Báo Công An Đà Nẵng

"Lớp học đặc biệt" trong trại giam

Thứ bảy, 28/04/2018 16:30

Đến Trại giam số 3, Bộ Công an đóng tại xã Nghĩa Dũng, H. Tân Kỳ, Nghệ An chứng kiến lớp học của thầy giáo mang sắc phục xanh, bàn tay chai sần của những học viên "không tuổi" đang nắn nót từng con chữ mới thấu hiểu được tình người đằng sau song sắt. Đó là "lớp học đặc biệt" trong trại giam.

Những thầy giáo mang quân phục say sưa dạy chữ cho học viên.

Tiếng ê... a học bài sau song sắt

Phạm nhân Sầm Văn Chiến (23 tuổi), là học viên trẻ tuổi nhất lớp nhưng vinh dự được Ban giám thị và cán bộ trại phân công làm lớp trưởng. Trò chuyện với chúng tôi Chiến tỏ ra khá rụt rè. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện biên giới Quế Phong, do không có điều kiện học hành nên đi học được mấy buổi thì Chiến nghỉ ở nhà đi rẫy phụ giúp bố mẹ. Cuộc sống đói nghèo bủa vây, bản thân lại không biết chữ, thiếu hiểu biết pháp luật nên Chiến bị "ma lực của đồng tiền" lôi cuốn và tham gia vào đường dây mua bán trái phép ma túy. "Lúc đó nghèo nên em chỉ nghĩ làm sao nhanh kiếm được nhiều tiền nên khi có người rủ rê là em lao vào như con thiêu thân. Bản thân không biết chữ, thiếu hiểu biết pháp luật nên đã phạm tội. Giờ vào đây, em mới thấy ân hận về những việc đã làm, thấy thương bố mẹ, vợ con ở nhà hơn", Chiến tâm sự.

Lớp học văn hóa xóa mù tại Trại giam số 3 được mở từ năm 2010, dành cho phạm nhân chưa biết chữ đang thụ án tại đây. Mỗi năm, có từ 2 - 3 lớp được khai giảng và học trong từ 6 đến 9 tháng. Lớp học năm nay có 28 học viên, phần lớn là phạm nhân lớn tuổi nên khả năng tiếp nhận không đồng đều khiến công tác dạy học vô cùng khó khăn. "Ở lớp Chiến thuộc diện tiếp thu nhanh nhất, những học viên tầm 30-40 tuổi thì chủ yếu là dân tộc thiểu số nên không được học hành đầy đủ, càng nhiều tuổi lại càng ngại học và chậm tiếp thu. Bởi vậy, hôm nay dạy rất nhớ nhưng mai hỏi thì lại quên, phải dạy lại từ đầu", Đại úy Nguyễn Bá Đường-cán bộ Đội giáo dục hồ sơ, Trại giam số 3 cho biết. Đến với lớp dạy chữ, ban đầu học viên nào cũng háo hức, trông chờ như trẻ thơ. Được phát bút, phát vở trong ngày đầu tiên đi học, Chiến tỏ vẻ vui mừng, xúc động lắm, cứ mân mê từng trang giấy nhưng khi cầm cây bút trên tay, mồ hôi trán lại lã chã rơi. "Lắm lúc cầm bút, viết chữ quá khó khăn em cũng thấy chán nhưng khi nghĩ đến 2 đứa con ở nhà, nó cũng bắt đầu học chữ như mình lại tiếp thêm cho em động lực để cố gắng học. Thời gian thụ án trong tù còn hơn 2 năm nữa, phải cố gắng học để khi ra trại còn có cái mà khoe với vợ con, sau này được ra trại, nhất định em sẽ không để các con phải thất học...", Chiến tâm sự.

Biết chữ, nhiều phạm nhân tìm đến thư viện đọc sách.

Gieo mầm tương lai

Nhiều năm gắn bó với nghề, Đại úy Nguyễn Bá Đường vẫn nhớ như in kỷ niệm trong những lần đứng lớp. Anh nói mình tốt nghiệp Trường CĐSP và đã giảng dạy ở một ngôi trường trung học nhưng cơ duyên đưa anh đến công tác tại Trại giam số 3. Ở đây, nghề giáo lại phải thử thách trong hoàn cảnh đặc biệt hơn nhưng không kém phần ý nghĩa. "Dạy học trong môi trường này đòi hỏi người thầy giáo phải kiên trì, rắn rỏi. Không ít phạm nhân trong trại từng là đại ca một thời nên dạy chữ cũng phải có phương pháp. Mình không chỉ dạy chữ, truyền đạt kiến thức cho họ mà còn phải cảm hóa bằng tấm lòng, tâm huyết của người thầy giáo. Chính vì vậy, trong lớp học, thầy trò phải học hành nghiêm túc, thầy cũng chỉ dạy nhiệt tình, chu đáo và nghiêm khắc thì các học viên mới lễ phép, kính trọng" - Đại úy Nguyễn Bá Đường chia sẻ. Còn Trung tá Phạm Mạnh Quê, Đội trưởng Đội Giáo dục - Hồ sơ cho biết: "Lớp học xóa mù đơn giản xuất phát từ thực tế trước đây, nhiều phạm nhân nhập trại không biết ký tên và đọc thư người thân. Khi thành lập, không ngờ, các phạm nhân lại hưởng ứng nhiệt tình nên chúng tôi đã duy trì lớp học suốt gần 10 năm qua. Hiện tại trải qua hàng chục khóa tốt nghiệp, các học viên có thể đọc, viết thư, làm thơ gửi về cho gia đình, trong đó, có cả những bức thư, câu thơ gửi lời cảm ơn đến giám thị, cán bộ khiến chúng tôi vô cùng cảm động".

Không chỉ mở lớp dạy chữ, Trại giam số 3 còn mở thư viện cho các phạm nhân. Đây cũng là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, gieo mầm tương lai cho những người lầm lỡ. Ngày nhập trại, Đinh Văn Tài có lý lịch trích ngang phạm tội buôn bán trái phép chất ma túy, kèm theo ghi chú là không biết chữ. Nhờ sự vận động của cán bộ trại giam, năm 2017, Tài tham gia lớp xóa mù. Sau 6 tháng vất vả học hành, Tài đã có thể đọc thông, viết thạo, viết trọn vẹn một bức thư gửi về nhà. Sau giờ lao động cải tạo, Tài còn là bạn đọc thường xuyên của thư viện. "Biết chữ đã giúp bản thân em đến với những cuốn sách và gặp được nhiều số phận, những hiểu biết về cuộc sống xã hội đang đổi thay từng ngày. Em thấy thật may mắn và biết ơn các cán bộ trại giam đã giúp em biết chữ", Đinh Văn Tài chia sẻ.

Đang say mê nghiền ngẫm cuốn sách trong thư viện trại giam, Hờ Bá Lữ, quê ở xã Nậm Cắn, H. Kỳ Sơn trở nên điềm đạm hẳn. Với Lữ, giờ đây có thời gian đọc sách là điều kỳ diệu, việc mà trước kia Lữ chưa bao giờ làm. "Nhìn những cuốn sách, tôi lại nhớ đến con gái mình, đó là động lực giúp tôi cải tạo. Giờ nó học lớp 11 rồi, học hơn bố, chắc chắn nó sẽ biết nhiều hơn bố và hi vọng cuộc đời con sẽ tốt đẹp hơn..." - Hờ Bá Lữ hi vọng.

D.HÓA