Lớp dạy kỹ năng miễn phí của cô Loan
Từng tốt nghiệp khoa Tâm lý giáo dục, làm tổng phụ trách đội nên cô giáo Phạm Thị Thùy Loan-Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) được học sinh quý mến, gần gũi như mẹ, như chị trong gia đình. Gần đây, cô Loan còn được nhiều người biết đến với lớp dạy kỹ năng miễn phí cho học sinh nhiều lứa tuổi. Lớp học không sách vở, chỉ thông báo qua facebook, địa điểm lưu động nhưng ngày càng có nhiều phụ huynh tin tưởng gửi gắm con em mình.
Lớp dạy kỹ năng phòng chống thương tích được tổ chức tại Công viên 29-3 cùng phụ tá là cán bộ y tế học đường. |
Từ gỡ rối đến vẽ đường
Cô Loan tự ví mình như "sọt rác" của học sinh. Bởi vì từng có rất nhiều em tìm đến cô với tâm lý muốn trút cả những suy nghĩ, nỗi buồn và cả những sự ức chế, bế tắc khi không thể nói với cả những người thân trong gia đình. Thường thì bao giờ những đứa học trò chưa đủ lớn nhưng cũng không muốn làm "con nít" ấy bắt đầu câu chuyện như là cô phải chịu trách nhiệm cho những gì chúng sắp nói ra! Cô chăm chú lắng nghe các em nói hết. Có em sau khi kể hết mọi chuyện với cô, đột ngột quay lại hỏi: "Em có thể tin tưởng cô không?". Cô giáo trẻ ấy tôn trọng từng em học sinh, động viên và phân tích hợp tình, hợp lý, đến khi nào chúng thỏa mãn, không còn lăn tăn gì nữa mới thôi. Những câu chuyện thường kết thúc khi chính học trò thoải mái thừa nhận cả những điều đúng, sai. "Công việc tổng phụ trách đội rất gần gũi với học sinh mới lớn. Bình thường các em có cảm giác sợ vì mình quan tâm đến vấn đề nề nếp, tác phong. Nhưng nếu mình gần gũi, thân thiện, yêu thương thì có việc gì các em cũng xoắn lấy. Nhiều em thoát ra những ám ảnh, sợ hãi sau khi được chia sẻ chân thành", cô Loan tâm sự.
Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất khi làm công việc gỡ rối tâm lý cho học sinh, cô Loan cho biết mình đã từng "thương thảo", tư vấn, đưa một em học sinh thoát khỏi ý định tự tử. Lần đó, đang ở trường, cô được ban giám hiệu thông báo có một học sinh vì buồn chuyện gia đình, trèo lên cầu Thuận Phước với ý định tự tử nhưng khi lên đến đỉnh cầu thì đột ngột tụt can xi và ngất xỉu. Được yêu cầu tiếp xúc, cùng đưa em về bệnh viện điều trị, cô Loan ân cần chăm sóc cho em như người chị gái. Sau khi hồi phục, em này cho gia đình biết không muốn sống nữa và chưa dứt ý định tiếp tục tìm đến cái chết. Đối mặt với một ca quá khó, cô Loan vừa chăm sóc vừa gần gũi tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân sâu xa em đang gặp phải. Phải mất một thời gian dài gần như không rời mắt, không rời bỏ những suy nghĩ của em, cuối cùng hai cô trò và cả gia đình em đã chiến thắng suy nghĩ nông nổi ấy. "Khi học sinh hỏi mình "em có thể tin tưởng cô không?" thì coi như mình đã thắng 50% nhiệm vụ rồi. Câu chuyện của tôi với các em luôn là những câu chuyện có thật, xảy ra trong đời sống. Thậm chí là câu chuyện và cái kết tích cực của những em học sinh trước đó tôi đã gặp. Nhiệm vụ của tôi bắt đầu bằng gỡ rối, kết thúc bằng việc vẽ cho "hươu" chạy đúng đường", cô Loan thổ lộ.
