Báo Công An Đà Nẵng

Lớp học đầy ắp tình thương của cô gái tật nguyền

Thứ ba, 10/04/2018 12:24

Trong căn nhà nhỏ, tiếng học bài ê a vang lên. Đứng giảng bài là cô gái bị tật nguyền, nhỏ bé lọt thỏm giữa lớp. Dù chưa tốt nghiệp ngành sư phạm nhưng trong làng vẫn gọi cô đầy thân thương: Cô giáo H'Blao. 7 năm qua, đã có hàng trăm học sinh (HS) ở các làng theo học và đó cũng là quãng thời gian thanh xuân của H'Blao bỏ ra để dạy miễn phí cho các em.

H'Blao với đôi chân tập tễnh vẫn hằng ngày đứng lớp dạy cho các em học sinh.

Bỏ tiền nhà xây lớp học tình thương

Từ đường Hồ Chí Minh vào làng Chăo Bông (xã Ia Phang, H. Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) chỉ cần hỏi nhà cô giáo H'Blao thì trẻ con đến người già đều biết và ai cũng tận tình chỉ đến tận nơi. Những tưởng làng Chăo Bông như những ngôi làng người Gia Rai khác, bốn bề vắng lặng bởi người lớn đi làm nương rẫy, chỉ còn lũ trẻ con người bám đầy đất đỏ - thứ "đặc sản" ở cao nguyên này chơi túm tụm với nhau dưới nhà sàn. Thế nhưng, nhìn quanh lũ trẻ con làng Chăo Bông không thấy đâu. Người già cười bảo chúng đến lớp học cô H'Blao "tìm" con chữ rồi. Cuối làng, trong căn nhà nhỏ cấp 4 vang lên tiếng đọc bài của lũ trẻ. Đứng bên bảng xanh là cô gái có đôi mắt sáng. Dáng người nhỏ bé, H'Blao nắn nót chỉnh từng nét chữ cho lũ trẻ trên đôi chân khập khễnh bị tật do trong một lần bạo bệnh.

Để có phòng học với những chiếc bàn, ghế nhựa, H'Blao nhớ lại: "Khi đang học năm thứ 2 tại Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, em đành bỏ dở vì sức khỏe. Đôi chân bị tật hành hạ em miết! Trở về làng quanh quẩn trong nhà khiến em buồn tủi lắm, nghĩ người tàn tật như mình thành vô dụng mất rồi. Ý nghĩ đó cứ khiến em thôi thúc mãi, ngoài con chữ ra em không biết làm gì nhiều trong khi đó lũ trẻ con trong làng vẫn thiệt thòi khi bố mẹ mải mê nương rẫy nên ít chú trọng việc học. Thế nên, 7 năm trước em quyết định nói với bố mẹ ý định xây phòng học để dạy thêm miễn phí cho các em. Bố em chỉ hỏi: con suy nghĩ kỹ chưa và em gật đầu".

Dù còn khó khăn, ông Ksor Đek (bố của H'Blao) vừa thương cô con gái bé nhỏ chịu nhiều thiệt thòi vừa phục ý chí của con nên đi mượn thêm tiền. Vậy là phòng học đủ chỗ cho khoảng 30 em HS được xây dựng lên trong vườn nhà để thuận tiện cho việc đi lại của H'Blao. Phân nửa trong số tiền 40 triệu đồng để xây lớp học là đi vay mượn.

 H'Blao kể: "Lúc đầu em chỉ định dạy cho các em trong dòng họ trước, mình học trình độ cũng không cao nên chỉ dạy thêm HS tiểu học. Ai ngờ, các em trong làng rồi các làng lân cận đến ngày càng đông". Lũ trẻ được H'Blao giảng dạy tận tình nên chú tâm học. Cứ thế, lớp học đã duy trì suốt 7 năm qua trong sự tận tụy của H'Blao.

Lớp học miễn phí của H'Blao đã giúp các em có hoàn cảnh khó khăn được học con chữ.

