Lời tuyên chiến
(Cadn.com.vn) - Mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa Managua và Bogota lại nổi sóng gió khi Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos tuyên bố sẽ ngăn chặn tham vọng “bành trướng” của Nicaragua - vụ việc liên quan đến tranh chấp vùng lãnh thổ nội địa giữa hai nước.
Trong bài diễn văn toàn quốc phát sóng trên truyền hình, ông Santos nói: “Colombia đang và sẽ đương đầu với những ý định bành trướng như vậy bằng mọi quyết tâm và sự nghiêm túc”. Nhà lãnh đạo Colombia cũng khẳng định sẽ phản đối mọi nỗ lực của Nicaragua nhằm mở rộng vùng hải giới sang Colombia cũng như có hàng loạt luận cứ về kỹ thuật và pháp luật nhằm sẵn sàng đưa ra trong vụ này.
Mặc dù ông Santos từ chối cung cấp thêm chi tiết về những hành động cụ thể, song tuyên bố của Tổng thống Santos có thể được coi như lời tuyên chiến nhằm vào Nicaragua, đặc biệt là khi ông này khẳng định chỉ coi phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế (ICI), theo đó trao vùng biển cho Nicaragua kiểm soát là không thích hợp. Tuy nhiên, người ta cho rằng, đây là hệ quả không thể tránh khỏi của mối quan hệ giông bão giữa hai nước trong hơn 1 năm qua.
Mọi việc bắt đầu khi hồi tháng 11-2012, ICJ ra phán quyết nêu rõ Colombia được tiếp tục thực hiện chủ quyền đối với 7 cù lao thuộc quần đảo San Andres tại biển Caribbean đang tranh chấp với Nicaragua. Tuy nhiên, Bogota lại không có chủ quyền đối với gần 40% lãnh hải thực hiện chủ quyền trước khi phán quyết được đưa ra. Phán quyết này vấp phải phản đối mạnh mẽ từ Colombia vì rõ ràng, Bogota bị mất đi nhiều phần lãnh hải, vốn được cho là có tài nguyên cá và dầu mỏ phong phú.
Đó là lý do Colombia tức giận phớt lờ quyết định của ICJ và để ngỏ khả năng xem xét rút khỏi Hiệp ước Bogota năm 1948, theo đó Colombia công nhận quyền tài phán của tòa án trên. Nhưng Nicaragua cũng không vừa. Mới đây nhất, Tổng thống Daniel Ortega chọc giận Colombia bằng việc lên kế hoạch cho phép các Cty nước ngoài thăm dò dầu mỏ tại các vùng biển Caribbean mà Colombia tuyên bố chủ quyền.
Căng thẳng Nicaragua–Colombia là điểm đen mới nhất trong những “vụ án” tranh chấp chủ quyền lãnh hải trên khắp thế giới, ngoài biển Đông, biển Hoa Đông, Hoàng Hải, Malvinas/Falklands. Có thể thấy, trong tình hình khó khăn hiện nay, các nước đua nhau tranh giành nguồn tài nguyên phong phú mà trước đó họ từng không màng đến là điều được dự báo trước.
Thanh Văn