Báo Công An Đà Nẵng

Luận tội của kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự thể hiện quan điểm của Viện kiểm sát trong công tác thực hành quyền công tố

Thứ bảy, 15/04/2017 12:34

(Cadn.com.vn) - Trong một phiên tòa hình sự, phần luận tội của kiểm sát viên (KSV) thường được những người tham dự phiên tòa quan tâm theo dõi đặc biệt nhất. Luận tội của KSV chính là công cụ để Viện kiểm sát (VKS) thực hành quyền công tố nhà nước tại phiên tòa. Để bạn đọc có cái nhìn rõ hơn về bản luận tội, quá trình thực hiện luận tội của KSV, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phước Toán- Phó Viện trưởng VKSND Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng về vấn đề này.

Ông Nguyễn Phước Toán- Phó Viện trưởng VKSND Q. Thanh Khê.

P.V: Ông có thể cho bạn đọc biết bản luận tội được KSV trình bày vào giai đoạn nào trong quá trình xét xử và nó thể hiện điều gì?

Ông Nguyễn Phước Toán: Bản luận tội là khởi nguồn cho giai đoạn tranh tụng, luận tội được KSV trình bày sau khi kết thúc phần xét hỏi. Nội dung bản luận tội thể hiện quan điểm giải quyết của VKSND đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) kết tội bị cáo theo toàn bộ nội dung bản cáo trạng đã truy tố hay một phần nội dung bản cáo trạng kết luận về tội nhẹ hơn. Nói cách khác luận tội là một trong những hoạt động tranh luận của KSV tại phiên tòa nhằm thể hiện quan điểm của VKSND về vụ án hình sự, kết luận về nội dung, tính chất của hành vi phạm tội, hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, vai trò của từng bị cáo trong vụ án, thân nhân, các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ, nguyên nhân điều kiện phạm tội, trên cơ sở trình bày, phân tích các căn cứ kết tội, gỡ tội để đề nghị hướng xử lý.

P.V: Bản luận tội của KSV cần phải đảm bảo những yêu cầu gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Phước Toán: Theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung quy định riêng về luận tội của KSV tại Điều 321 gồm có 4 khoản: Khoản 1 Điều 321 giữ nguyên một phần nội dung được tách ra từ khoản 1 Điều 217 BLTTHS năm 2003 để quy định về những căn cứ để xây dựng bản luận tội của KSV; khoản 2, khoản 3, khoản 4 quy định cụ thể về nội dung luận tội, lời đề nghị kết tội và kiến nghị các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật qua vụ án. Theo đó, nội dung bản luận tội của KSV cần phải đảm bảo những yêu cầu: Thứ nhất: Phải căn cứ vào những tài liệu chứng cứ, tài liệu, đồ vật đã được kiểm tra tại phiên tòa và ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa. Thứ hai: Phải phân tích đánh giá khách quan, toàn diện đầy đủ những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội; tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; nhân thân và vai trò của bị cáo trong vụ án; tội danh, hình phạt, áp dụng điểm, khoản, điều của BLHS, mức bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng, biện pháp tư pháp; nguyên nhân, điều kiện phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án. Thứ 3: Đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung cáo trạng hoặc kết luận về tội nhẹ hơn; đề nghị mức hình phạt chính, hình phạt bổ sung, biện pháp tư pháp, trách nhiệm bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng. Thứ tư: Kiến nghị các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật...

P.V: Ông có thể cho biết, để phần luận tội có tính thuyết phục cao, KSV cần thực hiện như thế nào? Hiện nay, VKSND Q.Thanh Khê đã có những giải pháp nào để KSV nâng cao chất lượng tranh tụng, luận tội tại các phiên tòa?

Ông Nguyễn Phước Toán: Trước hết, KSV phải chú ý đến cách trình bày của mình cần rõ ràng, rành mạch, chuẩn các thuật ngữ pháp lý, nội dung đi đúng trọng tâm, phân tích đánh giá chứng cứ, không bỏ sót chứng cứ quan trọng. Phân tích rõ nguyên nhân, điều kiện phạm tội và tác hại do bị cáo hoặc hành vi phạm tội gây ra. Trong quá trình phân tích, KSV cần chú ý phân tích những chứng cứ mới được xem xét tại phiên tòa; lập luận có căn cứ pháp lý để bác bỏ những quan điểm không phù hợp. Bên cạnh đó, trong phần luận tội của mình KSVcần phải kết hợp giữa việc đưa ra lý lẽ, viện dẫn căn cứ pháp luật để bảo vệ quan điểm buộc tội. Đề nghị hình phạt phải dựa trên tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho phù hợp, thuyết phục và được những người tham dự phiên tòa đồng tình, HĐXX chấp nhận. Đặc biệt, quá trình luận tội nên dựa vào những chứng cứ xác đáng để trình bày, hạn chế đi theo một khuôn mẫu rồi đọc gây nhàm chán cho những người tham dự. KSV cũng cần thay đổi ngữ điệu phù hợp trong quá trình luận tội để bị cáo, những người tham gia tố tụng thấy được mức độ, tính chất của vụ việc...

Để không ngừng nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa hình sự, trong thời gian qua cùng với ngành Kiểm sát nhân dân TP Đà Nẵng, VKSND Q. Thanh Khê đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho từng cán bộ, KSV của đơn vị cũng như tăng cường thực hiện những phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp. Cùng nhau trao đổi nghiệp vụ trên tinh thần xây dựng, đồng thời mỗi cá nhân tự rèn luyện nỗ lực nhằm thực hiện tốt vai trò thực hành quyền công tố mà Nhà nước giao phó.

P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Trang Trần
(thực hiện)