Lựa chọn sống còn
(Cadn.com.vn) - Ngày 16-7 (giờ Việt Nam), Quốc hội Hy Lạp bỏ phiếu thông qua các biện pháp thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt theo yêu cầu của các chủ nợ, chính thức mở đường cho các cuộc đàm phán về gói cứu trợ tài chính trị giá gần 90 tỷ EUR nhằm giữ chân Hy Lạp ở lại Khu vực sử dụng đồng EUR (Eurozone).
Theo Reuters, thỏa thuận được thông qua với 229 phiếu thuận, 64 phiếu chống và 6 phiếu trắng, trong Quốc hội 300 ghế. Giới chuyên gia nhận định, thỏa thuận được thông qua cũng nhờ nỗ lực không mệt mỏi của Thủ tướng Alexis Tsipras, người đã phải viện đến sự hỗ trợ của các đảng đối lập vốn ủng hộ Châu Âu trong phiên bỏ phiếu lần này để cứu đất nước khỏi nguy cơ phá sản và rời Eurozone. Ông Tsipras cho biết, không có gì có thể thay thế cho gói cứu trợ lần này.
Dù thừa nhận chính nó sẽ “gây ra nhiều khó khăn hơn nữa”, nhưng ông vẫn kiên quyết giữ vững quyết định của mình. “Tôi là người cuối cùng không thể trốn tránh trách nhiệm này”, ông Tsipras nói trước Quốc hội. Thật sự, đảng Syriza cầm quyền của Thủ tướng Tsipras đã thông qua dự luật trên nhờ sự ủng hộ của những đảng đối lập có quan điểm ủng hộ Châu Âu, trong khi một số nghị sĩ trong chính quyền, kể cả cựu Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis, đã bỏ phiếu chống.
Theo thỏa thuận đạt được với Eurozone hôm 13-7, để được nhận gói tài trợ thứ 3 trị giá 86 tỷ EUR (96 tỷ USD), Hy Lạp phải chấp nhận cải cách, bao gồm cả việc điều chỉnh đáng kể về luật lao động, lương hưu, tăng thuế giá trị gia tăng, đại tu hệ thống chính trị, các biện pháp tự do hóa nền kinh tế và thắt chặt giới hạn về chi tiêu công. Athens cũng đồng ý đóng băng gói tài sản công trị giá 50 tỷ EUR trong một quỹ tư nhân đặc biệt để hoạt động như tài sản thế chấp về thỏa thuận này.
Các biện pháp này bị những người phản đối gọi là chính sách “diệt chủng xã hội”. Đã xảy ra đụng độ bạo lực giữa người biểu tình và cảnh sát bên ngoài Tòa nhà Quốc hội khi các nghị sĩ bắt đầu bỏ phiếu. Trong đó, những người biểu tình phản đối chính sách khắc khổ ném hàng chục quả bom xăng vào lực lượng cảnh sát. Cảnh sát đáp trả bằng đạn hơi cay khiến hàng trăm người bỏ chạy tại Quảng trường trung tâm Syntagma. Đây là một trong những vụ bạo lực nghiêm trọng nhất trong vòng hơn 2 năm qua ở quốc gia Nam Âu này.
Rõ ràng, thỏa thuận lần này đã cứu Hy Lạp khỏi bị phá sản và nguy cơ rời khu vực Eurozone. Tuy nhiên, nó sẽ áp đặt thêm các biện pháp khắc khổ đối với đất nước vốn đã lún sâu vào khủng hoảng này. Trong khi chờ thỏa thuận cứu trợ ký kết hôm 13-7 được thực thi, Athens đang rất cần tiền cho các khoản thanh toán sắp tới, trong đó có việc trả 4,2 tỷ EUR (4,6 tỷ USD) cho Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) vào ngày 20-7 tới và 2 khoản nợ khác cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Và gánh nặng chắc chắn lại đè lên đầu người dân nước này.
Thanh Văn