nửa quan trọng của thế giới, bởi họ mang nhiều phẩm chất tốt đẹp mà biểu hiện rõ ràng nhất là sự hy sinh thầm lặng. Lẽ nào, cánh đàn ông - "phần còn lại của thế giới" với nhiều đặc ân của tạo hóa lại không thấm thía, chia sẻ và tri ân sự hy sinh đó?

Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10), có khi phải nghĩ từ điều bình dị nhất: "một nửa nhân loại" đang nói đến không đâu xa mà đang sống xung quanh chúng ta như người Mẹ, người vợ, là chị, là em, là đồng nghiệp. Người có hành vi bạo hành phụ nữ sẽ nghĩ gì nếu người bị bạo hành tàn khốc là Mẹ, là chị, em, hay con cái của họ? Tại sao họ có thể đang tâm gây bạo hành đối với người đầu gối tay ấp, là mẹ của các con họ, trong khi họ thừa biết phụ nữ cũng đau đớn thịt da, cũng bức xúc, dằn vặt như tất cả mọi người.

Mỗi năm ở Việt Nam, nữ giới có 2 ngày đáng nhớ, đó là ngày 8-3 và ngày 20-10. Trong đời sống, thỉnh thoảng chúng ta vẫn thường bông đùa: "Hôm nay mồng Tám tháng Ba/ Tui giặt giùm bà cái áo...  của tui"; hoặc "Một năm phụ nữ có đến 2 ngày vui, còn nam giới chỉ có... 363 ngày". Những lời ấy phải chăng được nói ra với lòng bao dung lớn lao của phụ nữ đối với... phái mạnh!

Năm nào cũng vậy, nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, chúng  ta dễ dàng nhận ra sự hân hoan và gương mặt rạng ngời của phụ nữ. Sự tươi tắn ấy dường như đang phát đi thông điệp về sự khát khao được sống bình đẳng và hạnh phúc. Dịp này, hoa và lời chúc ngập tràn nhưng sẽ rất hình thức nếu niềm vui của phụ nữ chỉ có gói gọn trong 2 ngày ấy.

Chúng ta kỳ vọng trong 363 ngày còn lại trong năm, người phụ nữ luôn được sống trong sự bình đẳng, được nam giới sẻ chia nỗi lo, cùng gánh vác nỗi nhọc nhằn.  Mong rằng ở mọi nơi, đặc biệt là ở vùng quê nghèo khó, vùng sâu vùng xa, phụ nữ sẽ không còn phải đối mặt với bạo hành, với sự thờ ơ vô trách nhiệm của người khác phái để được sống trọn vẹn với thiên chức làm Mẹ, làm vợ, được sống trong chan chứa tình yêu thương ở nơi công tác hay trong mỗi tổ ấm gia đình.

Nguyễn Đức Nam