Báo Công An Đà Nẵng

Lừa bán phụ nữ sang Trung Quốc

Thứ sáu, 02/05/2014 11:03

* Kỳ 1: Những thủ đoạn của bọn buôn người

(Cadn.com.vn) - Thời gian qua, lợi dụng sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin của phụ nữ người Mông ở 2 xã Hòa Phong, Cư Pui (H. Krông Bông, Đắc Lắc), kẻ gian sử dụng nhiều chiêu trò để dụ dỗ, lừa bán sang Trung Quốc. Thủ đoạn thường được bọn buôn người sử dụng là lân la làm quen, sau đó ngỏ lời yêu, xin cưới, hoặc số khác gọi điện hứa hẹn đưa sang Trung Quốc làm việc nhiều đãi ngộ. Khi “con mồi” đã “cắn câu”, các đối tượng đưa sang Trung Quốc bán. Không chịu được cuộc sống khổ sai, các nạn nhân phải tìm đủ cách để trốn khỏi “địa ngục”.

Lừa cưới rồi bán

* Theo ông Nguyễn Văn Tâm - Chủ tịch UBND xã Cư Pui, tại địa phương, tình trạng phụ nữ người Mông bị lừa bán sang Trung Quốc xảy ra từ cuối năm 2013, đầu năm 2014. Sau khi xảy ra tình trạng này, UBND xã đã nhiều lần họp dân, khuyến cáo bà con đề cao cảnh giác, tránh bị lừa.

* Trưởng CAX Cư Pui Y Lăl Mlô cho biết, phụ nữ người Mông có tập tục theo chồng. Khi con gái người Mông phải lòng ai đó, họ thường đi theo và kẻ gian đã lợi dụng tập tục này để dụ dỗ, lừa bán.

Vừa qua, tại 2 xã Hòa Phong và Cư Pui (H. Krông Bông) có 3 phụ nữ người Mông đã trốn về nhà sau khi bị kẻ xấu lừa bán sang Trung Quốc, đó là Đào Thị Ph. (trú thôn Ea Noh Prông, xã Hòa Phong), Giàng Thị D. (1995, trú thôn Cư Tê) và Lý Thị D. (1976, thôn Cư Rang, cùng xã Cư Pui, H. Krông Bông). Được tin các nạn nhân trốn được về quê, chúng tôi tìm đến để nắm tình hình.

Những ngày cuối tháng 4, trời Tây Nguyên nắng gắt, con đường dẫn vào thôn Ea Noh Prông mịt mù bụi đỏ. Ngôi nhà Đào Thị Ph. nằm cheo leo giữa bản làng xa xôi, heo hút. Ngồi trong nhà, Ph. khá rụt rè, kín tiếng do “bị ám ảnh bởi chuyện cũ”. “Chuyện cũ” mà Ph. nói đến là chuyện chị bị kẻ gian dụ dỗ lừa bán sang Trung Quốc. Chị Ph. kể, vào nửa cuối tháng 2-2014, một người đàn ông tự xưng tên Trinh (trú tỉnh Đắc Nông, hiện gia đình đang làm ăn bên Trung Quốc, rất giàu có) nhắn tin tán tỉnh Ph. Những dòng tin nhắn mùi mẫn, tình cảm khiến cô gái ở tuổi cặp kê xiêu lòng. Sau 2 ngày làm quen qua điện thoại, Trinh ngỏ lời muốn lấy Ph. làm vợ và cô chấp nhận. Hai người hẹn gặp nhau ở con đường cái trong buôn Ea Noh Prông để bàn bạc cụ thể chuyện cưới xin.

“Tại nơi hẹn, Trinh nói muốn dẫn em về nhà Trinh làm lễ cưới. Sau đó, Trinh bảo em về nhà mình chuẩn bị đồ, hôm sau sẽ xuất phát. Anh ấy dặn em không cho bố mẹ biết chuyện. Anh ấy còn nói khi đi chỉ mang giấy chứng minh, ngoài ra không được mang gì hết, kể cả đồ đạc, tư trang. Em hỏi không mang áo quần đi thì lấy gì dùng. Trinh nói thiếu gì anh mua cho” - Ph. nhớ lại. 10 giờ hôm sau, Ph. ra điểm hẹn chờ “chồng tương lai” đến đón. Trinh đến, cả hai bắt xe buýt lên Sân bay Buôn Ma Thuột, sau đó bay ra Hà Nội. Từ Hà Nội, cả hai bắt xe ra Lào Cai. Suốt cả chuyến đi dài, Trinh cứ “gieo” vào đầu Ph. viễn cảnh cuộc sống “vợ chồng hạnh phúc, con đàn cháu đống” làm Ph. quên đi sự mệt nhọc, quên cả gia đình, chị em ở nhà. Trinh còn chủ động “trấn an” tinh thần Ph. khi đề nghị em gọi điện thông báo cho người thân mấy câu: “Đã đi lấy chồng giàu, gia đình yên tâm. Không phải lo lắng”. Sau đó điện thoại Ph. tắt hẳn.

