Báo Công An Đà Nẵng

Lớp học... trên cánh đồng

Thứ bảy, 26/03/2016 10:29

(Cadn.com.vn) - Thời gian gần đây, hoạt động giáo dục thực nghiệm, thực tế đã được các trường học trên địa bàn TP Đà Nẵng tích cực thực hiện, với mục đích giúp học sinh được trải nghiệm thực tế, từ đó có cái nhìn xác thực hơn với cuộc sống. Cán bộ, giáo viên trường học nhìn nhận đây thực sự là một trong những phương pháp giáo dục hiệu quả cho học sinh theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học.

Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, phụ huynh, gần 150 học sinh bậc tiểu học và trung học cơ sở Trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở Đức Trí (Q. Hải Châu, TP. Đà Nẵng) rất hào hứng tham gia các hoạt động khám phá thế giới thiên nhiên, cuộc sống lao động hằng ngày. Các em được nhập vai làm bác nông dân, trực tiếp tham gia trồng rau, chăm sóc các đàn gia cầm, gia súc. Học sinh được giáo viên, phụ huynh giao nhiệm vụ rõ ràng, từ chuẩn bị các dụng cụ lao động, lên kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, đến triển khai công việc. Được trực tiếp tham gia tỉa cây cảnh, đào đất, ươm giống, trồng cây... đã giúp các em có những trải nghiệm quý báu, vừa thực hành kỹ năng sống, vừa bước đầu hình dung sinh động về hoạt động lao động, sản xuất và cảm nhận được các giá trị do lao động chân chính mang lại.

Em Nguyễn Lê Tâm Đoan (học sinh lớp 6/1) chia sẻ: "Được tham gia lớp học ngay tại vườn thực hành sinh thái với các hoạt động giáo dục khám phá, trải nghiệm, em đã có thêm rất nhiều kiến thức về cuộc sống, hiểu rõ về thực tế lao động sản xuất mà bấy lâu nay chỉ hình dung qua hình ảnh. Những gì được tham gia ở lớp học rất thú vị". Còn em Đinh Trần Khánh Ngân (học sinh lớp 5/1) bày tỏ: "Những điều mà buổi học mang lại là kiến thức hết sức mới mẻ. Bởi vậy, khi tham gia chương trình học tập này, bản thân em cùng các bạn đều tỏ ra rất hào hứng".

Không gian lớp học không còn bó buộc trong 4 bức tường đã tạo sự hứng thú, đam mê học tập của học sinh.

Lần đầu tiên được cùng con tham gia chương trình học tập khá mới mẻ của trường học, phụ huynh em Nhi Mai (học sinh lớp 2/2) tâm sự: "Việc đưa các cháu tham gia chương trình trải nghiệm thực tế như thế này là rất tốt cho lứa tuổi học sinh. Hoạt động không chỉ giúp các em hiểu thêm về cuộc sống thực tế mà còn thấy được giá trị lao động, cảm nhận được thế nào là khó khăn, vất vả".

Theo cô giáo Lê Thị Nga - Hiệu trưởng Trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở Đức Trí, hiện nay, nội dung giáo dục ngoài giờ lên lớp hay thời lượng các hoạt động giáo dục thực hành, thực nghiệm của chương trình giảng dạy còn khá hạn chế. Chính vì vậy, việc giới hạn tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ không thể mở rộng các hoạt động giáo dục khám phá, trải nghiệm thực tế một cách phong phú, đa dạng. Trong khi đó, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, trình độ chuyên môn, quản lý của đội ngũ cán bộ, giáo viên chưa thật sự được đầu tư, xây dựng đồng bộ đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai các hoạt động giáo dục... Đó cũng là những sự trăn trở chung của nhiều trường học trên địa bàn thành phố hiện nay. Cho nên, những hoạt động giáo dục theo hướng khám phá, trải nghiệm như trên cần được nhân rộng, giúp học sinh có được môi trường học tập ngày càng tốt hơn, còn giáo viên dần dần hoàn thiện mình về trình độ chuyên môn, tổ chức và quản lý các hoạt động giáo dục trên lớp cũng như ngoài giờ.

Cô Lê Thị Nga cho biết: Hiện nay nội dung giáo dục theo hướng khám phá, trải nghiệm đã trở thành một hoạt động thường xuyên của học sinh nhà trường ngay tại khu vườn thực hành sinh thái rộng hơn 7.000 m2. Đây là không gian triển khai các "lớp học mở" cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học và THCS, với phương pháp "thực học, thực nghiệm", đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất đạo đức người học. Một điều đặc biệt của các lớp học này là đều có sự tham gia của phụ huynh học sinh. Với mục đích tạo sự tương tác hiệu quả giữa gia đình - nhà trường, giáo viên - phụ huynh - học sinh trong việc xây dựng môi trường giáo dục toàn diện cho các em học sinh.

Khải Minh