Báo Công An Đà Nẵng

Lực lượng chủ công trên thị trường nội địa

Thứ năm, 29/06/2017 13:00

(Cadn.com.vn) - Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng đã không ngừng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, trở thành lực lượng chủ công trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa; góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng QLTT (3-7-1957 - 3-7-2017), P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Trần Phước Trí, Chi cục trưởng Chi cục QLTT thành phố về một số vấn đề có liên quan.

Ông Trần Phước Trí.

P.V: Ông có thể cho biết đôi nét về lịch sử hình thành và phát triển của lực lượng QLTT TP Đà Nẵng trong 60 năm qua?

Ông Trần Phước Trí: Cùng với sự ra đời của lực lượng QLTT trong cả nước (từ tổ chức Ban đến Ban Chỉ đạo và nay là Chi cục QLTT), sau khi tách đơn vị hành chính Quảng Nam - Đà Nẵng, Đà Nẵng trở thành TP trực thuộc Trung ương vào năm 1997, Chi cục QLTT TP cũng được thành lập theo Quyết định số 98/QĐ-UB ngày 9-1-1997 của UBND thành phố Đà Nẵng với chức năng nhiệm vụ thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát (KTKS) thị trường, chống buôn lậu; vận chuyển, kinh doanh hàng cấm; sản xuất và buôn bán hàng giả; vi phạm sở hữu công nghiệp; gian lận thương mại và các hành vi kinh doanh trái pháp luật khác.

Trải qua 60 năm hình thành và phát triển, đặc biệt trong 20 năm (1997-2017) qua, mặc dù nhiều lần thay đổi về cơ cấu tổ chức bộ máy, khó khăn về cơ sở vật chất cũng như thay đổi trụ sở làm việc nhưng lực lượng QLTT TP Đà Nẵng vẫn hoạt động và phát triển mạnh mẽ với tư cách là một cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về công nghiệp, thương mại tại địa phương và từng bước trưởng thành về mọi mặt, không ngừng đổi mới, ngày càng chính quy hiện đại, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao.

P.V: Những thuận lợi và khó khăn mà lực lượng QLTT thành phố phải đối mặt thời gian qua, thưa ông?

Ông Trần Phước Trí: Khi mới thành lập, Chi cục QLTT Đà Nẵng đã gặp không ít khó khăn về tổ chức cán bộ, hệ thống cơ sở vật chất trang bị làm việc thiếu thốn, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) còn non yếu. Trong tổng số CBCC lúc bấy giờ chỉ có 3 người có trình độ đại học, 35 người có trình độ trung học chuyên nghiệp, còn lại mới chỉ qua sơ cấp.

Trước thực trạng đó, cấp ủy và lãnh đạo Chi cục đã không ngừng nêu cao tính năng động và phát huy sự phấn đấu bền bỉ, khắc phục mọi khó khăn, phát động toàn thể CBCC toàn Chi cục quyết tâm thi đua vừa học, vừa làm, tự giác học tập nghiên cứu, trau dồi năng lực chuyên môn nghiệp vụ để triển khai hoạt động công vụ được tốt hơn. Đảng ủy và lãnh đạo Chi cục đã tập trung quan tâm đến việc đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho CBCC, đã phối hợp với các Trường trung học chuyên nghiệp trên địa bàn thành phố để cử theo học các lớp đào tạo trung học, cao đẳng, đại học chuyên ngành, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ CBCC tự học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ. Song song đó, bằng các hình thức tập huấn, bồi dưỡng,... Chi cục thường xuyên quan tâm đến việc bồi dưỡng nâng cao kiến thức về áp dụng văn bản pháp luật, hướng dẫn quy trình KTKS thị trường... để qua đó từng bước nâng cao năng lực công tác cho đội ngũ công chức, kiểm soát viên (CCKSV) qua các năm sau này.

