Lòng dân với căn cứ lõm cách mạng
(Cadn.com.vn) - Năm 1954, sau khi chiếm giữ Đà Nẵng, Mỹ- ngụy đã lập ra các khu đồn bốt, hình thành bộ máy quản lý, kìm kẹp nhân dân ta và ngăn cản các lực lượng du kích, biệt động thành vào nằm vùng hoạt động, xây dựng cơ sở nội ứng trong lòng địch và tiến đánh các mục tiêu trong tuyến vùng ven và trung tâm Đà Nẵng. Vùng giáp ranh quân địch xây dựng nhiều tuyến hàng rào kẽm gai và hệ thống quan sát, canh phòng nghiêm ngặt các hoạt động bên ngoài hàng rào. Từ đó, quân địch thường xuyên tổ chức các đợt càn quét, lùng sục bắt bớ tra tấn dã man, giết hại dân ta xung quanh vùng chúng chiếm đóng nhằm thực hiện mục tiêu "tát nước bắt cá". Căm thù quân địch, quân và dân ta đã biến thành hành động chống đối, đánh trả tiêu diệt quân địch bằng sức mạnh tại chỗ để trả thù cho những đồng đội, người dân mà bọn chúng giết hại...
Phối cảnh Đài bia và nhà Truyền thống Di tích lịch sử B1 - Hồng Phước |
Thôn Đa Mặn, P. Bắc Mỹ An (nay thuộc P. Khuê Mỹ, Q. Ngũ Hành Sơn) trong chiến tranh, Mỹ-ngụy gọi là "Xóm mồ côi" bởi nó nằm sát bờ sông Hàn, sông Cổ Cò và bao quanh nó là đồng ruộng, con lạch nhỏ. Người dân tại đây luôn tâm niệm "còn giặc thì mất nhà, còn giặc còn hy sinh mất mát". Lúc bấy giờ, 100% nhà dân tại đây đã tự đào và có từ 1 đến 3 hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, du kích, biệt động thành hoạt động. Đêm đêm bên dòng sông Hàn yên tĩnh, người dân trong thôn Đa Mặn (K20) thắp đèn báo hiệu và chuẩn bị ghe nhỏ với những động tác giả vờ đánh bắt cá trên sông để đón cán bộ, biệt động thành vào xây dựng cơ sở hoạt động trong lòng địch.
Tại đây còn xây dựng được một tiểu đội du kích mạnh với nhiệm vụ nội ứng tại chỗ với quân ta để cùng đánh giặc. Trung tuần tháng 10-1964 lực lượng nội ứng trong căn cứ lõm đã phối hợp với bộ đội Đặc công Quân khu 5 bí mật đánh vào sân bay Nước Mặn phá hủy nhiều máy bay và diệt nhiều tên địch. Sau đó, quân địch đã cho xe tăng - thiết giáp cùng bộ binh càn quét hòng hủy diệt xóm mồ côi. Nhưng xóm mồ côi (thôn Đa Mặn) vẫn đứng vững với những hầm bí mật trong các căn nhà, với những ngọn đèn của các mẹ vẫn tiếp tục thắp sáng báo hiệu cán bộ, biệt động thành ra vào hoạt động...
Căn cứ lõm cách mạng B1-Hồng Phước, xã Hòa Khánh, H. Hòa Vang (nay P. Hòa Khánh Bắc, Q. Liên Chiểu) được hình thành từ năm 1960, là căn cứ quan trọng của Quận 1 Đà Nẵng (từ năm 1969 đổi thành Quận Nhì). Căn cứ lõm Hồng Phước lọt thỏm giữa vùng cát trắng, bao bọc 3 phía là Căn cứ hậu cần và đồn 44 Pháo binh Mỹ. Lợi dụng địa hình đó, Hồng Phước ở cánh Bắc Hòa Vang, hội đủ các điều kiện để Quận ủy Quận Nhì xây dựng thành "Căn cứ lõm cách mạng" mang mật danh "B1 - Hồng Phước". Thôn Hồng Phước có 64 hộ gia đình thì hầu hết là cơ sở cách mạng. Tại đây bà con nhân dân đã đào 46 hầm bí mật ở trong nhà, ngoài vườn.
