Lột mặt "vũ khí khủng bố mới"
(Cadn.com.vn) - Những lo ngại về mối đe dọa khủng bố mới đang nổi lên ở Afghanistan sau vụ một cô gái 10 tuổi tên Spozhmai bị ép thực hiện đánh bom tự sát nhằm vào một đồn cảnh sát ở Khanshin, tỉnh Helmand.
Mặc dù lực lượng Taliban đã triển khai phụ nữ thực hiện các vụ tấn công trong thời gian qua, nhưng đây là báo cáo đầu tiên cho thấy, nhóm khủng bố này sử dụng một bé gái, người được chuẩn bị chu đáo cho hành động “tử vì đạo”. Đây là tiến triển mới nhất trong lịch sử lâu dài của việc sử dụng trẻ em để tấn công khủng bố của Taliban.
Tuyển dụng các trẻ em gái
Theo cảnh sát Afghanistan, cô bé Spozhmai bị bắt khi đang tìm cách thực hiện đánh bom tự sát với vũ khí là chiếc áo khoác nhét đầy thuốc nổ.
Trong buổi họp báo ngày 6-1 ở Lashkar Gah, tỉnh Helmand, Spozhmai cho biết, cô bị anh trai ép mặc chiếc áo khoác này và ra lệnh kích hoạt khối thuốc nổ trên người tại một chốt kiểm tra cảnh sát.
Cô bé cho biết: “Anh trai cháu bảo mặc áo khoác màu đen, đi tới chốt kiểm tra của cảnh sát và nhấn nút. Nhưng khi đi qua một con sông, cháu quyết định bỏ lại chiếc áo đó. Anh trai cháu bỏ chạy và cảnh sát bắt cháu”. Cô bé là em gái của một chỉ huy Taliban. Đây không phải là điều bất ngờ. Thực tế, nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan tuyển dụng các thành viên trong cùng một gia đình.
Theo nghiên cứu trong năm qua của giáo sư Mia Bloom và John Horgan thuộc Đại học Massachusetts Lowell về việc sử dụng trẻ em cho hoạt động khủng bố ở Pakistan, trong hầu hết các trường hợp, các tân binh trẻ em thực sự không biết gì về những gì họ được yêu cầu làm.
Nếu đứa trẻ do dự, kẻ tuyển dụng sẽ cho chúng sử dụng ma túy để có thêm can đảm thực hiện tấn công. Một số trẻ thay đổi suy nghĩ vào phút cuối và được đưa vào Sabaoon, một cơ sở khôi phục tư tưởng cho các chiến binh trẻ em từng được tuyển chọn bởi những người thân hoạt động trong Taliban.
Lừa trẻ em thực hiện tấn công liều chết không phải là một chiến thuật mới. Vào tháng 6-2007, tại tỉnh Ghazni, miền nam Afghanistan, Taliban thất bại trong việc lừa một cậu bé 6 tuổi, Juma Gul, trở thành một kẻ đánh bom tự sát. Mặc chiếc áo chứa đầy thuốc nổ vào người cậu bé, Taliban liên tục nói với cậu rằng, “hoa và thức ăn sẽ xuất hiện một khi cậu nhấn nút”. Đi về phía mục tiêu, Juma do dự. Cuối cùng, cậu bé quyết định không nhấn nút mà gọi sự giúp đỡ từ những binh sĩ Quân đội Quốc gia Afghanistan gần đó. Các thiết bị trên cơ thể cậu bé sau đó được vô hiệu hóa.
Vụ việc là một bước ngoặt. Sau vụ việc, Abdul Deciwal, người đứng đầu ngôi làng Athul, nơi Juma sống, đưa cậu bé và anh trai gặp các già làng. Họ hết sức phẫn nộ chiến thuật này của Taliban và bắt đầu hợp tác với các lực lượng NATO chống lại nhóm khủng bố này.
Cô bé Spozhmai bị bắt khi chuẩn bị thực hiện vụ đánh bom liều chết. Ảnh: AP |
Lời chối tội của Taliban
Tuy nhiên, Juma Gul, phát ngôn viên Taliban Qari Yousef Ahmadi phủ nhận việc nhóm này sử dụng trẻ em để tấn công, với lời biện minh rằng, Taliban có hàng trăm người lớn sẵn sàng cho nhiệm vụ tự sát. “Chúng tôi không cần phải sử dụng một đứa trẻ. Điều này chống lại luật Hồi giáo, chống lại luật nhân đạo. Đây chỉ là những lời tuyên truyền nhằm bôi nhọ Taliban”, Ahmadi nói.
Lời lẽ của ông hoàn toàn mâu thuẫn với những gì Taliban đã làm. Trong các tài liệu được thu giữ tại khu nhà ở Abbottabad, Pakistan, nơi trùm khủng bố Osama bin Laden sống, “hầu hết công việc ở Afghanistan quay sang mục tiêu thu hút và chuẩn bị lực lượng trẻ”. Gần đây hơn, vào tháng 11, các phương tiện truyền thông đưa tin, cảnh sát Afghanistan bắt giữ một kẻ đánh bom 12 tuổi ở quận Panjwai Kandahar. Cô bé bị cáo buộc mặc một áo gi-lê chứa đầy chất nổ trên đường đến trường nữ sinh địa phương.
Bảo vệ trẻ em
Khi những đứa trẻ bị buộc phải hành động khủng bố, chúng trở thành nạn nhân vô tội.
Điều này không chỉ xảy ra tại quốc gia của họ: những nỗ lực biến trẻ em và thanh thiếu niên trở thành thế hệ chiến binh trong tương lai cũng được phát hiện trong cộng đồng hải ngoại tại Mỹ và Anh.
Có lẽ là trường hợp nổi tiếng trong thời gian gần đây là sự biến mất của 17 thanh thiếu niên người Mỹ gốc Somali ở Minneapolis. Ông Jonathan Evans, cựu Tổng Giám đốc Cơ quan An ninh Anh (MI5) cảnh báo, Al-Qaeda nhắm mục tiêu những đối tượng thanh thiếu niên dễ bị tổn thương trong cộng đồng và biến họ thành những tân binh khủng bố. Theo ông Evans, cần thiết phải bảo vệ trẻ em ở khắp mọi nơi tránh tiếp xúc với chủ nghĩa cực đoan bạo lực.
Gia đình và cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ trẻ em khỏi bị tổn thương bởi nanh vuốt của những kẻ cực đoan bạo lực. Những nỗ lực này không thể chỉ được giới hạn trong các biện pháp chống khủng bố hiện nay. Đây là một thách thức trong việc bảo vệ trẻ em.
An Bình
(Theo CNN)