Đến thời điểm hiện nay, với tổng số 142 CCKSV, HĐLĐ trong đó có: 5 người đạt trình độ Thạc sĩ, 116 người có trình độ Đại học - Cao đẳng, 4 KSV chính thị trường, 55 KSV thị trường và 11 KSV trung cấp.

Về tổ chức bộ máy của Chi cục từng bước cũng được thay đổi, kiện toàn. Lúc đầu thành lập, Chi cục QLTT Đà Nẵng chỉ có 4 Đội QLTT trực thuộc là: Đội QLTT cơ động chống buôn lậu, 2 Đội QLTT liên quận, huyện; 1 Đội QLTT chống hàng giả và kiểm tra các hoạt động kinh doanh có yếu tố nước ngoài và 2 phòng gồm Nghiệp vụ - Tổng hợp và Tổ chức - Hành chính. Đến nay, ngoài 3 phòng chức năng tham mưu của Chi cục là Phòng Tổ chức - Hành chính, Phòng Nghiệp vụ - Tổng Hợp và Phòng Thanh tra - Pháp chế, Chi cục QLTT Đà Nẵng đã thành lập được 10 Đội QLTT trực thuộc trong đó có 1 Đội QLTT Chống buôn lậu, 1 Đội QLTT Chống hàng giả; 1 Đội QLTT cơ động và  7 Đội QLTT quản lý địa bàn cụ thể theo đơn vị hành chính (6 quận, 1 huyện) của thành phố Đà Nẵng...

Nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, của Sở Công Thương, sự quan tâm hỗ trợ phối hợp của các đơn vị chức năng thành phố và nhất là sự đầu tư đúng hướng về cơ sở vật chất và tổ chức bộ máy CBCC, trong những năm trở lại đây lực lượng QLTT Đà Nẵng từng bước được hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, đã góp phần vào việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về thương mại - công nghiệp - dịch vụ, đảm bảo ổn định và phát triển thị trường, phục vụ tốt chương trình phát triển kinh tế - xã hội của toàn thành phố.

Tập thể lãnh đạo, CBCC Chi cục QLTT thành phố Đà Nẵng.

P.V: Một số kết quả nổi bật mà lực lượng QLTT thành phố đạt được trong thời gian gần đây, thưa ông?

Ông Trần Phước Trí: Trong 5 năm trở lại đây (2012-2017), Chi cục QLTT thành phố đã tiến hành kiểm tra 32.605 vụ việc, trong đó tiến hành xử lý 25.941 vụ, tổng số tiền thu xử phạt nộp ngân sách hơn 71 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm 2017, Chi cục QLTT đã tiến hành 5.268 vụ kiểm tra, xử lý tổng cộng 4.376 vụ; thu hơn 11,7 tỷ đồng, đạt gần 70% chỉ tiêu kế hoạch được giao năm 2017 (trong đó, thu xử phạt gần 11,3 tỷ đồng, thu bán hàng tịch thu hơn 451 triệu đồng).

P.V: Thời gian tới, lực lượng QLTT thành phố cần phải làm gì và làm như thế nào để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thưa ông?

Ông Trần Phước Trí: Trong những năm tới, Chi cục QLTT thành phố Đà Nẵng vẫn xác định và phấn đấu quyết tâm thực hiện tốt ba nhiệm vụ trọng tâm hàng năm, cụ thể là: Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát bình ổn thị trường, đặc biệt là các thời điểm diễn ra các sự kiện, lễ, hội trên địa bàn thành phố; tham mưu giúp việc Ban chỉ đạo 389 thành phố và tích cực tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân và người tiêu dùng trên địa bàn, nhất là pháp luật về thương mại và công nghiệp.

Ngoài ra, công tác đào tạo và nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, công tác giáo dục, bồi dưỡng về chính trị, rèn luyện đạo đức phẩm chất, lối sống đối với đội ngũ CCKSV, HĐLĐ sẽ tiếp tục được quan tâm sâu sát và ngày càng nâng cao chất lượng để đảm bảo thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.

P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

D.HÙNG