Lối thoát nào cho các phần tử thánh chiến Syria?
(Cadn.com.vn) - 3 năm sau cuộc nội chiến Syria, một số lượng lớn các chiến binh thánh chiến Jordan trở về nước do cảm thấy thất vọng bởi tình trạng đấu đá nội bộ trong hàng ngũ phiến quân. Hoặc họ cũng muốn tìm kiếm một lối thoát khỏi cuộc xung đột tại nước này. Tuy nhiên, không có con đường nào cho họ về đến Jordan.
Bị bỏ tù
Phần tử Hồi giáo người Jordan Ahmad Mahmoud đã chiến đấu cùng với quân nổi dậy ở Syria trong 6 tuần đầu năm nay, sau đó vượt biên giới trở về Jordan để điều trị thương tích- dù các nhà chức trách cảnh báo Mahmoud không được trở lại.
Mahmoud tự nguyện thông báo với các quan chức rằng, ông đã trở lại Jordan để phẫu thuật đầu gối bị thương, nhưng vẫn bị giam giữ. Trong vòng một tuần sau đó, tay súng 23 tuổi này phải xuất hiện tại một tòa án quân sự, đối mặt với cáo buộc khủng bố.
Vài tháng trước, chính quyền Jordan đối xử khắc nghiệt hơn với các phần tử quay trở về, thỉnh thoảng mới trả tự do cho những người “lần đầu phạm tội” ở Syria. Giờ đây, người nào trở về cũng bị đưa thẳng ra tòa, mặc dù họ không bị buộc tội âm mưu tấn công ở Jordan.
Nhiều người bị cáo buộc phạm tội “hành động không có thẩm quyền của nhà nước”, và phải đối mặt án tù 2,5 năm tù giam. “Chúng tôi làm ngơ để các bạn đi, nhưng nếu quay trở lại, chúng tôi sẽ bắt các bạn”, một nguồn tin quen thuộc với các chính sách của cơ quan tình báo Jorcdan, cho biết.
Các phần tử Hồi giáo Jordan cho biết, hàng trăm tình nguyện viên đã tham gia cuộc xung đột của Syria kể từ năm 2011. Các phần tử này chia sẻ ý thức hệ Hồi giáo Sunni của quân nổi dậy Syria chiến đấu chống ông Assad, người được sự hỗ trợ của Hồi giáo Shiite từ Iran.
Mohammed Shalabi, một nhà lãnh đạo Các phần tử Hồi giáo Jordan, vốn trải qua một thập kỷ trong tù vì tội khuyến khích các chiến binh đi và chiến đấu tại Syria. Các quan chức không cho biết có bao nhiêu người Jordan bị đưa ra xét xử nhưng theo các luật sư, ít nhất 120 trường hợp đã được thực hiện. Tại một tòa nhà an ninh quốc gia ở quận Amman Marka, tình trạng thiếu phòng xử án đã buộc các thẩm phán phải xét xử ngay trong phòng của họ.
Các quốc gia khác, như Anh, Pháp, Saudi Arabia và Morocco đã đưa ra những cảnh báo về nguy cơ an ninh gây ra bởi các công dân trở về sau một thời gian chiến đấu tại Syria. Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ số 1 thế giới và là một đồng minh chiến lược của Washington, đã cấm công dân chiến đấu ở nước ngoài hay quyên tiền cho bất kỳ phe nào ở Syria.
Một chiếc xe tải nhỏ bị bắn khi cố gắng vượt biên giới vào Jordan hôm 16-4. Ảnh: Reuters |
Lo sợ chiến thắng của Hồi giáo ở Syria
Cách tiếp cận của Jordan đối với các chiến binh chiến đấu bên kia biên giới khác xa các nước láng giềng khác của Syria. Thổ Nhĩ Kỳ, công khai ủng hộ cuộc nổi dậy chống Assad, cho phép quân nổi dậy di chuyển qua lại giữa các vùng ở miền bắc Syria mà họ nắm giữ và cả lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Iraq và Lebanon, với dân số gồm cả người Sunni và Shiite, không ngăn cản chiến binh từ cả hai bên tham gia cuộc chiến tại Syria.
Nhưng Jordan, một chế độ quân chủ liên hệ với phương Tây, đang bị giằng xé bởi lợi ích trong cuộc xung đột Syria. Jordan đứng giữa các đồng minh Arab vùng Vịnh, những người muốn lật đổ ông Assad, và Washington – hiện đang quan ngại đó là một chiến thắng của Hồi giáo cực đoan ở Syria sẽ gây ra một mối đe dọa tồi tệ hơn.
Mâu thuẫn đó khiến Jordan chỉ cho phép số lượng khiêm tốn vũ khí từ vùng Vịnh cung cấp cho quân nổi dậy Syria, đảm bảo biên giới không biến thành một con đường dễ dàng để các tay súng chiến đấu đến Syria. Hơn 250 người Jordan đã chết ở Syria, một số lượng tương đối nhỏ trong cuộc xung đột đã giết chết hơn 150.000 người kể từ khi nổ ra hồi tháng 3-2011.
Tuy nhiên, Jordan áp dụng luật chống khủng bố, từng được sử dụng chống lại các chiến binh đã từng chiến đấu ở Iraq sau khi Mỹ xâm lược nước này vào năm 2003 hoặc những người cố gắng tấn công Israel, mà Amman đã ký một hiệp ước hòa bình cách đây gần 20 năm.
An Bình
(Theo Reuters)