Báo Công An Đà Nẵng

Luật sư đề nghị HĐXX xem xét lại tội danh tham ô với bị cáo Trương Mỹ Lan

Thứ tư, 20/03/2024 14:47

Luật sư Phan Trung Hoài bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng, nguyên nhân, bối cảnh hoàn cảnh xảy ra vụ án, theo cáo buộc của VKS cho rằng Trương Mỹ Lan thâu tóm luật sư cho rằng cần xem xét bị cáo tham gia tái cơ cấu SCB trong thời điểm cần phải hợp nhất 3 ngân hàng yếu kém, khi tham gia bị cáo có vai trò là cố vấn ban hợp nhất. Quá trình hợp nhất suốt 10 năm trải qua nhiều giai đoạn đạt được một số kết quả nhất định, có những khoản vay là để trả nợ cũ và dòng tiền không ra khỏi ngân hàng, theo luật sư thì không thể bóc tách các khoản vay nào là cho vay mới trả nợ cũ hay khoản vay mới hoàn toàn.

Bên cạnh đó, Luật sư Phan Trung Hoài cũng đề nghị HĐXX xem xét lại một số vấn đề, như: cần xem xét thỏa đáng hơn về hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bởi theo luật sư chỉ bao gồm một số công ty nhất định chừ không như cáo trạng cáo buộc lên đến 1000 công ty; đề nghị xem xét lại tội danh tham ô với bị cáo Trương Mỹ Lan; đề nghị xem xét lại việc xác định sở hữu của bị cáo tại SCB, nếu SCB bị thiệt hại thì chính bị cáo cũng là người bị thiệt hại. Về tính xác thực số tiền thiệt hại của vụ án cũng cần xem xét lại, các luật sư rất băn khoăn về thiệt hại này có phải là thiệt hại hay là dư nợ tín dụng tại SCB.

Bị cáo Trương Mỹ Lan bị VKS đề nghị mức án Tử hình

Theo cáo trạng, với vai trò Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, từ năm 2012 đến tháng 10-2022, bị cáo Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nắm giữ trên thực tế số lượng cổ phần gần tuyệt đối của SCB (từ 85% đến 91,5% cổ phần). Qua đó, bị cáo Lan trở thành cổ đông có "quyền lực" chỉ đạo, điều hành, thao túng toàn bộ hoạt động của SCB. Từ đó, bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm thực hiện nhiều hành vi tội phạm xâm phạm về sở hữu, xâm phạm hoạt động của ngân hàng, hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước. Trong đó nhiều tội phạm được thực hiện dưới dạng đồng phạm có tổ chức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Trong 10 năm, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các bị cáo là cán bộ chủ chốt tại SCB giải ngân cho nhóm công ty trong Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát hơn 2.500 khoản vay. Đến tháng 10-2022, nhóm này còn gần 1.300 khoản vay gây thiệt hại 677.000 dư nợ gốc và lãi. Tuy nhiên, trên cơ sở xem xét theo nguyên tắc có lợi cho các bị cáo, sau khi cấn trừ đi giá trị các tài sản đảm bảo, cơ quan công tố xác định bị cáo Lan đã chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng của SCB.

Trước đó, trong phiên xét xử ngày 19-3, VKS đã công bố bản luận tội và đề nghị mức án đối với bị cáo Trương Mỹ lan cùng 85 bị cáo đồng phạm. Đối với bị cáo Trương Mỹ Lan, VKS đề nghị mức án từ 19 đến 20 năm tù về tội: “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; 20 năm tù về tội: “Đưa hối lộ” và tử hình về tội: “Tham ô tài sản”. Tổng hợp hình phạt của 3 tội danh trên là: Tử hình.

Đối với các bị cáo nguyên là lãnh đạo tại SCB, như: Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT, đang bỏ trốn), Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT), Võ Tấn Hoàng Văn (cựu TGĐ) được xác định đã thực hiện hành vi phạm tội 2 lần trở lên, giúp sức cho bị cáo Trương Mỹ Lan gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn nên VKS đề nghị mức án: Chung thân.

Đối với bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước) bị truy tố tội: "Nhận hối lộ" theo khoản 4 điều 354 Bộ luật Hình sự với mức án tù Chung thân. T.H