Báo Công An Đà Nẵng

Long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Thứ năm, 01/02/2018 07:48

Ngày 31-1, tại Hội trường Thống Nhất (TPHCM), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và TPHCM long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 với chủ đề “Bản hùng ca Xuân Mậu Thân 1968”.

Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Lễ kỷ niệm.

Dự Lễ kỷ niệm có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Nguyễn Minh Triết; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt, nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân.

Đọc diễn văn kỷ niệm Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Nửa thế kỷ đã đi qua kể từ mùa xuân hùng tráng ấy, khoảng thời gian đủ dài để chiêm nghiệm, đúc kết, để một lần nữa khẳng định tầm vóc, ý nghĩa và những bài học lịch sử xuất sắc để thế hệ người Việt Nam mãi mãi tự hào, tự tin tiếp nối những giá trị lớn lao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, là đỉnh cao chói lọi của lịch sử dân tộc vào thế kỷ XX”.

Đánh giá cao tầm vóc và ý nghĩa của sự kiện này, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 có ý nghĩa quyết định mang tầm chiến lược, làm thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ cục diện chiến tranh, nâng cao vị thế của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ở trong và ngoài nước, đặc biệt đã giáng một đòn quyết định, làm lung lay ý chí xâm lược, làm phá sản chiến lược Chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ và tay sai, buộc chúng phải phi Mỹ hóa chiến tranh bằng chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc, chấp nhận đàm phán trực tiếp với ta tại Hội nghị Paris.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân đã tạo bước ngoặt chiến lược cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ đó, bằng các thắng lợi nối tiếp qua các chiến dịch tại các chiến trường, đặc biệt là chiến thắng Điện Biên Phủ trên không tiến tới ký kết Hiệp định Paris, Đảng ta, Quân đội ta và nhân dân ta đã hoàn thành mục tiêu đánh cho Mỹ cút chuyển sang mục tiêu đánh cho ngụy nhào và giành thắng lợi hoàn toàn vào mùa xuân năm 1975 lịch sử.

Tại buổi lễ, Đại tá Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang), Anh hùng Lực lượng vũ trang, nhân chứng lịch sử từng trực tiếp tham gia chỉ huy cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 xúc động cho biết: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 mãi mãi là bản anh hùng ca bất diệt trong lịch sử đấu tranh và giải phóng dân tộc, ghi dấu một trong những chiến dịch quân sự lớn nhất, một chiến thắng có ý nghĩa chiến lược mang tính bước ngoặt của quân giải phóng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đưa đến điều kiện thuận lợi cho quân và dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, làm nên chiến thắng lịch sử 30-4-1975, thống nhất hoàn toàn đất nước.

Thay mặt thế hệ trẻ phát biểu tại lễ kỷ niệm, sinh viên Nguyễn Thị Phương Nghi, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Là thế hệ sinh ra trong hòa bình, không trực tiếp tham gia để cảm nhận hào khí của những ngày lịch sử Xuân Mậu Thân 1968 cũng như toàn bộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc vĩ đại nhưng trong trái tim và khối óc của mỗi người trẻ hôm nay luôn giữ vững và cháy bỏng một niềm tin sâu sắc cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một biểu tượng sáng ngời của ý chí và sức mạnh quật cường của quân và dân Việt Nam, tinh thần độc lập, tự chủ và khát vọng hòa bình, là tài mưu lược trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta và Bác Hồ kính yêu.

Dự lễ kỷ niệm, các đại biểu đã được sống lại không khí hào hùng của những tháng ngày lịch sử mùa Xuân Mậu Thân 1968 qua chương trình nghệ thuật đặc biệt với 3 chương: “Có một mùa xuân như thế” - “Khúc hát tri ân” - “Vang mãi những mùa xuân”. Hình ảnh những ngày cả miền Nam rùng mình chuyển động, “bão nổi” ngay giữa đô thành Sài Gòn, những cuộc chiến bất khuất ở từng căn nhà, góc phố... từ 50 năm về trước hiện lên sống động và đầy cảm xúc qua lời ca, điệu múa của các nghệ sĩ như một lời tôn vinh và tri ân sâu sắc với những người anh hùng đã làm nên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

XUÂN KHU

----------------------------------------------------------------------------------------

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thắp hương tưởng nhớ các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Trong 2 ngày 30 và 31-1, tại TPHCM, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thắp hương tưởng nhớ Tổng Bí thư BCH T.Ư Đảng Nguyễn Văn Linh; Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công; Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt; Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Võ Trần Chí; Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Thành, tại nhà riêng.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Hồ Thị Há (P. 5, Q. Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh), 88 tuổi, có chồng và con gái là liệt sĩ, hy sinh trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Tiếp đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, tặng quà gia đình Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai; thăm di tích lịch sử quốc gia: Hầm chứa vũ khí Biệt động Sài Gòn tấn công Dinh Độc lập Tết Mậu Thân năm 1968, tại số    287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu, P. 5, Q. 3.

NGUYỄN SỰ

------------------------------------------------------------------------------------------------

Gặp mặt các cán bộ, chiến sĩ từng tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

TT-HUẾ - Ngày 31-1, tỉnh TT-Huế tổ chức gặp mặt hơn 800 cán bộ, chiến sĩ từng trực tiếp chiến đấu trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.  Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thành phố Huế là địa bàn có vị trí chiến lược rất quan trọng, là trọng điểm trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sáng 31-1-1968, lực lượng quân giải phóng đã giáng đòn phủ đầu vào các căn cứ của địch. Các chiến sĩ đã thần tốc đánh chiếm các mục tiêu. Đông đảo nhân dân thành phố Huế đã tích cực hỗ trợ lực lượng vũ trang, dẫn đường cho bộ đội, đào hầm, dựng chiến lũy, tiếp tế, tải thương, chăm sóc thương binh...Hàng ngàn thanh niên, học sinh, sinh viên đã gia nhập các đội du kích, tự vệ, các đội công tác. Trong khuôn khổ buổi gặp mặt, hơn 100 tư liệu hình ảnh về Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã được trưng bày.

P.V

----------------------------------------------------------------------------------------------------