Lời yêu thương của con người
(Cadn.com.vn) - “Lời yêu thương của con người" là câu kết trong nhạc phẩm "Ơi cuộc sống mến thương", được cho là sáng tác đầu tay của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện. Bài hát viết vào năm 1978 và nổi tiếng ngay sau đó. Thời ấy, bọn học trò cấp III chúng tôi cứ hồn nhiên líu lo "Có chú chim non nho nhỏ. Cất tiếng líu lo như muốn ngỏ...". Giai điệu của bài hát thật hồn nhiên, tươi vui, nhộn nhịp và trẻ trung. Câu kết bài hát dễ dàng lắng đọng lại trong lòng người nghe và gợi lên những băn khoăn suy nghĩ, bởi đó là một triết lý về cuộc sống: Lời yêu thương của con người... Khi con người cất lên lời nói, cất lên tiếng hát của sự yêu thương thì cuộc sống này sẽ có biết bao nhiêu điều tươi đẹp...
Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện còn là tác giả của những ca khúc viết về tuổi trẻ và tình yêu như "Này người yêu nhỏ xinh", "Như khúc tình ca", "Chia tay tình đầu"... được rất nhiều bạn trẻ ưa thích. Trong một chuyến đi thực tế sáng tác do Báo Công an TP HCM tổ chức, tham gia đoàn có nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện. Tôi và anh gặp nhau ở những điểm tương đồng vì cả hai đều là bác sĩ, cái nghiệp của anh là nhạc, còn cái nghiệp của tôi là thơ văn. Nghề y là để kiếm cơm, để sống, nhờ đó mà đeo đuổi được niềm đam mê nghệ thuật riêng của mỗi người. Trong những ngày đi thực tế, tôi nhận ra anh là người... ít nói. Có lẽ nhạc đã nói thay lời. Nếu không ai hỏi, tôi chẳng thấy anh "khoe" bài nọ bài kia. Giọng nói nhẹ và khẽ, vẻ trầm tư nhiều lúc trông anh giống như là một triết gia hơn là con người của những giai điệu, âm thanh và ánh sáng đèn màu. Đi với đoàn, anh luôn mang theo một túi xách nhỏ đựng máy ảnh. Anh cũng rất thích hướng ống kính của mình vào phong cảnh thiên nhiên.
Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện (bên phải) và tác giả viếng mộ danh y Hải Thượng Lãn Ông. |
Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện sinh năm 1951, là sinh viên khóa cuối của Đại học Y khoa Sài Gòn trước năm 1975, tốt nghiệp vài năm sau đó. Nhận quyết định, bác sĩ trẻ Nguyễn Ngọc Thiện mang niềm hăm hở của tuổi trẻ và trái tim rộn ràng những giai điệu cuộc đời về công tác tại một trạm y tế vùng sâu của Sông Bé. 3 tháng ngắm nhìn rừng cao su còi cọc, khắc khoải và vắng lặng, công việc không đủ cho một y tá làm, nên vị bác sĩ trẻ thấy mình bị... thừa. Xin chuyển việc thì chẳng ai cho. Vậy là bỏ nghề. Về lại Sài Gòn anh kiếm cơm bằng nghề... xếp báo, vác báo và phân phối báo. Rồi anh tập tành viết báo.
Năm 1984, khi toan được cất nhắc lên "hàng xếp" của tờ Báo Phụ Nữ thành phố anh lại bỏ cái nghề đã nuôi anh qua khúc ngoặt của cuộc đời, quay lại với cái nghề mà anh đã trót bỏ nó mà đi. Công việc mới của anh là nhân viên phòng Tổ chức cán bộ Bệnh viện Răng Hàm Mặt, chuyên... soạn thảo văn bản và báo cáo. Thêm 5 năm "thử thách" nữa trôi qua, bác sĩ Nguyễn Ngọc Thiện mới được làm công việc chuyên môn chính của một bác sĩ. Hồi mới ra trường tôi cũng đã từng làm tại một trạm y tế như anh, nhưng xem ra Ông Tổ Nghề Y lại thử thách anh quá nhiều. Nhờ có bản lĩnh, niềm tin vào chính bản thân và sự thay đổi của xã hội, bác sĩ trẻ Nguyễn Ngọc Thiện năm nào nay đã trở thành thầy thuốc ưu tú, là trưởng khoa của Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TPHCM.
Đường nghề đi đến đoạn sau của cuộc đời, với anh như vậy cũng đã là trọn vẹn. Hàng trăm, hàng ngàn bệnh nhân được anh điều trị bằng đôi tay của một thầy thuốc và trái tim của một nghệ sĩ. Nếu như nghề y đóng khung anh trong bệnh viện thì "đường nghiệp" lại dẫn dắt anh đi khắp bốn phương trời, thoát ra khỏi lằn ranh nghề y và các giới hạn địa lý. Những ca khúc anh viết nở trên môi cười của các ca sĩ chuyên và không chuyên, từ người trí thức cho đến giới bình dân trong và ngoài nước. Đó là niềm hạnh phúc không dễ ai có được...
Một hôm được tin tạp chí Sóng Nhạc TP HCM giới thiệu bài hát phổ thơ của tôi, tôi mới biết anh đang "ngồi" ghế Tổng biên tập của tạp chí này. Anh còn kiêm luôn chức Phó Giám đốc Trung tâm bảo vệ tác quyền âm nhạc Việt Nam-khu vực phía Nam. Bận rộn là vậy nhưng lúc nào cũng thấy anh thong dong, không một chút tất bật, nhẹ nhàng, tĩnh tại như một triết gia...
Mai Hữu Phước