Lừa góp vốn mua đất, cựu chủ tịch phường chiếm đoạt gần 30 tỷ đồng
Từng có thời gian dài công tác tại các vị trí Đội trưởng Đội QLTTĐT TX Cửa Lò; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Nghi Hòa, Lê Văn Bình (1970, trú P. Nghi Hòa) được người dân tin tưởng. Thế nhưng, thay vì làm một công chức lương thiện thì Bình lại nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo nội dung vụ án, do cần tiền để trả nợ và tiêu xài cá nhân nên trong thời gian từ tháng 9-2019 đến tháng 4-2021, Lê Văn Bình đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối như: Kêu gọi các bị hại góp tiền mua đất nhưng không mua; thửa đất đó đã kêu gọi người khác góp vốn, đã bán nhưng vẫn tiếp tục kêu gọi bị hại góp vốn; thửa đất đã bán cho người khác nhưng vẫn kêu gọi góp vốn mua đất để chiếm đoạt tiền của 9 bị hại trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, TP HCM.
Cụ thể, thông qua các mối quan hệ, anh Nguyễn Tấn H. (1989, trú tại TP HCM) có ý định đầu tư bất động sản nên được giới thiệu gặp Lê Văn Bình. Đầu tháng 9-2019, Lê Văn Bình kêu gọi anh H. và bạn anh H. góp tiền với Bình mua thửa đất tại phường Nghi Hòa có trị giá 4,4 tỷ đồng theo tỷ lệ, Bình góp 50%, anh H. 25% và bạn anh H. góp 25%. Từ ngày 23 đến 25-9-2019, anh H. chuyển đủ số tiền 2,2 tỷ đồng để góp vốn cho Bình. tuy nhiên, trên thực tế, thửa đất này Bình đã mua của người này và đã bán lại cho nhiều người khác nhau trước khi kêu gọi ông H. và bạn ông H. góp vốn.
Nhận thấy sau khi lừa mà ông H. và bạn không biết nên Bình tiếp tục nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản. Cuối tháng 9-2019, Bình tiếp tục kêu gọi hai người này góp vốn chung để mua một mảnh đất khác với giá hơn 7,3 tỷ đồng. anh H. và bạn góp vốn số tiền hơn 6,7 tỷ đồng. Sau khi tách thửa, 3 người này đã thống nhất bán 4 thửa đất này với số tiền 5,9 tỷ rồi chia theo tỉ lệ góp vốn. Từ tháng 8-2020 đến tháng 10-2021, cả 3 người trao đổi việc bán các thửa đất còn lại thì Bình thông tin vì dịch Covid nên không ai mua. Sau khi tìm được khách mua đất và tìm đến văn phòng công chứng thì anh H. mới hay biết thông tin Bình đã bán các thửa đất còn lại vào tháng 4-2-2020. Tổng số tiền anh H. và bạn góp vốn chung tiền với Bình là hơn 8,9 tỷ đồng. Hiện Bình đã trả lại cho hai bị hại này 4,1 tỷ đồng.
Tổng số tiền Lê Văn Bình chiếm đoạt của 9 bị hại là hơn 29,5 tỷ đồng. Trong đó, người bị chiếm đoạt nhiều nhất là hơn 8 tỷ đồng, người ít nhất là gần 700 triệu đồng. Số tiền chiếm đoạt Bình dùng để trả nợ, trả một phần cho các bị hại, cọc tiền mua đất, đổi tiền mặt. Tuy nhiên khi chuyển trả nợ, cọc tiền mua đất thì Bình không nói cho họ biết nguồn tiền đó là do Bình phạm tội mà có.
Mới đây, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Lê Văn Bình về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tại phiên tòa, bị cáo Lê Văn Bình thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Bị cáo Bình khai nhận, do bản thân vướng vào nợ nần nên đã đưa ra thông tin gian dối với bị hại nhằm lấy tiền mua thửa khác để kiếm lời.
Bị cáo cho biết bản thân sau khi vỡ nợ đã bán hết tài sản, nhà cửa để khắc phục trả lại tiền cho các bị hại nhưng do số tiền lớn nên chưa thể trả hết. Bị cáo xin các bị hại chỉ khắc phục phần tiền nợ gốc chứ không thể khắc phục khoản tiền lãi suất. Đồng thời xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo sớm được trở về với cộng đồng để làm việc trả tiền cho các bị hại. Tại phiên tòa, hầu hết các bị hại đã xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Bị cáo Lê Văn Bình khai nhận đã đưa ra thông tin sai lệch về các thửa đất với mục đích lừa các bị hại. Sau khi nhận tiền các bị hại góp vốn, Bình có mua một số thửa đất nhưng hiện tại không còn thửa nào. Cũng theo lời khai của bị cáo, sau khi vỡ nợ, biết mình không có khả năng chi trả nên đã làm đơn xin nghỉ công việc nhà nước vì sợ ảnh hưởng đến chính quyền.
HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm, lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhiều lần, với số tiền lớn, cần có mức án nghiêm minh để răn đe và phòng ngừa chung. Xét toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Lê Văn Bình tù chung thân về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; buộc bị cáo trả lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại.
DƯƠNG HÓA