Báo Công An Đà Nẵng

Lòng tự trọng của người nghèo

Thứ hai, 07/10/2019 07:42

Những ngày này, cả nước đang chuẩn bị hướng về hội nghị tổng kết toàn quốc 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020...

Trong bối cảnh đó, câu chuyện cụ bà Đỗ Thị Mơ (83 tuổi, ở xã Lương Sơn, H.Thường Xuân, Thanh Hóa), đạp xe lên xã xin được trả “sổ hộ nghèo”, hay chuyện hàng trăm hộ dân ở một số tỉnh phía Bắc làm đơn xin được rút ra khỏi “biên chế” hộ nghèo như càng có ý nghĩa hơn về làn gió mới của cuộc cách mạng giảm nghèo mà cả nước đã nỗ lực phấn đấu trong thời gian qua. 

Nghèo không có tội! Tuy nhiên, sau một thời gian đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ Nhà nước, từ cộng đồng xã hội mà vẫn không cố gắng vượt lên để thoát  nghèo, chấp nhận sống trong phận “nghèo bền vững” là điều đáng xấu hổ với bản thân và có lỗi với xã hội. Từ suy nghĩ đầy tự trọng này, nên dù chưa thật sự dư giả nhưng chỉ cần vượt qua khỏi ranh giới sự nghèo, những hộ dân này đã tự nguyện xin rút ra khỏi “biên chế” diện nghèo để nhường suất đó cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Việc xin thoát ra khỏi diện nghèo của  những hộ dân trên không chỉ thể hiện lòng tự trọng của những người không muốn mãi sống trong cảnh nghèo mà còn là triết lý sống, là bài học mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc về trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cá nhân đối với chính gia đình và cộng đồng xã hội.

Qua 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, trên khắp cả nước có rất nhiều câu chuyện xúc động xung quanh những hộ dân sau khi nhận được “cần câu cơm” từ sự hỗ trợ, giúp đỡ từ Nhà nước, chính quyền các cấp và các đoàn thể, cộng đồng xã hội đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Cùng với cả nước, Đà Nẵng cũng là một trong những địa phương có nhiều cách làm hay, nhiều mô hình thoát nghèo bền vững, thể hiện được tính cộng đồng trách nhiệm cao. Những cá nhân, hộ thoát nghèo bền vững tại Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung đã thổi làn gió mát lành trong cuộc cách mạng xóa đói giảm nghèo, góp phần đẩy lùi, dần dần tiến tới việc xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng xã hội vốn tồn tại lâu nay trong một bộ phận không nhỏ người dân.

Ngoài sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, xã hội từ Trung ương đến địa phương trong việc kiên trì, quyết liệt, sâu sát vận động, tuyên truyền đi  cùng những cơ chế, chính sách khuyến khích thoát nghèo sát với cuộc sống thì vấn đề cốt lõi nhất để xóa nghèo bền vững chính là từ nhận thức, ý thức của những người nằm trong diện nghèo phải biết vươn lên thoát nghèo. Chỉ khi nào bản thân những hộ nghèo thực sự biết “tự ái” với chính mình, với cộng đồng xã hội, không muốn để “cái nghèo cứ bám đeo đẳng lấy mình” thì lúc đó công cuộc cách mạng xóa nghèo của cả nước mới đạt hiệu quả. 

Hy vọng, lòng tự trọng xin được thoát nghèo của cụ bà trên 80 tuổi ở Thường Xuân (Thanh Hóa) cùng hàng trăm hộ dân các tỉnh phía Bắc xin được ra khỏi diện nghèo sẽ lan tỏa, góp phần nhân rộng trong toàn cộng đồng xã hội để công cuộc chống đói nghèo của cả nước đi đến thành công trong tương lai không xa.

KHÁNH YÊN