Sau khi làm xong “công tác tư tưởng” cho “vợ sắp cưới”, Trinh gọi điện cho bạn đưa qua biên giới. Qua bên đó, Trinh tiếp tục gọi điện cho 2 người Trung Quốc đến. Cuộc mua bán diễn ra tại một khu chợ nhỏ. Trinh bảo Ph. lên xe đi với họ. “Lúc này em nghĩ mình theo 2 người này để về nhà Trinh ra mắt gia đình trước, còn Trinh sẽ về sau. Thế nhưng từ đó em không gặp Trinh nữa. Em chỉ biết mình bị bán khi 2 người này tiếp tục bán em cho một cặp vợ chồng người Trung Quốc. Cặp vợ chồng này nói 2 người đàn ông kia đã bán em cho họ rồi, bảo em ở trong nhà, không được đi đâu hết. Họ còn dọa sẽ trừng trị nếu em bỏ đi” - Ph. kể lại.

Em Đào Thị Ph. kể lại chuyện mình bị lừa bán sang Trung Quốc.

Cũng như Đào Thị Ph., em Giàng Thị D. bị kẻ gian lừa bán sang Trung Quốc với thủ đoạn tương tự. Vào giữa tháng 2-2014, D. trốn về nhà sau nhiều tháng bị kẻ gian lừa bán. D. kể, em có quen biết một thanh niên tên Vàng A Va (ở Đắc Nông) qua điện thoại. Sau một thời gian, Va đến nhà D. chơi. Tháng 11-2013, biết D. sắp lấy chồng, Va đến nhà, nói muốn đưa D. ra Bắc cùng nên duyên vợ chồng rồi rủ D. cùng mình trốn đi. Cả hai bắt xe lên Bến xe Đắc Lắc, sau đó liên tục chuyển qua 17 chuyến xe khác nhau để đến Lào Cai rồi tiếp tục hành trình qua Trung Quốc. Tại đây, D. bị bán sang tay 4 lần. Người cuối cùng mua D. là người đàn ông tên Chà (khoảng 25 tuổi). Người đàn ông này lấy D. làm vợ và cuộc sống khốn khổ nơi đất khách của D. cũng bắt đầu từ đó.

Sau khi bị kẻ gian lừa bán, em Giàng Thị D. trốn về nhà, phụ bố mẹ làm nương rẫy,
không dám nghe điện thoại người lạ nữa.

“Thiên đường” vẽ

Chị Lý Thị D. (1976) mất chồng, sống với 4 đứa con tại thôn Cư Rang, xã Cư Pui. Vào đầu tháng 2-2014, chị D. nhận được cuộc điện thoại của một người đàn ông chưa rõ lai lịch, hỏi có muốn “đi Trung Quốc lao động không, nếu đi thì đi với chúng tôi”. “Tôi nghĩ qua đó làm thu nhập sẽ cao, sẽ kiếm được nhiều tiền gửi về nuôi con nên quyết định đi dù không biết người này là ai” - chị D. nói. Người này còn dặn chị D. khi đi không cần mang theo hành lý, quần áo và sẽ có người đến đón. Hôm sau, chị D. ra đầu thôn như lời hẹn, sau đó được một người đưa lên Bến xe Đắc Lắc rồi 2 người tiếp tục bắt xe đi qua nhiều tỉnh, thành phố rồi mới đến được Trung Quốc.

Quá trình đi, chị D. không hỏi đi đâu và cũng không ai nói cho chị biết. Đến Trung Quốc, chị D. bị bán cho 2 người đàn ông. Những người này tiếp tục bán chị cho một người đàn ông Trung Quốc tên Sợ (khoảng 40 tuổi). “Sau khi mua tôi, người này lấy tôi làm vợ, bắt ở nhà làm việc, những lúc làm rẫy thì mang tôi đi theo để làm cùng. Khi biết bị lừa bán, tôi rất uất hận nhưng không làm gì được. Suốt đêm ngủ cứ nhớ về con, nhớ làng bản” - chị D. nhớ lại.

Hữu Phúc
(còn nữa)