Lớp học đặc biệt và ước mơ viết lại cuộc đời
(Cadn.com.vn) - Trại giam Gia Trung (Bộ Công an) đóng tại huyện Mang Yang, Gia Lai đang quản lý giam giữ hơn 3.000 phạm nhân, đa phần trong đó là những phạm nhân mức án cao, phạm tội nghiêm trọng và rất nghiêm trọng. Thế nhưng ở đó có nhiều mảnh đời đã và đang tìm ra con đường sáng cho chính mình bằng cách học chữ.
Đi học xóa mù ở tuổi băm
Giữa cái nắng oi bức cuối mùa khô Tây Nguyên, những phạm nhân đang thụ án tại trại giam Gia Trung vẫn miệt mài bên trang giấy trắng, nắn nót viết từng con chữ. Tiếng đọc bài của những "học sinh đặc biệt" vang lên trong từng lớp học đặc biệt này. Giáo viên cũng chính là những cán bộ làm công tác giáo dục của Trại giam Gia Trung. Nơi phân trại số 2, 9 phạm nhân nam cũng chính là những "học sinh" đang chăm chú bài giảng của lớp học xóa mù chữ. Những gương mặt căng ra, những bàn tay run run trên từng con chữ và miệng lẩm nhẩm đánh vần. Lâu nay, những đôi bàn tay kia chỉ biết làm những việc xốc nổi giờ phải uốn từng nét chữ, từng dấu móc, dấu ngoặc lóng ngóng như trẻ... tiểu học.
Cũng đúng thôi! Bởi những phạm nhân này trước khi vào đây một chữ bẻ đôi cũng không biết, cuộc sống xô bồ khiến họ dấn thân vào những con đường tăm tối hay chỉ vì những nhu cầu cá nhân mà phạm tội. Nguyễn Văn Khỏe (1978, trú thôn 1, xã An Phú, TP Pleiku, Gia Lai) với biệt danh "siêu trộm", thụ án 19 năm 6 tháng tù giam, nhìn hồ sơ của Khỏe chỉ là những dấu tay điểm chỉ, bởi đến tên của mình Khỏe cũng không biết viết thế nào. Với chính sách của Nhà nước, Khỏe cùng 9 phạm nhân khác trở thành những thành viên lớp học xóa mù chữ đặc biệt này. "Em sa đà vào những tháng ngày ăn chơi, cờ bạc. Cứ hết tiền là lại đi trộm cắp rồi em tiêu thụ cả đồ trộm cắp nữa để có tiền tiêu xài. Giờ nghĩ lại thấy thương vợ, thương con, ân hận lắm cán bộ ạ! Giờ biết đọc, biết viết, được đọc thêm sách vở, em nhận thức được nhiều hơn về pháp luật, về trách nhiệm của mình với vợ con, xã hội", Khỏe tâm sự.
Một trường hợp khác, phạm nhân Phyai (1986, trú xã Đăk Krong, H. Đăk Đoa, Gia Lai) cũng mù chữ hoàn toàn. Phạm tội Cố ý gây thương tích, Phyai thụ án 5 năm 6 tháng tại Trại giam Gia Trung. Được học lớp xóa mù chữ, Phyai giờ đã biết đọc, biết viết và viết thư xin lỗi gửi gia đình người bị hại. "Được học cái chữ, biết đọc sách giờ mình hiểu biết về pháp luật rồi nên thấy ân hận về những việc làm mình đã gây ra. Chỉ vì không hiểu biết mà mình gây ra tội. Giờ mình phải tu sửa, phải cố gắng học cái chữ để về làm lại cuộc đời, sửa lại những lỗi lầm mình đã gây ra trước đây", Phyai nói.
Một lớp học xóa mù chữ và phổ cập Tiểu học tại phân trại số 2 (Trại giam Gia Trung). |
Ước mong viết lại cuộc đời
Ở lớp học khác dành cho phạm nhân nữ tại phân trại số 2 trung tâm Ayun, chúng tôi gặp một "học sinh" khá đặc biệt. Ở cái tuổi đã lên bà nhưng phạm nhân Đinh Thị Hòa (54 tuổi, Thái Nguyên, thụ án 20 năm tù giam vì tội vận chuyển ma túy) vẫn cùng 19 phạm nhân nữ khác đang chăm chú trong lớp học xóa mù chữ. Nhờ được học chữ mà người đàn bà này khi hay tin đứa con gái lấy chồng, đã mượn giấy bút viết bức thư gởi con. "May mà được đi học, được cán bộ dạy chữ viết. Người mẹ tội lỗi như tôi mới viết được bức thư tâm sự nỗi niềm của mình coi như món quà mừng con gái. Coi như mẹ đã có mặt ở ngày hạnh phúc của con", phạm nhân Đinh Thị Hòa ngậm ngùi cúi mặt xuống cuốn vở đang viết dở bức thư.
Ở lớp học này, còn có những phạm nhân nữ khác như Nay Hlút (1986, Gia Lai, thụ án 13 năm tù về tội Cướp tài sản, Giết người), Lê Thị Kim Yến (1996, TX An Khê, Gia Lai, thụ án 7 năm về tội Mua bán trái phép chất ma túy)... đang đánh vần từng con chữ, nắn nót từng nét bút dưới sự hướng dẫn của những cán bộ Trại giam. Sự thanh thản, hồn nhiên lại hiện lên trên những gương mặt từng một thời lầm lỗi.
Đại úy Phạm Sỹ Phong, Đội trưởng Đội Giáo dục - Hồ Sơ Trại giam Gia Trung cho biết: "Nhằm trang bị cho phạm nhân những kiến thức cơ bản, giúp phạm nhân có điều kiện để nhận thức được quyền, nghĩa vụ của mình, chúng tôi tổ chức các lớp học văn hóa xóa mù chữ và phổ cập tiểu học cho phạm nhân. Qua đó giáo dục cho phạm nhân nhận thức rõ tội lỗi của bản thân, thấy được chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, qua học văn hóa, phạm nhân nắm và hiểu được chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thấy được trách nhiệm của bản thân trong lao động, học tập cải tạo để sớm trở thành người công dân có ích cho xã hội".
Từ năm 2012 đến nay, Trại giam Gia Trung đã xóa mù chữ và phổ cập Tiểu học cho hàng trăm phạm nhân. Từ đó, tạo nên những chuyển biến trong nhận thức của họ. Những giấc mơ làm lại cuộc đời của phạm nhân đang được xây dựng trên một nền tảng bền vững về văn hóa, trình độ hiểu biết. Phạm nhân trẻ nhất lớp học Lê Thị Kim Yến mới 19 tuổi nghẹn ngào khi đọc được bài báo mà chúng tôi đưa để thử em: "Em đang trẻ nhưng nhìn những chị, cô đang say sưa học văn hóa thấy cơ hội mình còn nhiều lắm! Em hứa sẽ cải tạo thật tốt, học thật tốt! Chúng em nắn nót viết lại cuộc đời như cán bộ giám thị dạy bảo trong từng con chữ".
Minh Tân