Báo Công An Đà Nẵng

Lối thoát nào cho người bị bạo hành?

Thứ hai, 26/10/2015 11:23

(Cadn.com.vn) - Thực trạng bạo hành gia đình luôn là nỗi nhức nhối của xã hội hiện nay. Đã có rất nhiều tổ chức, cá nhân cùng chung tay phòng chống nạn bạo hành nhưng chỉ mới dừng lại ở công tác hỗ trợ, tư vấn, còn để can thiệp sâu, giải quyết vấn đề rốt ráo thực sự là một bài toán rất khó. Trong đó, người gánh chịu hậu quả thường rơi vào phụ nữ, trẻ em, những đối tượng yếu thế thường không có khả năng tự bảo vệ mình.

Nhóm các bạn CLB người Điếc Đà Nẵng đang trao đổi về các hoạt động
chương trình phòng chống bạo lực gia đình.

Từ người điếc bị bạo hành...

Hiện nay, Đà Nẵng có hơn 10.000 người câm điếc, trong đó có rất nhiều người đã thành vợ thành chồng, nhưng đến khi về chung sống trong gia đình, họ cũng đã có những mâu thuẫn, bất đồng "ngôn ngữ" dẫn đến bạo hành xảy ra. Chị K.H.C (35 tuổi, ở đường Hoàng Diệu, Q. Hải Châu, Đà Nẵng) là chủ một tiệm làm tóc, thu nhập khá. Trong khi đó, người chồng làm được bao nhiêu tiền đều bỏ túi riêng ăn chơi, không lo lắng gì cho gia đình nên tất cả chi phí trong gia đình chỉ một mình chị cáng đáng. Thêm vào đó, anh chồng có tính hay ghen nên thường xuyên đánh đập, hành hung chị. Khi không thể chịu nổi cảnh sống này, chị C. đã đâm đơn li dị. Chị N.C.T.T (1963, trú Q. Hải Châu, Đà Nẵng) có chồng và một con trai nhưng vợ chồng thường xuyên cãi vã nhau vì ông chồng có tật cá độ bóng đá, bỏ bê gia đình, lại có tật vũ phu, mỗi lần nhậu say về là tìm cách gây gổ, đánh đập T. Chị T. nhiều lần muốn li dị nhưng anh chồng không đồng ý. Chị T. đã tham gia CLB người Điếc Đà Nẵng để học cách giao tiếp bằng ngôn ngữ, cử chỉ. Đồng thời, chị cũng đã được các thành viên trong CLB Ngôn ngữ ký hiệu hướng dẫn để tự mình thoát khỏi khi có bạo lực xảy ra.

Chị Trương Thị Ngân, Phó chủ nhiệm CLB người Điếc Đà Nẵng cho biết: Thực trạng chung là những người câm điếc thường có học vấn thấp, thêm vào đó không thể giao tiếp được nên dễ dẫn đến rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực như bị chồng có tật cờ bạc đánh đập trong thời gian dài nhưng không có cách tránh đỡ. Thậm chí có những cặp đang yêu nhau cũng gặp trường hợp tương tự. Đặc biệt là những người sống riêng với nhau, khi bị bạo lực, họ không thể gọi hàng xóm giúp đỡ. Thực sự thì hiện nay chưa có một giải pháp, kỹ năng cụ thể nào để giúp người điếc có thể vượt qua được tình trạng bạo lực gia đình một cách rõ ràng. Chúng tôi mong muốn thông qua các chương trình để tuyên truyền về các hình thức bạo lực cho những người điếc biết cách để tránh. Đặc biệt là các chị em phụ nữ, đối tượng có nhiều nguy cơ bị bạo lực nhất. Vừa qua, CLB đã tổ chức các lớp tập huấn về bạo lực cho cả người điếc và người bình thường. Mong muốn của CLB là khi gặp những trường hợp bị bạo lực hãy báo cho cơ quan gần nhất để hỗ trợ cho người điếc!

Bạo hành gia đình thường xuất phát
từ những quan niệm "phụ hệ" (ảnh minh họa).

... đến những đứa trẻ cần được chia sẻ!

Theo báo cáo của Ủy ban Dân số, Gia đình và trẻ em thành phố Đà Nẵng, hiện nay nạn nhân của nạn bạo hành trong gia đình có 90% là nữ giới. Trong số đó, 45% bị chồng đánh đập, gần 80% bị sỉ nhục, đe dọa, hơn 70% bị bỏ mặc, không quan tâm, gần 10% bị chồng cấm đoán tham gia các hoạt động xã hội và gần 20% bị chồng bắt ép mang, phá thai theo ý muốn.

Theo số liệu của Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng, từ năm 2010-2014, Trung tâm đã nhận được rất nhiều trường hợp cần được tư vấn trong đó có 26 trẻ em bị bạo hành, ngược đãi; 13 trẻ bị xâm hại tình dục; 14 trẻ bị bỏ rơi, có nguy cơ bị bỏ rơi; 149 trẻ khó khăn về giao tiếp trí tuệ... Chị Phương, cán bộ tư vấn tâm lý Trung tâm chia sẻ: rất nhiều trường hợp bạo hành gia đình đã kéo theo nhiều hệ lụy cho cả gia đình và xã hội. Có rất nhiều nguyên nhân chủ yếu là do người chồng mắc vào các tệ nạn xã hội; bất đồng, khó khăn trong kinh tế gia đình, việc nuôi dạy con cái, hay tình dục; tâm lý gia trưởng của nam giới; tâm lý của người phụ nữ là cam chịu, che giấu cho chồng, không dám nói lên sự thật; môi trường quản lý xã hội và bạo lực; công tác phòng chống bạo lực gia đình hiện chưa được quan tâm đúng mức, các biện pháp chỉ mang tính giáo dục, không có hiệu quả răn đe mạnh đối với người vi phạm. Riêng đối với việc ứng xử với trẻ em xuất phát từ tư tưởng nặng kiểu "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy" cùng với đấy là áp lực cuộc sống đã khiến cho nhiều gia đình, bố mẹ ân hận chỉ vì một câu nói, một hành động bộc phát trong lúc tức giận! Vì vậy, không thể giải quyết câu chuyện bạo hành gia đình trong một sớm một chiều mà nó đòi hỏi phải huy động sức mạnh dư luận xã hội trong phòng, chống bạo lực gia đình; định hướng, tuyên truyền về công tác phòng, chống bạo lực gia đình; hoàn thiện hệ thống văn bản luật về phòng, chống bạo lực gia đình và tuyên truyền, giáo dục pháp luật và đặc biệt là giúp nạn nhân biết cách hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thương cho họ khi bị bạo hành...

Lê Anh Tuấn