Giúp các em viết tiếp ước mơ

Nhìn những bước đi vất vả của H'Blao trên bục giảng mới thấy được nghị lực phi thường của cô. "Lúc đầu đi lại rất đau. Có đêm, cái chân đau khiến em không thể nào ngủ được vì đi nhiều. Nhưng giờ quen rồi anh ạ! Một ngày em dạy 2 buổi, buổi sáng và buổi chiều cho các em. Nhiều hôm đau ốm cũng cố, chứ nghỉ buồn và nhớ lớp lắm", H'Blao chia sẻ.

Ông Kpă Yư (làng Chăo Bông) là một trong những hộ nghèo của làng, có 4 đứa con, lo cái ăn còn chưa đủ chứ nói gì đến việc lo học hành cho con cái. Đứa con trai đầu Ksor Thạch dù được đến lớp nhưng học hành chẳng đến đâu bởi vừa trông em vừa ít được gia đình quan tâm. Ngày H'Blao đến vận động đưa Thạch đến lớp, ông Yư chần chừ mãi. Thế nhưng, giờ này ông Yư đã thay đổi. "Mình biết cô giáo H'Blao dạy không lấy tiền nhưng cho thằng Thạch đi học thì ai chăm em, nhưng cô giáo động viên mãi mình cho nó đi học. Giờ nó đọc được cái chữ, biết làm toán hơn cả bố, mẹ rồi, mình vui lắm! Cô giáo ở trường cũng khen nó học hành tiến bộ. Giờ nó mà đòi ở nhà mình cũng bắt nó đến lớp cô giáo H'Blao học bằng được", ông Yư nói. Hỏi về chuyện học phí, ông Yư cười: "Ô, cô giáo H'Blao không lấy học phí, mình đi rừng hái được trái cây hay bó rau rừng cho cô giáo thôi! Cô không lấy tiền đâu!".

Người làng Chăo Bông vẫn nhớ hình ảnh cô gái H'Blao sinh ra đã nhỏ bé, rồi sau một cơn sốt bại liệt bị di chứng, đôi chân không còn lành lặn. Vợ chồng ông Dek bồng cô con gái bé nhỏ chạy chữa khắp nơi nhưng đều vô vọng. Thế nhưng, ánh mắt thông minh và sự ham học của H'Blao khiến dân làng nể phục. Những hôm mưa gió, đôi chân H'Blao vẫn tập tễnh đến lớp. Rồi lên học cấp 3, với chiếc xe lắc tay ba bánh cho người khuyết tật, H'Blao lại một mình lên huyện học. Ngày H'Blao đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai ngành Công nghệ thông tin không chỉ khiến bố, mẹ mà dân làng Chăo Bông rất tự hào. Bởi lâu nay, người đi học cao trong làng cũng chỉ đếm chưa đầy một bàn tay. H'Blao tâm sự: "Từ nhỏ, em đã ước được đứng trên bục giảng, hai tiếng cô giáo trong em đẹp lắm! Thế nên, ngày đậu vào trường em vui mừng không tả nổi".

Thế nhưng, sức khỏe không cho phép nên đến năm thứ 2, H'Blao đành phải nghỉ học giữa chừng. Ước mơ làm cô giáo tưởng chừng như chấm dứt. Về lại làng, H'Blao nhiều đêm khóc hết nước mắt. "Thế rồi, em nghĩ đến việc mở lớp dạy cho các em trong làng, bởi nhìn lại có rất nhiều em ham học nhưng hoàn cảnh khó khăn. Biết đâu, sau này có em sẽ trở thành cô giáo, thầy giáo là người viết tiếp ước mơ của em", H'Blao nói.

Đến giờ này, lớp học của H'Blao có đến 65 em từ lớp 1 đến lớp 5 theo học, chưa kể 7 năm nay đã có biết bao em được H'Blao dạy kèm đã tiếp tục học lên cấp 2, cấp 3. Biết việc làm tốt của H'Blao, nhiều nhà hảo tâm, đơn vị đã đến lớp giúp tập vở, sách truyện hay sửa chữa lại phòng học tiếp sức cùng tấm lòng "tàn nhưng không phế" của cô.

MINH TÂN