Báo Công An Đà Nẵng

Lớp xóa mù ở bản Giáp Gát

Thứ hai, 03/08/2015 10:50

(Cadn.com.vn) - Tôi đến bản Giáp Gát, xã Bình Sơn, H. Anh Sơn (Nghệ An), nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái đúng lúc lớp học xóa mù đang đón học sinh vào lớp. Học sinh của lớp đủ mọi lứa tuổi. Chị Ngân Thị Mười và Ngân Thị Hoạch là hai chị em, đã gần 50 tuổi nhưng giờ mới được đến trường học chữ. Chị Mười bảo do hồi nhỏ nhà nghèo phải theo bố mẹ đi làm kinh tế mới, lại ở cách xa trung tâm xã nên không có điều kiện theo con chữ. Lớn lên lại lo chuyện chồng con nên giờ mới được đi học để biết cái chữ nó vuông hay tròn...

Bà Lô Thị Niệm (66 tuổi) là học viên cao tuổi nhất,  chia sẻ: "Không biết chữ khổ và thiệt thòi lắm. Con cái đi làm, gửi tiền về cho bố mẹ nhưng khi lên xã nhận, cầm tờ giấy không biết đọc, không biết ký tên mình mà phải điểm chỉ bằng tay. Rồi đến khi đau ốm đi bệnh viện khám, không biết đọc chữ cũng phải nhờ người chỉ cho vào phòng. Cho nên, từ khi bản mở lớp học là tui tham gia không sót buổi nào. Giờ biết đọc, biết viết rồi nên đi mô cũng không lo". Chị Hồ Thị Sinh (47 tuổi) đang mắc bệnh hiểm nghèo nhưng vẫn đăng ký đi học với quyết tâm "trước khi nhắm mắt cũng phải biết được cái chữ"!

Lớp học xóa mù tại bản Giáp Gát, Bình Sơn, Anh Sơn. 

Sau hơn 1 năm duy trì, lớp xóa mù tại bản Giáp Gát hiện có 23 học viên theo học hầu hết là các chị em trong xã. Từ khi mở lớp, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Bình Sơn và lãnh đạo xã cũng thường xuyên đến lớp động viên cô trò, xã đã trích kinh phí để mua sách, vở, bút hỗ trợ thêm cho học viên.

Cô Hoàng Thị Loan (51 tuổi) cho biết: Đã hơn 20 năm đứng trên bục giảng, nhưng khi được Ban giám hiệu trường Tiểu học Bình Sơn phân công dạy lớp xóa mù, tôi cứ băn khoăn, trăn trở. Vì lớp học xóa mù là những người nhiều tuổi nên việc tiếp thu kiến thức rất chậm. Ban đầu, tôi phải học thêm tiếng Thái để giảng bài cho bà con dân bản. Mỗi lần thấy các học viên nhớ thêm được 1 chữ cái, đánh vần thêm được 1 từ, học thêm con số, làm được phép tính là thấy vui lắm. H. Anh Sơn hiện có 5 lớp xóa mù nhưng thời gian biểu của các lớp không cố định vì bà con tranh thủ thời gian ban ngày để lên rẫy nên có khi lớp được dạy vào buổi trưa hoặc tối.

2 chị em Ngân Thị Mười và Ngân Thị Hoạch hơn 50 tuổi mới được đi học.

Thầy Võ Tiến Hoàng, chuyên viên Phòng GD&ĐT H. Anh Sơn chia sẻ: Đến với lớp học xóa mù, tôi mới hiểu hết được sự nỗ lực vượt qua khó khăn để tìm kiếm con chữ của bà con. Nhiều chị em có hoàn cảnh gia đình khó khăn như chồng sang Lào làm việc kiếm tiền còn vợ ở nhà làm rẫy nuôi con, buổi trưa lại địu con tranh thủ đến lớp để học chữ. Hoặc như trường hợp 2 vợ chồng ở bản Cao Vều, xã Phúc Sơn mặc dù tuổi cao, các con đã tốt nghiệp ĐH, CĐ nhưng bố mẹ vẫn đi học lớp xóa mù. Nhiều hôm đi làm về trưa, vợ chồng chỉ kịp ăn mì tôm sống và băng rừng đến lớp.

Các cụ nói, học để làm gương cho con cái. Hiện nay công tác xóa mù chữ ở tỉnh Nghệ An còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là công tác tuyên truyền. Theo thống kê của Sở GD-ĐT hiện toàn tỉnh còn khoảng 4% bà con người dân tộc thiểu số tuổi từ 15 - 60 chưa biết chữ. Để khắc phục tình trạng này, hàng năm Sở đã hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị điều tra, thống kê số lượng người mù chữ và tái mù chữ trong độ tuổi. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch, mở các lớp học xóa mù chữ và giáo dục sau khi biết chữ để giảm số người mù chữ cũng như tránh tình trạng tái mù, nhất là ở các xã miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

D.Hóa