Báo Công An Đà Nẵng

Lối thoát nào cho cuộc khủng hoảng Ukraine?

Thứ sáu, 11/02/2022 11:11

Khi các nhà lãnh đạo thế giới đang chạy đua như con thoi để tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho căng thẳng Nga-Ukraine, Thỏa thuận Minsk ký kết năm 2015 (Minsk 2) được nhắm đến như một phương cách khả dĩ để thoát khỏi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hiện nay.

Quân đội Belarus trong cuộc tập trận "Allied Resolve- 2022". Ảnh: Al Mayadeen

Một cuộc gặp hiếm hoi đã diễn ra giữa các nhà lãnh đạo Nga, Ukraine, Đức và Pháp vào tháng 2-2015 nhằm tìm giải pháp hòa bình cho các khu vực ở miền đông Ukraine khi lực lượng đòi độc lập tiếp quản một năm trước đó. Những khu vực này, ở vùng Donbass của Ukraine, được gọi là Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR) tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng. Các cuộc hội đàm cũng nhằm hướng tới một giải pháp chính trị cho khu vực. Kết quả là Minsk 2 đã được ký kết bởi đại diện của Nga, Ukraine, các nhà lãnh đạo ở Donbass và Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu (OSCE) tại thủ đô của Belarus, nhằm mục đích chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu kéo dài 10 tháng ở miền đông Ukraine.

Thỏa thuận Minsk 2 được công bố vào tháng 2-2015 với 13 điểm, trong đó nổi bật nhất là một lệnh ngừng bắn. Vào thời điểm đó vẫn còn xảy ra giao tranh ác liệt ở một số khu vực giữa lực lượng chính phủ Ukraine và lực lượng đòi độc lập được Nga hỗ trợ, khiến Ukraine bị tổn thất nặng nề. Yêu cầu tiếp theo là các bên rút vũ khí hạng nặng khỏi tiền tuyến. OSCE, một tổ chức an ninh gồm 57 thành viên, bao gồm cả Mỹ và Canada, sẽ giám sát tiền tuyến.

Các yêu cầu khác bao gồm tổ chức đối thoại về bầu cử địa phương tại các khu vực do lực lượng đòi độc lập kiểm soát; khôi phục các liên kết kinh tế và xã hội đầy đủ giữa hai bên để có thể chi trả lương hưu; khôi phục quyền kiểm soát của Chính phủ Ukraine trên biên giới với Nga hay tất cả các lực lượng nước ngoài và lính đánh thuê phải rút lui;…

Trước đó, Minsk 1 được Ukraine và phe đòi độc lập ở Donbass nhất trí vào tháng 12-2014, gồm 12 điểm liên quan đến trao đổi tù nhân, cung cấp viện trợ nhân đạo và rút vũ khí hạng nặng. Tuy nhiên, thỏa thuận nhanh chóng đổ vỡ, khi cả hai bên đều vi phạm.

Những trận giao tranh tồi tệ nhất miền đông Ukraine đã dừng lại và các giám sát viên của OSCE nhanh chóng triển khai tại khu vực. Cho đến ngày nay, OSCE vẫn tuần tra tiền tuyến và báo cáo các vi phạm lệnh ngừng bắn diễn ra dọc theo biên giới. Tuy nhiên, giao tranh đã ít xảy ra hơn và ít thương vong hơn so với giai đoạn 2014-2015. Từ góc độ đó, ít nhất thỏa thuận Minsk 2 đã được thực hiện một phần.

Trên thực tế thì rõ ràng các vấn đề chính của nó vẫn chưa được giải quyết. Vẫn có 1,5 triệu người phải sơ tán trong nội bộ Ukraine và gần 14.000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột. Thỏa thuận Minsk 2 đề ra các giải pháp quân sự và chính trị nhưng vẫn chưa được thực hiện. Tuy nhiên, giờ đây, trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine leo thang và có nguy cơ bùng nổ chiến tranh, thỏa thuận này được xem như một cứu cánh.

Tình hình hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Nga trong ngày 10-2 đã bắt đầu tập trận chung "Allied Resolve-2022" với Belarus. Theo thông báo, cuộc tập trận được lên kế hoạch từ ngày 10 đến 20-2 ở Belarus và sẽ tập trung vào việc "trấn áp, đẩy lùi ngoại xâm.

Theo Reuters, nhằm đáp trả cuộc tập trận mở màn cùng ngày của Nga tại nước láng giềng Belarus, Ukraine cũng bắt đầu cuộc tập trận đã được công bố từ trước. Trong tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết, cuộc tập trận sẽ diễn ra từ ngày 10 đến 20-2, trùng thời gian diễn ra cuộc tập trận chung "Allied Resolve-2022" giữa Nga và Belarus. Các lực lượng vũ trang Ukraine sẽ tập trận với các máy bay không người lái Bayraktar, tên lửa chống tăng Javelin và tên lửa NLAW do các đối tác nước ngoài cung cấp. Ukraine chưa báo cáo số lượng quân nhân và vũ khí tham gia sự kiện này.

KHẢ ANH