Lực lượng Công an sẵn sàng các phương án phòng chống bão Noru
Chủ động giúp đỡ nhân dân từ sớm
Ngay trong đêm 25 và cả ngày 26-9, Công an nhiều đơn vị, phường, xã tại Đà Nẵng đã triển khai công tác ứng phó với bão Noru, không quản ngại mưa gió, thời gian, xuyên đêm giúp đỡ nhân dân.
Ghi nhận trong đêm 25-9, tranh thủ thời điểm mưa chưa nặng hạt, hàng chục chiến sĩ của Phòng Cảnh sát Cơ động Công an TP Đà Nẵng đã có mặt ở bãi biển, khu vực nguy cơ cao phối hợp với Công an các phường Mân Thái, Thọ Quang, Phước Mỹ (Q. Sơn Trà) để giúp người dân chuyển ngư cụ, phương tiện đến nơi an toàn và chằng chống nhà cửa giúp người dân. Thượng tá Phan Minh Mẫn- Trưởng CAQ Sơn Trà có mặt trong đêm tại Âu thuyền Thọ Quang kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở ngư dân không chủ quan trong tất cả các tình huống khi bão số 4 ập đến. Dự kiến trong sáng nay (27-9), CAQ Sơn Trà sẽ phối hợp cùng chính quyền địa phương di dời 100% các hộ dân đến các nhà lưu trú bão.
Trước đó, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cùng phối hợp với các lực lượng liên quan tham gia tuyên truyền các tàu thuyền vào nơi tránh, trú bão an toàn và hướng dẫn ngư dân thực hiện các giải pháp, biện pháp, bố trí lực lượng thường trực PCCC khi neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại Âu thuyền Thọ Quang và vịnh Mân Quang, không để xảy ra tai nạn, cháy nổ. Lực lượng cũng yêu cầu di chuyển 24 tàu kinh doanh xăng dầu ra khỏi Âu thuyền, bố trí nơi neo đậu riêng để hạn chế thiệt hại do bão gây ra. Thiếu tá Nguyễn Tuấn Anh- Đội trưởng Đội PCCC và CNCH trên sông cho biết, hiện nay có hơn 750 phương tiện tàu thuyền neo đậu tại Âu thuyền Thọ Quang cùng hàng trăm phương tiện khác neo đậu rải rác tại nhiều vị trí trên sông Hàn. Các thuyền kết nối lại với nhau nên công tác PCCC càng phải được coi trọng, nâng cao trong thời gian này nên Cảnh sát PCCC đã chủ động tuyên truyền, nhắc nhở các chủ tàu.
Theo chân cán bộ chến sĩ (CBCS) CAP Thuận Phước (Q. Hải Châu) đến hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, mới thấy được sự nhiệt tình, tâm huyết và trách nhiệm của CBCS CAP đối với người dân. Để ứng phó với cơn bão, Thiếu tá Lê Phi Minh- Phó trưởng CAP cho hay, ban chỉ huy đã yêu cầu Cảnh sát khu vực nắm tình hình các hộ dân trên địa bàn, khảo sát các nhà cấp 4, nhà tạm bợ để hỗ trợ. Hay tin nhà Mẹ VNAH Đặng Thị Nhượng (tổ 44, đường Xuân Tâm) chưa có người giúp gia cố nhà cửa, CAP đã nhanh chóng tự bỏ kinh phí để mua bao ni-lông, xúc cát chở đến chằng lên mái tôn. "Ngoài ra, CAP còn hỗ trợ cho gia đình của lực lượng dân phố, dân phòng địa phương để các bác yên tâm, có thêm thời gian cống hiến cùng với địa phương để giúp đỡ nhân dân vượt qua cơn bão", Thiếu tá Minh nói thêm.
Ông Võ Văn Hùng (trú tại hẻm 05/07, kiệt 2 đường Xuân Tâm), Bảo vệ dân phố P. Thuận Phước bày tỏ, qua thông tin đại chúng, người dân biết được cơn bão dự kiến sẽ rất mạnh khi đổ bộ vào Đà Nẵng nên ai cũng lo lắng. Sáng nay, lực lượng Công an đến tận nhà giúp đỡ, giúp thêm nhiều bao cát để chằng lên mái tôn nên cũng đỡ lo phần nào. "Cảm ơn lực lượng Công an đã hết lòng vì người dân của chúng tôi. Nếu bão vào, lực lượng an ninh ở cơ sở như chúng tôi cũng sẽ yên tâm phần nào để lo cho việc chung của địa phương, hỗ trợ bà con khác vì nhà mình đã kiên cố hơn rồi", ông Hùng nói.
