Báo Công An Đà Nẵng

Lớp xóa mù đặc biệt ở xã vùng biên

Thứ ba, 17/12/2019 15:28

Cứ vào các buổi tối từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, tại bản Lách, xã vùng biên giới Mường Chanh, huyện Mường Lát, Thanh Hóa có một lớp học xóa mù đặc biệt luôn được duy trì đều đặn. Ở lớp học đó, giáo viên là những thầy giáo mang "quân hàm xanh" của Đồn biên phòng Quang Chiểu, huyện Mường Lát, còn học sinh đa số là những phụ nữ dân tộc thiểu số Khơ Mú có độ tuổi từ 20-40. Không quản ngại khó khăn, vất vả về điều kiện đi lại, bất đồng ngôn ngữ, phong tục tập quán..., các chiến sĩ của Đồn biên phòng Quang Chiểu đã nỗ lực ngày đêm duy trì lớp học, với mong muốn "gieo con chữ" nơi bản vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn này.

Lớp học này thu hút rất nhiều "học viên đặc biệt" đến học.   Ảnh: TTXVN

Lớp học xóa mù đặc biệt

Theo chân cán bộ Đồn biên phòng Quang Chiểu, chúng tôi cũng đến được Khu trường lẻ Chai- Lách, thuộc Trường TH Mường Chanh- nơi tổ chức lớp học xóa mù.

Vượt  hơn 12km đường rừng tối tăm, hiểm trở, trong điều kiện thời tiết giá rét đầu đông nơi vùng biên, chúng tôi mới thấu hiểu hết được những nỗ lực, cố gắng của những thầy giáo không chuyên. Là người trực tiếp đưa chúng tôi đến lớp học, Đại úy Nguyễn Văn Cường, Đội trưởng đội Hoạt động quần chúng Đồn Biên phòng Quang Chiểu, huyện Mường Lát cho biết: Thực hiện chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" do Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, sau khi rà soát tỷ lệ tái mù chữ tại các địa bàn, xác định bản Lách có tỷ lệ mù chữ cao, Đồn Biên phòng Quang Chiểu đã tham mưu và được cấp trên cho phép triển khai lớp học xóa mù chữ tại bản này.

Trong thời gian 3 tháng, các học sinh sẽ được truyền đạt các kỹ năng cơ bản về: nghe, nói, đọc, viết chữ Quốc ngữ và một số phép tính cơ bản. Cùng với dạy chữ xóa mù, lớp học còn kết hợp tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, lối sống văn hóa hợp vệ sinh, bài trừ các hủ tục lạc hậu... Kết thúc khóa học, đảm bảo 100% học viên biết đọc, biết viết, biết sử dụng các phép tính cộng, trừ, nhân, chia đơn giản... Qua đó, giúp đồng bào nâng cao chất lượng cuộc sống phục vụ trong lao động sản xuất, góp phần tích cực trong bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới Quốc gia.

Tại lớp học xóa mù chữ Khu trường lẻ Chai- Lách, thuộc Trường TH Mường Chanh, học sinh chủ yếu là chị em phụ nữ người Khơ Mú ở bản Lách và số ít ở bản Chanh. Ban đầu do chưa nhận thức được ý nghĩa của việc học chữ nên chỉ ít chị em có nhà gần điểm dạy đăng ký tham gia. Do vậy, hàng ngày, cùng với nhiệm vụ tuần tra biên giới, các chiến sĩ biên phòng còn đến tận nhà, lên tận nương rẫy để trò chuyện và tuyên truyền về tầm quan trọng của việc học chữ. Nhờ đó, lớp học ngày càng thu hút đông đảo học sinh tham gia. Đến nay, ngoài 26 học viên tại bản Lách đăng ký tham gia lớp học, đã có thêm 4 học viên ở các bản khác đăng ký.

Nhiều chị em đã vận động chồng, bố mẹ, anh chị em cùng tham gia lớp học... Đến nay, lớp học duy trì ổn định 38 học sinh. Mặc dù ban ngày, các "học sinh đặc biệt" đều phải lao động vất vả trên nương rẫy, nhiều người cách xa hàng chục ki-lô-mét, nhưng đúng 19 giờ tối hàng ngày, các chị em đều đặn tới lớp học.

"Giờ tôi đã đánh vần, ghép chữ được rồi"

Trong cái lạnh giá của tối mùa đông vùng cao, lớp học xóa mù chữ lại đồng thanh vang lên tiếng đọc còn chưa sõi tiếng phổ thông của các chị, các mẹ trong ánh sáng yếu ớt từ bóng đèn chạy bằng máy phát điện mini.

Với vai trò là phiên dịch "đặc biệt" của lớp học, ông Trịnh Văn Xôm, Trưởng bản Lách cho biết, hàng ngày ông cũng lên lớp với vai trò là trưởng lớp, theo dõi, đôn đốc các chị em học tập. Nhiều khi làm phiên dịch, cầu nối giữa học viên và giáo viên. Hầu hết người dân trong bản, nhất là các chị em phụ nữ đều không biết chữ, vì vậy, mỗi lần ra UBND xã, người dân không thể tự viết tên mình mà phải điểm chỉ. Không có chữ, đồng bào cũng không biết tính toán làm ăn nên đói nghèo cứ mãi đeo bám. "Lớp học này thực sự rất bổ ích. Chúng tôi rất cảm ơn sự quan tâm của các chiến sĩ Đồn Biên phòng Quang Chiểu", Trưởng bản Xôm chia sẻ.

Nỗ lực uốn nắn những nét chữ đầu tiên, chị Cút Thị Bao (38 tuổi)- học viên lớn tuổi nhất lớp vui vẻ chia sẻ với giọng Kinh lơ lớ: "Nhiều lúc nghĩ mình không biết chữ thì thiệt thòi quá, không viết được tên mình mà cũng không biết tính toán làm ăn. Ngoài giờ học trên lớp, về nhà, tôi còn học chữ cùng với cháu nội đang học tiểu học. Các thầy dạy rất nhiệt tình và dễ hiểu, giờ tôi đã đánh vần, ghép chữ được rồi". Đã có chồng và 3 đứa con, cuộc sống gia đình vẫn còn khó khăn và vất vả, nhưng chị Lương Thị Yên (29 tuổi) vẫn hăng hái đến lớp học với khát khao được biết chữ. Chị kể rằng ngày nhỏ, do gia đình nghèo, đông anh em, lại phải ở nhà phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy nên không được đi học."Được sự uốn nắn của các thầy, nay tôi đã thuộc, viết được chữ cái và bắt đầu học ghép vần", chị Yên nói.

Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ biên cương Tổ quốc, những người lính Biên phòng còn là những người con của bản, làng, giúp bà con dân tộc thiểu số phát triển kinh tế. Và giờ đây, họ vẫn ngày đêm mang con chữ đến với bản làng vùng cao. Dẫu rằng cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng hình ảnh những người lính Biên phòng ngày đêm mang "con chữ" đến với đồng bào đã góp phần làm ấm thêm tình quân dân nơi vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn này...

KHIẾU TƯ