Trong đó, nhà bà Miên đào đến 6 hầm, nhà bà Dĩ có 4 hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, bộ đội hoạt động và nơi chăm sóc thương binh. Riêng nhà bà Dĩ còn là địa điểm "chong đèn" phát tín hiệu cho cán bộ, bộ đội ta từ căn cứ về hoạt động. Những cơ sở, những căn hầm bí mật đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng trăm cán bộ, biệt động thành ra vào hoạt động bí mật và tổ chức nhiều trận đánh giành thắng lợi. Cụ thể, ngày 30-6-1966, các hầm bí mật tại Hồng Phước đã tổ chức lưu trú 60 cán bộ, chiến sĩ, và phối hợp với du kích địa phương chia làm 3 mũi bí mật tấn công trận địa Pháo Thanh Vinh. Sau 30 phút chiến đấu ta đã tiêu diệt gần 200 tên địch, phá hủy 7 xe kéo pháo, 7 khẩu pháo 105ly, thu 4 đại liên và nhiều súng đạn quân dụng khác. Cuối năm 1966, cơ sở Hồng Phước, du kích xã Hòa Khánh phối hợp với bộ đội địa phương đánh tập kích vào tiểu đoàn công binh Mỹ đóng tại Hố Chuối, diệt 12 tên, phá hủy 25 xe quân sự... Tiếp những năm sau đó, B1 - Hồng Phước đã trở thành căn cứ lõm vững chắc, hỗ trợ đắc lực cho du kích, bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực trên cánh Bắc Hoa Vang phối hợp với các cánh quân khác trong tỉnh đồng loạt tiến công giải phóng Đà Nẵng vào ngày 29-3-1975...
Điều ghi nhận của chúng tôi là, trong mỗi trận đánh thắng lợi, xây dựng các cơ sở cách mạng, đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, bộ đội hoạt động kháng chiến đều nhờ công sức che chở, góp phần to lớn của nhân dân địa phương. Hành động của người dân không phải bằng những viên đạn bắn thẳng vào quân thù mà chỉ là công việc thầm lặng thường ngày đổ nhiều mồ hôi, nước mắt, thậm chỉ đổ cả máu nhưng họ vẫn một lòng kiên trung với Đảng, với cách mạng, ngày đêm chung sức với du kích, bộ đội làm nên chiến thắng vang dội.
Để minh chứng lòng dân trong những căn cứ lõm cách mạng, xin trích ý kiến của Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn- Bộ Quốc phòng, nguyên cán bộ hoạt động tại Hồng Phước (trong tập sách: B1 - Hồng Phước một thời nhớ mãi): "Theo tôi, trong phong trào cách mạng, cái quan trọng nhất là lòng dân. Nếu không có người dân như bố mẹ anh Thị, ông Chữ, bà Miên, bà Mau, bà Liên, bà Cảnh, bà Thành... thì không thể nào có được một căn cứ địa tuyệt vời như thế. Xét cho cùng nếu được lòng dân thì mới dẫn đến thành quả cách mạng. Hơn bốn thập niên đi qua miền đất này với nhiều đổi thay. Nay ngẫm lại, tôi mãi mãi ghi nhớ sự chăm sóc của đồng bào, gia đình, bà con B1 - Hồng Phước. Có thể họ không làm nên những chiến công gì ghê gớm lắm trong thời gian đó, nhưng nếu không có họ thì không có bất cứ chiến công nào của chúng tôi. Chiến công của lực lượng biệt động, quân Giải phóng, nếu không có dân thì không có gì cả. Thành tích đó, chiến công đó trước hết thuộc về nhân dân".
Nguyễn Nhân Mùi