Được biết, Công an các phường của Q. Hải Châu hai ngày qua cũng phối hợp cán bộ khu dân cư theo dõi, nắm các hộ dân có nhà không đảm bảo vận động sơ tán (ưu tiên sơ tán trước người già, trẻ em, phụ nữ, người bệnh tật…) khỏi vùng nguy hiểm. Một số khu vực có nguy cơ như khu chung cư tập thể xuống cấp tại 109 Thanh Thủy, K33 Cao Thắng được quan tâm hơn.
Kích hoạt các phương án phòng chống bão
Trước dự báo và diễn biến phức tạp của bão, trong ngày 26-9, tập thể lãnh đạo, các Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng đã tổ chức kiểm tra thực tế nhằm đánh giá tình hình, công tác chuẩn bị ứng phó với bão tại Công an các đơn vị, địa phương.
Theo đó, Đại tá Trần Đình Liên đã đến kiểm tra tình hình công tác phòng, chống bão tại CAQ Thanh Khê, Hải Châu và các cơ sở của Phòng Hậu Cần quản lý; Đại tá Trần Phòng kiểm tra tại CAQ Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn và Trạm CSGT đường thủy; Đại tá Nguyễn Văn Tăng đến kiểm tra tại các địa phương thuộc huyện Hòa Vang và Đại tá Phan Văn Dũng kiểm tra công tác phòng, chống bão tại địa bàn Q. Liên Chiểu và Trại tạm giam. Tại các điểm kiểm tra, lãnh đạo các đơn vị, địa phương đã báo cáo cụ thể tình hình ứng phó với bão Noru và mưa, lũ tại địa phương. Một số vấn đề cần lưu ý, đặc biệt là khu vực thường xuyên xảy ra ngập lụt tại khu dân cư cũng được đã được Công an các địa phương lên phương án bố trí lực lượng, kịp thời tham mưu chính quyền các cấp xử lý để đảm bảo an toàn cho nhân dân.
Qua nắm thông tin, lãnh đạo Công an TP đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương thực hiện nghiêm túc Công văn số 2775/CATP-PTM ngày 25-9-2022 của Giám đốc Công an TP về việc ứng phó với bão Noru và mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất… Theo đó, lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương được yêu cầu theo dõi sát diễn biến tình hình, thường xuyên cập nhật tin tức, cảnh báo về thiên tai, bão lũ và nội dung chỉ đạo, thông tin của Giám đốc Công an TP để chủ động triển khai các phương án ứng phó kịp thời.
Công an TP Đà Nẵng đã thành lập Trung tâm chỉ huy ứng phó với bão số 4 thường trực tại trụ sở Công an TP và phân chia ca kíp trực đảm bảo tham mưu, chỉ huy, điều hành và cập nhật thông tin, tình hình, diễn biến bão 24/24 giờ. Ngoài ra còn thành lập Tổ ứng cứu khẩn cấp Công an TP và huy động 42 đoàn viên thanh niên tham gia Đội Thanh niên xung kích Công an TP thường trực; tổ chức ứng trực 100% quân số tại đơn vị, rà soát danh sách 50% quân số sẵn sàng huy động, thực hiện các vụ để hỗ trợ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn thành phố trong khi bão đang đổ bộ. Công tác hậu cần được đảm bảo, đã triển khai chèn chống trụ sở cơ quan, chuẩn bị đủ thuốc tại bệnh xá, mua sắm thực phẩm dự trữ tại nhà ăn; đã đề xuất mua thêm các trang thiết bị phòng, chống bão và đang triển khai cấp phát cho Công an các đơn vị, địa phương theo để xuất; chủ động rà soát, kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành thử các trang thiết bị hiện có, đảm bảo 100% phương tiện, trang thiết bị được đa thường trực ở mức cao nhất, hoạt động hiệu quả khi được huy động, nhất là ca nô chữa cháy, CNCH, bộ đàm, cưa và đèn pin các loại, các thiết bị sử dụng trong công tác tìm kiếm, CNCH,... Đồng thời, các cơ sở giam, giữ đã khẩn trương triển khai công tác ứng phó bão: Chèn chống, cắt hạ cây xanh, đảm bảo nước sạch, lương thực, gia cố hệ thống mái, kho hồ sơ, tài liệu,... Kho vật chứng của Công an các địa phương cơ bản đảm bảo.