Những khóa huấn luyện "free"
Bằng việc khảo sát trên mạng xã hội về nhu cầu của học sinh, từ việc tư vấn, giải quyết những câu chuyện đơn lẻ, năm 2018 cô Loan chính thức mở lớp học dạy kỹ năng sống để chủ động trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng mềm, ứng xử hiệu quả với các tình huống sẽ gặp hàng ngày. Lớp học không sách vở, mở vào những ngày nghỉ tại sân trường, công viên, khu vui chơi công cộng và hoàn toàn miễn phí. Điểm đặc biệt của lớp học là thường lựa chọn chủ đề theo diễn biến, bám sát những câu chuyện thời sự xảy ra trong cuộc sống. Đối tượng hướng đến là học sinh ở 3 nhóm tuổi: 5-7, 7-12 và 12-18 tuổi. Với những chủ đề thiết thực như kỹ năng phòng tránh đuối nước, phòng chống tai nạn thương tích, bạo lực học đường, bạo lực gia đình, xâm hại tình dục..., lớp học từ chỗ chỉ có học sinh trong trường đã lan tới nhiều trường học khác trong quận, ngoài quận. Học sinh, phụ huynh có thể đăng ký thông qua facebook, cứ đúng giờ, đúng ngày sẽ diễn ra tại địa điểm đã chọn. Người học được quyền nêu ý kiến, hỏi đáp cởi mở và dẫn chứng cụ thể. "Có nhiều chủ đề rất khó để bắt đầu, thường là những vấn đề tế nhị, thầm kín. Nếu mình lảng tránh thì các em thiệt thòi, nếu mình ngại mà dùng từ không phù hợp thì không hiệu quả. Vì thế chúng tôi thống nhất với nhau sẽ dùng ngôn ngữ thường ngày ở lứa tuổi của các em, xem chúng như những người bạn". Cô Loan cho biết, thông qua các lớp học mới thấy rằng, ở từng độ tuổi, học sinh có rất nhiều lỗ hổng về kỹ năng mềm, thậm chí đang gặp phải những nguy cơ mà bản thân các em và cả phụ huynh đều không hay biết. Để lớp học hiệu quả và sát với thực tế, ngoài việc tăng thời gian cho các chủ đề "nóng", lớp học của cô Loan thường có thêm các cộng sự là cán bộ phụ trách y tế học đường, bạn bè của cô công tác trong lực lượng công an. Khi có những nhân vật liên quan đến chủ đề học ngay trước mắt mình thì tâm lý người học bao giờ cũng thấy gần gũi và tự tin ứng xử hơn rất nhiều.
Thầy Võ Thanh Phước-Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ cho rằng, lớp học của cô Loan được phụ huynh đánh giá cao, học sinh hào hứng, tự giác theo học vì có tính thực tiễn. Không gượng ép, sách vở, mỗi giờ học đều kết hợp những khúc mắc của học sinh với câu chuyện diễn ra trong thực tế. "Không chỉ nhận được sự quan tâm của học sinh, phụ huynh trong trường mà còn lan tỏa ra các trường trong khu vực. Nhiều học sinh, phụ huynh tự tìm đến. Điều đó chứng tỏ nó đáp ứng được nhu cầu thực tế hiện nay. Các em rất cần kỹ năng xử lý cảm xúc, cách xử lý với tình huống hàng ngày", thầy Phước đánh giá. Trong khi đó, theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, lợi thế của cô Loan từng là tổng phụ trách đội vừa là người từng tham gia dự án "Hành trình yêu thương" do tổ chức phi chính phủ Tây Ban Nha tài trợ thông qua Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng. Với dự án này, các chuyên gia tâm lý nước ngoài đã truyền đạt những kỹ năng tư vấn tâm lý ban đầu, một trong những khâu quyết định thành công của nhiệm vụ giải quyết khủng hoảng tâm lý. Sở cũng rất khuyến khích để quận huyện, các trường học có thêm những chương trình hoạt động ngoài giờ, những lớp học dạy kỹ năng ý nghĩa cho học sinh như của cô Loan.
CÔNG KHANH