Báo Công An Đà Nẵng

Lối thoát nào cho Yemen?

Thứ hai, 30/03/2015 08:59

(Cadn.com.vn) - Việc Liên đoàn Arab (AL) tuyên bố sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự ở Yemen đến khi phe phiến quân Houthi đầu hàng cho thấy tương lai bất định của Yemen.

Trong tuyên bố đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh AL, diễn ra ở thành phố nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh của Ai Cập, Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Nabil al-Arabi cho biết, chiến dịch quân sự do Saudi Arabia chỉ huy ở Yemen sẽ tiếp tục cho đến khi các phiến quân Hồi giáo dòng Shiite Houthi “hạ vũ khí đầu hàng”.

Theo AP, quyết định của AL là động thái thách thức quyền lực của người Shiite Iran, vốn ủng hộ phiến quân Houthi.

Phiến quân Shiite tiến quân chiếm sân bay quốc tế ở thủ đô Sanaa. Ảnh: AP

Các nước ồ ạt rút nhân viên

Sau Mỹ và nhiều nước khác, hôm 29-3, Hải quân Saudi Arabia sơ tán hàng chục nhà ngoại giao trong khi LHQ cũng rút các nhân viên quốc tế ra khỏi Yemen sau đêm thứ 3 diễn ra các cuộc không kích do Saudi Arabia chỉ huy.

Trung Quốc hôm 29-3 cũng bắt đầu công tác sơ tán công dân ở Yemen, đảm bảo cho họ an toàn về nước. Trên thực tế, ngay trong đêm xảy ra cuộc không kích Yemen hôm 26-3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã khởi động cơ chế khẩn cấp. Trong khi đó, tại Pakistan, quốc gia hiện vẫn đang do dự trong quyết định cung cấp hỗ trợ quân sự cho chiến dịch này, chính quyền Islamabad điều các máy bay phản lực cỡ lớn đến Yemen để sơ tán hàng trăm công dân. Sau khi sơ tán công dân, một phái đoàn cấp cao Pakistan sẽ sớm đến Riyadh để thảo luận việc hợp tác trong các cuộc không kích do Saudi Arabia dẫn đầu tại Yemen.

Iran sẽ trả đũa?

Rạng sáng 26-3, liên minh quốc tế với sự tham gia của Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh khác, bắt đầu chiến dịch quân sự “Siêu Bão” chống lại phiến quân Houthi - lực lượng đang kiểm soát hầu hết lãnh thổ Yemen.

Chiến dịch này thật sự khiến cộng đồng quốc tế bất ngờ. Bởi Saudi Arabia là chế độ quân chủ bảo thủ nổi tiếng với khả năng “bẻ cong cơ bắp” thông qua thị trường dầu mỏ hơn là quân sự. Ban đầu, Riyadh dự kiến kéo dài chiến dịch 1 tháng, nhưng nay có thể sẽ kéo dài trong 5-6 tháng. Cũng theo các quan chức ngoại giao vùng Vịnh, chiến dịch trong 3 ngày qua diễn ra thành công, phá hủy các mục tiêu, trong đó có 21 tên lửa Scud.

Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại, các nước có thể bị Tehran trả đũa. Theo đó, Iran có thể không mở các cuộc tấn công quân sự để bảo vệ phiến quân Houthi mà bằng “những hành vi khủng bố” gây bất ổn tại các quốc gia Arab vùng Vịnh. Riyadh hiện lo ngại lực lượng Houthi được Iran hậu thuẫn và các đồng minh quân đội Yemen có thể quyết định tấn công bằng tên lửa vào thành phố Mecca của Saudi Arabia và cảng miền nam Aden của Yemen để trả đũa cuộc tấn công của liên quân Arab.

Các nước hiện cáo buộc Iran cung cấp hậu cần và quân sự cho phiến quân Houthi. Theo một nguồn tin, ước tính có 5.000 người Iran, các thành viên phong trào Hồi giáo Hezbollah thân Tehran ở Lebanon và dân quân người Iraq hiện đang ở Yemen. Tổng thống Yemen Abd Mansour Hadi cũng coi các phiến quân Houthi là “tay sai của Iran”. Tuy nhiên, chưa thể kiểm chứng độc lập thông tin này và Tehran cũng hoàn toàn bác bỏ.

Nhưng thực tế cho thấy, Yemen hiện đang ở trong chảo lửa. Và các bên đối địch ở Yemen đã kêu gọi Nga giúp giải quyết cuộc xung đột này. Nếu các bên vẫn không thể tìm cách ngồi lại bên bàn đàm phán để giải quyết vấn đề một cách hòa bình, cuộc xung đột leo thang có thể khiến Yemen sụp đổ như từng xảy ra ở Libya và đang diễn ra ở Syria.  Và nếu Iran can thiệp, hậu quả chắc chắn sẽ khôn lường.

Khả Anh