Báo Công An Đà Nẵng

Lối thoát nào cho loạt dự án chậm triển khai, chậm bàn giao?

Thứ bảy, 23/12/2023 13:02
Dự án Golden Square triển khai chậm, kéo dài nhiều năm ở ngay khu vực trung tâm TP Đà Nẵng.

HĐND TP Đà Nẵng vừa có báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về tình hình thực hiện các dự án chậm triển khai, dự án chậm bàn giao, dự án chậm đưa đất vào sử dụng trên địa bàn TP từ ngày 1-1-2016 đến 31-12-2022. Theo đó, Đà Nẵng có 225 dự án từ nguồn vốn đầu tư công chậm triển khai, chậm tiến độ; 131 dự án thuộc diện chậm bàn giao (gồm: 56 dự án có nguồn vốn đầu tư công và 75 công trình, hạng mục công trình có nguồn vốn ngoài ngân sách) đã thi công hoàn thành từng phần hoặc toàn bộ công trình, đủ điều kiện bàn giao từng phần hoặc toàn bộ nhưng chậm bàn giao. Các đơn vị có dự án chậm bàn giao nhiều nhất là Công ty Vật liệu xây dựng xây lắp kinh doanh nhà với 33 dự án, Ban Giao thông 3 dự án, Ban Xây dựng dân dụng công nghiệp 6 dự án, Ban Hạ tầng đô thị 5 dự án và Ban Hạ tầng ưu tiên 7 dự án thuộc gói thầu phát triển bền vững.

Ngoài ra TP hiện còn 73 dự án vốn ngoài ngân sách được chấp nhận chủ trương đầu tư nhưng 19 dự án chưa triển khai, 11 dự án triển khai chậm tiến độ, 4 dự án chấm dứt hoạt động, 47 dự án đã đưa vào hoạt động một phần hoặc cơ bản hoàn thành, chuẩn bị đưa vào hoạt động hoặc đang triển khai trong thời gian tiến độ cho phép… Thống kê tới 1-5-2023 Đà Nẵng có 803 dự án, khu đất của tổ chức sử dung đất thuộc đối tượng kiểm tra tiến độ sử dụng đất với tổng diện tích hơn 4.300 ha gồm nhiều mục đích sử dụng như đất thương mại dịch vụ, sản xuất kinh doanh, đất giáo dục…68/94 dự án đã hết thời gian gia hạn sử dụng đất 24 tháng trong đó 21 trường hợp đã đưa đất vào sử dụng tổng diện tích gần 979 ngàn m2; 40 trường hợp thuộc trường hợp bất khả kháng do dịch bệnh và các trường hợp bất khả kháng khác hiện nay chủ đầu tư đang liên hệ với các cơ quan chức năng để hoàn thiện thủ tục triển khai dự án với tổng diện tích hơn 358 ngàn m2; 7 dự án, khu đất thuộc trường hợp bất khả kháng khác tổng diện tích hơn 69 ngàn m2; 26 trường hợp chưa hết thời gian gia hạn sử dụng đất 24 tháng với tổng diện tích hơn 498 ngàn m2. Đã có 86/94 trường hợp gia hạn sử dụng đất chủ đầu tư đã nộp tiền gia hạn với số tiền hơn 388 tỷ đồng. Hiện nay còn 7 trường hợp chưa nộp tiền gia hạn với số tiền gia hạn sử dụng đất hơn 59 tỷ đồng.

Theo Đoàn giám sát, trong năm 2022 và 2023 TP đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, qua đó số lượng công trình chậm bàn giao đã được rà soát, xử lý giảm đáng kể, từ 179 công trình năm 2019 đến nay còn 56 công trình. Các dự án được tháo gỡ nổi bật như dự án xây dựng Nhà ga hàng hóa sân bay Đà Nẵng, dự án khu nhà ở và dịch vụ Tuyên Sơn, dự án khu đô thị Thủy Tú…; cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án như nhà máy xử lý rác sinh hoạt 650 tấn, dự án quần thể khu du lịch sinh thái Bà Nà- Suối Mơ, dự án đầu tư xây dựng Trung tâm dịch vụ logistics của Cảng Đà Nẵng.

Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng chỉ ra nhiều tồn tại. Chẳng hạn như chậm xử lý các dự án đầu tư công dang dở kéo dài (cuối năm 2022 có 226 dự án, đến nay mới xử lý được 1 dự án); việc xác định chí phí giải phóng mặt bằng, dự trù cho công tác tái định cư…chưa sát với thực tiễn, làm cho các dự án phải điều chỉnh chủ trương nhiều lần, kéo dài tiến độ dự án; năng lực của một số đơn vị tư vấn hạn chế, chất lượng hồ sơ thiết kế chưa cao, dẫn đến tình trạng điều chỉnh hồ sơ nhiều lần trong quá trình thẩm tra, thẩm định, triển khai thi công chậm tiến độ dự án, phát sinh kinh phí. Với các dự án có vốn ngoài ngân sách, một số nhà đầu tư năng lực hạn chế, không đảm bảo tài chính triển khai thực hiện dự án nhưng khi vận động không chịu trả lại đất cho Nhà nước. Ngoài ra, một số khu đất trước đây được giao, cho thuê đất nhưng không có dự án, không qua đấu thầu dự án có sử dụng đất (trước năm 2015) nên công tác kiểm tra còn lúng túng, chậm được đề xuất xử lý.

Giải pháp cho thực trạng này, Đoàn giám sát cho rằng, với nhóm dự án nguồn vốn ngân sách đã thi công cơ bản hoàn thành còn vướng về quy hoạch, đền bù giải tỏa cần sớm xác định cụ thể từng dự án, xem xét cắt việc, cắt khối lượng bị vướng chưa thi công để chỉnh trang; các hạng mục đã hoàn thiện đáp ứng khớp nối hạ tầng thì sớm bàn giao theo quy định. Trong trường hợp có khả năng thực hiện tiếp tục cần rà soát kế hoạch vốn để ưu tiên bổ sung, hoàn thành dự án.

Chia sẻ vấn đề này tại kỳ họp thứ 15, HĐND TP mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam cho biết, các dự án chậm triển khai đều xảy ra trước năm 2016, thậm chí có dự án từ năm 2002, những năm qua được TP tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. TP đã phân ra 5 nhóm để xử lý, trong đó nhóm dự án thuộc thẩm quyền của UBND TP sẽ có các giải pháp như bổ sung hồ sơ, tính lại giá đất… Thời gian tới TP sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các dự án chậm triển khai.

HẢI QUỲNH