Báo Công An Đà Nẵng

Lừa đảo từ “kẽ hở” của ứng dụng Smart Banking

Thứ sáu, 06/03/2020 16:45

Ngày 5-3, Cơ quan CSĐT CAQ Hải Châu cho biết đang thụ lý giải quyết tin báo tội phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua giao dịch của Ngân hàng ACB bằng ứng dụng Smart Banking trên điện thoại thông minh. Qua xác minh, Công an xác định thủ đoạn của người vi phạm là mở tài khoản Ngân hàng ACB và đăng ký Smart Banking rồi lợi dụng chính sách của ngân hàng thực hiện hành vi lừa đảo.

Kẻ gian thực hiện thành công giao dịch “Chuyển sau” trên ứng dụng Smart Banking của Ngân hàng ACB (ảnh 1), sau đó “hô biến” thành giao dịch “Chuyển ngay” bằng phần mềm trong tích tắc (ảnh 2).

Cụ thể, người vi phạm thực hiện đăng nhập tài khoản Ngân hàng ACB bằng ứng dụng Smart Banking trên điện thoại thông minh, sau đó thực hiện thao tác chuyển tiền với hình thức “Chuyển sau”. Lúc này, hệ thống của ACB sẽ nhắn tin báo mã OTP để xác thực giao dịch và người vi phạm xác nhận mã này để thực hiện giao dịch chuyển tiền cho tài khoản của người khác dù số tiền trong tài khoản không đủ để thực hiện giao dịch đó.

Qua kiểm tra, tại thời điểm đó, giao dịch này thực tế chưa thành công, mà chỉ thành công khi có đủ số tiền cần chuyển trong tài khoản của người chuyển vào thời điểm đã hẹn. Nếu đến thời điểm đã hẹn mà tài khoản của người chuyển không đủ số tiền cần chuyển thì giao dịch này sẽ tự hủy trên hệ thống của ngân hàng ACB. Tuy nhiên, trên màn hình ứng dụng Smart Banking của Ngân hàng ACB vẫn thông báo nội dung “Giao dịch thành công” với đầy đủ nội dung của một giao dịch “Chuyển ngay” bao gồm bên chuyển, bên nhận, số tiền…

Sau đó, người vi phạm chụp ảnh màn hình điện thoại có nội dung giao dịch thành công của giao dịch “Chuyển sau” này rồi thực hiện việc cắt ghép ảnh có nội dung “Chuyển ngay” của giao dịch khác đã thành công trước đó dán chồng lên phần có nội dung “Chuyển sau” trên thành ảnh chụp giao dịch vừa thực hiện (hoặc có thể không cần thực hiện việc này) rồi gửi ảnh đó cho người nhận. Ngoài ra, người vi phạm còn chụp ảnh màn hình điện thoại có thông báo mã OTP mà ngân hàng gửi khi thực hiện giao dịch “Chuyển sau” nêu trên cũng như chỉnh sửa, cắt ghép để tạo ra tin nhắn có nội dung giả mạo thông báo trừ tiền trong tài khoản từ Ngân hàng ACB rồi gửi ảnh đó cho người nhận. Khi nhận được các ảnh này, người nhận sẽ nhầm tưởng rằng giao dịch chuyển tiền này đã thành công, tiền sẽ được chuyển vào tài khoản của mình, nhưng thực tế giao dịch này chưa thực hiện, từ đó người vi phạm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Điển hình, anh Trần X.H (1995), có đăng bán 1 chiếc điện thoại iphone 7 plus qua mạng xã hội facebook. Đến chiều 19-2, anh nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ hỏi mua máy. Hai bên hẹn gặp nhau để xem điện thoại tại 1 quán cà-phê trên đường Tạ Hiện, Hải Châu, Đà Nẵng. “Thuận mua vừa bán”, hai bên thống nhất mua bán với giá 6,5 triệu đồng và thanh toán bằng hình thức chuyển khoản vì người mua không mang theo tiền mặt.

Sau một lúc thao tác trên điện thoại, người đó gửi hình chụp màn hình của người đó xác nhận đã chuyển tiền thành công. Mặc dù số tiền giao dịch chưa vào tài khoản ngân hàng, chưa có SMS thông báo nhận tiền nhưng vì tin tưởng và nghĩ rằng do lỗi hệ thống khi giao dịch liên ngân hàng nên anh X.H đồng ý để người đó cầm điện thoại đi. Đến tối cùng ngày, anh H. nhận được tin nhắn qua zalo của vị khách cũ với tên “Na Béo” với nội dung điện thoại không nhận thẻ sim, yêu cầu kiểm tra. Sau một lúc nói chuyện, chị Na Béo hỏi mua chiếc iphone Xs max của anh X.H đang sử dụng và được đồng ý bán.

Ngay trong đêm, 2 người hẹn gặp nhau ở quán cà-phê trên đường Tôn Đức Thắng. Cũng như trước đó, anh H. bị chị Na Béo lừa mất chiếc điện thoại trị giá hơn 14 triệu đồng và cao chạy xa bay.

Hay như trường hợp của anh Nguyễn.T.H.H (2000, trú Q. Hải Châu) bị lừa mất 8 chiếc điện thoại, trị giá hơn 76 triệu đồng. Theo đơn trình báo, lúc 9 giờ 30 ngày 12-2, anh H.H nhận được đơn đặt hàng mua 2 chiếc điện thoại Iphone Xs max và Iphone X trị giá 21.800.000 đồng qua facebook. Cả hai gặp nhau và thống nhất thực hiện phương thức thanh toán bằng cách chuyển khoản qua Smart Banking của Ngân hàng ACB. Mặc dù đã nhận được ảnh xác thực giao dịch thành công nhưng ngày hôm sau vẫn chưa thấy tiền về tài khoản của mình. Nghĩ bị lỗi hệ thống ngân hàng nên anh H.H không nghi ngờ gì.

Đến tối 15-2, cũng tài khoản trên tiếp tục đặt mua thêm 6 chiếc điện thoại iphone các loại trị giá gần 55 triệu đồng. Bằng phương thức thanh toán qua chuyển khoản của ngân hàng ACB, anh H.H tiếp tục bị dính thêm một quả lừa nữa. Sau nhiều lần hẹn gặp người phụ nữ kia bất thành, anh X.H làm đơn trình báo lên cơ quan Công an.

Cơ quan CSĐT CAQ Hải Châu đã thông báo cho Ngân hàng ACB biết và có biện pháp khắc phục. Đồng thời, thông báo ai từng là nạn nhân bị lừa đảo cũng với thủ đoạn trên thì liên hệ Đội Điều tra tổng hợp CAQ Hải Châu (số 16- Phan Đình Phùng, Đà Nẵng); hoặc liên hệ ĐTV theo SĐT: 0694260372 hoặc DĐ: 0948300989, email: nguyenanhdung.3009@gmail.com.

MAI VINH