Lợi thế quyền lực mềm Ấn Độ
(Cadn.com.vn) - Trong chuyến thăm gần đây đến Ấn Độ, Thủ tướng Australia Tony Abbott được hỏi về việc ký kết thỏa thuận bán uranium cho New Delhi. Đáp lại, Thủ tướng nói: “Ấn Độ không đe dọa ai và là bạn bè với nhiều nước”.
Đây không phải là câu trả lời mang tính ngoại giao đơn thuần, mà nó được lựa chọn cẩn thận dựa trên hình ảnh quốc tế Ấn Độ. Đó là hình ảnh rất hiếm trong số các cường quốc có kích thước và sức mạnh tương tự, và sẽ tạo cho New Delhi lợi thế quyền lực mềm duy nhất trong thế giới đa cực tương lai.
“Cánh cửa” hạt nhân
Với thỏa thuận hạt nhân Mỹ-Ấn, Washington đối xử đặc biệt với New Delhi trong hợp tác hạt nhân. Thỏa thuận cung cấp những lợi ích cho việc ký kết Hiệp ước Không phổ biến (NPT).
Ấn Độ cũng nhận được ưu đãi từ Nhật, Hàn và Canada, đồng ý cung cấp “các thiết bị kép” có thể được sử dụng cho cả dân sự và quân sự. Sự hợp tác này không chỉ đơn thuần là do các mối quan hệ chiến lược của các quốc gia này với Mỹ. Nga từ lâu hợp tác với Ấn Độ về công nghệ hạt nhân.
Ngay cả Trung Quốc, một thành viên của NSG (Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân), không phản đối quyết định của nhóm đối với Ấn Độ. Hiện, Ấn Độ là nhà nước vũ khí hạt nhân không phải là một phần của NPT nhưng vẫn được phép tham gia vào thương mại hạt nhân trên toàn cầu.
Thủ tướng Australia Tony Abbott (trái) trong chuyến thăm Ấn Độ gần đây. Ảnh: Diplomat |
Một Ấn Độ ôn hòa...
Uy tín Ấn Độ vượt ra ngoài vấn đề hạt nhân. Từ khi độc lập, quốc gia Nam Á này được xem là cường quốc trung lập. Điều này có được một phần là do vai trò nổi bật của New Delhi trong Phong trào không liên kết. Các quốc gia Nam Á không nhận thấy Ấn Độ là mối đe dọa theo cách mà các nước nhìn vào Trung Quốc.
Ngay cả Pakistan, kẻ thù trong thời gian dài, cũng không thấy lo lắng trong các giao dịch với người láng giềng lớn hơn và mạnh hơn. Điều gì đứng sau hình ảnh ôn hòa của Ấn Độ? Trong hơn 60 năm qua, New Delhi nỗ lực xây dựng một Ấn Độ bất bạo động. Điều này thể hiện rõ trong lĩnh vực hạt nhân.
Mặc dù New Delhi có vũ khí hạt nhân được thử nghiệm vào năm 1974 và năm 1998 và không ký kết hiệp ước NPT và Hiệp ước cấm thử toàn diện, Ấn Độ là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với việc giải trừ quân bị toàn cầu. New Delhi trở thành nhà vận động chống hạt nhân tích cực nhất, với lời kêu gọi đáng chú ý nhất cho việc giải trừ quân bị toàn cầu của Thủ tướng Rajiv Gandhi tại LHQ vào năm 1988.
Ấn Độ tiếp tục theo đuổi hình ảnh này một thập kỷ sau đó, ngay cả sau khi vụ thử nghiệm hạt nhân Pokhran II.
...bất bạo động, đa nguyên và khoan dung
Delhi cũng tìm cách xây dựng hình ảnh đất nước bất bạo động trong nhiều lĩnh vực khác của chính sách đối ngoại.
Hình ảnh quốc gia là chiến lược để tăng sức mạnh mềm của Ấn Độ. Các nhà hoạch định chính sách muốn đất nước được xem là bất bạo động, đa nguyên và khoan dung, bởi vì Ấn Độ thực sự nắm giữ những giá trị này. Điều này được thể hiện trong các can thiệp của Ấn Độ ở Iraq, Libya và Syria.
Uy tín quốc tế của Ấn Độ sẽ mạnh lên khi các lợi ích chiến lược của nước này mở rộng khắp Ấn Độ-Thái Bình Dương và xa hơn nữa. Trong hoạt động ngoại giao, New Delhi có thể chuyển đổi lợi thế quyền lực thành lợi ích chiến lược và kinh tế. Chính phủ mới của ông Modi nhận ra điều này và đang xây dựng các sáng kiến Quốc hội để nâng cao công cụ ngoại giao nhân dân của Ấn Độ.
An Bình
(Theo Diplomat)