Phát biểu quán triệt tại cuộc họp khẩn diễn ra vào chiều 26-9, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên- Giám đốc Công an TP Đà Nẵng yêu cầu Phòng Tham mưu đảm bảo làm tốt công tác thông tin liên lạc, không để bị "cắt đứt" trong thời gian bão diễn ra; các đơn vị cùng duy trì chế độ thông tin liên lạc, báo cáo 24/24 giờ. Về huy động lực lượng, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên yêu cầu tổ chức trực 100% quân số, chủ động sẵn sàng phương tiện chuyên chở CBCS tham gia thực hiện nhiệm vụ đồng thời tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát đảm bảo ANTT, trật tự an toàn giao thông của lực lượng 8394, 911,... không để các đối tượng lợi dụng tình hình bão lũ hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật.
Theo chỉ đạo của lãnh đạo TP Đà Nẵng, trước 16 giờ chiều 27-9 phải hoàn thành công tác di dân và chú trọng công tác đảm bảo an toàn tại các tàu thuyền đang neo đậu, tuyệt đối không để người dân bám trụ trên thuyền, nếu không chấp hành thì tiến hành cưỡng chế. Công an TP Đà Nẵng cũng sẽ bố trí thêm 1 xe chữa cháy và xe bơm tại khu vực có nhiều tàu thuyền neo đậu để đảm bảo an toàn PCCC.
Đối với Trại tạm giam và Nhà tạm giữ Công an của đơn vị, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên yêu cầu phải được đảm bảo tuyệt đối an toàn trụ sở, không để can phạm nhân lợi dụng gây rối, bỏ trốn; dự trữ đầy đủ các điều kiện cần thiết phục vụ sinh hoạt trước, trong và sau bão. Ngoài ra, tùy theo chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng và đặc thù của địa phương, lãnh đạo Công an TP đã có những chỉ đạo cụ thể, sâu sát để đảm bảo các phương án phòng chống bão được hoạt động hiệu quả, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia.
Đánh giá mức độ nguy hiểm và khó lường của cơn bão Noru dự kiến sẽ đổ bộ vào Đà Nẵng, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng quán triệt mỗi CBCS cần nhận thức được trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống bão, luôn trong tư thế sẵn sàng khi được điều động để giúp đỡ nhân dân. Khi bão đổ bộ, tất cả các lực lượng liên quan phải tham gia theo phương án, kế hoạch đã đặt ra, nêu cao tinh thần trách nhiệm, vì nhân dân phục vụ.
Tính đến chiều 26-9, Công an TP Đà Nẵng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân, sắp xếp 1.269 tàu, thuyền neo đậu an toàn; khuyến cáo cho hơn 8.107 người dân không ở lại trên các tàu, thuyền và được bố trí nơi tránh trú bão an toàn, chủ động có biện pháp đảm bảo an toàn về người và tài sản. Ban Giám đốc cũng chỉ đạo Công an các phường, xã chủ động trong công tác nắm tình hình, rà soát, xác định 107 khu vực có nguy hiểm về gió lớn, sạt lở, các cầu, khu vực ngập úng, nhà, công trình có nguy cơ bị tốc mái, sập đổ do bão,...; hỗ trợ người dân chằng chống, gia cố hơn 1.305 nhà ở, công trình, tổ chức di dời gần 300.000 lượt người dân, sinh viên, công nhân sinh sống trong các nhà trọ, nhà tạm, nhà không kiên cố, hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp, chủ đầu tư, người dân tháo dỡ các cầu thang, giàn giáo xây dựng cho hơn 84 công trình đang trong quá trình thi công. |
M.VINH