Báo Công An Đà Nẵng

Festival Huế 2014:

Lung linh Đêm Hoàng Cung

Thứ tư, 16/04/2014 08:00

(Cadn.com.vn) - Đêm Hoàng Cung là một trong những chương trình nghệ thuật gắn với lễ hội được tổ chức tại Huế từ năm 2006 và từ đó đến nay đều đặn được tổ chức tại các kỳ Festival. Đó là việc tái hiện những vẻ đẹp lung linh của Đại Nội về đêm với những chân dung thái hậu, hoàng tử, công chúa, quan binh, thái giám, thị nữ... bên các cung điện Huế xưa cùng những sinh hoạt văn hóa đặc sắc...  Tối qua, hàng ngàn du khách đến với Đêm Hoàng Cung như được sống lại với thời kỳ vàng son một thuở.

Nhiều chương trình cùng diễn ra đã tái hiện không khí trang nghiêm của nghi lễ cúng 9 vị “Thần Oai Vô Địch Thượng Tướng Quân” cùng nghi thức Khai hỏa nhằm tôn vinh Bảo vật quốc gia. Trong Hoàng Thành, Đêm Hoàng Cung được tổ chức tại các khu vực trên cả 3 trục Trung đạo, trục Tây điện Thái Hòa và trục Đông điện Thái Hòa với hoạt cảnh Cung nữ đón khách, các trò chơi cung đình và thú tiêu khiển Huế xưa. Hay đời sống cung tần mỹ nữ, các triển lãm cổ vật ngự thiện, Ngự bút châu phê của Hoàng đế hay Cấm vệ quân luyện võ tại Đông Khuyết Đài...

Lễ cúng 9 vị thần "Thần Oai Vô Địch Thượng Tướng Quân".

Bên cạnh những màn trình diễn các loại hình nghệ thuật diễn xướng cung đình Huế như Nhã nhạc, Múa cung đình, Tuồng Huế, Ca Huế..., Đêm Hoàng Cung còn giới thiệu nghệ thuật ẩm thực cung đình đa dạng của Huế trong các chương trình như Dạ nhạc tiệc, uống trà và thưởng thức các loại bánh Huế, các đặc sản Huế. Với người dân xứ Huế, ẩm thực cung đình không chỉ là những món ăn xa hoa mà còn là những bí quyết và nghệ thuật trong ẩm thực truyền đời.

Theo sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ của nhà Nguyễn, những buổi yến tiệc từ đời vua Gia Long đến Tự Đức là mâm cỗ “trân tu, ngọc soạn”, có đến 55 món, gồm 24 món mặn, 15 món bánh, 10 món mứt và 3 món trái cây, cơm, xôi, chè. Từ thời vua Đồng Khánh đến vua Bảo Đại, triều đình còn giao thiệp với nước Pháp bảo hộ nên yến tiệc còn có thêm nhiều món lạ. Thực đơn yến tiệc tái hiện được gói gọn trong 6 món, áp dụng kỹ thuật nấu nướng dưới các triều vua này... Chỉ thế thôi, cũng đủ thấy sự cầu kỳ của ẩm thực cung đình Huế.

Nghệ nhân ẩm thực Hồ Thị Hoàng Anh, là hậu duệ của ông Hồ Văn Tá-Đội trưởng đội Thượng thiện (phụ trách bữa cơm của nhà vua) cuối cùng dưới triều Nguyễn vì thế đã nắm được bí quyết chế biến những món ngon trong buổi ngự yến. Bà Hoàng Anh cho biết, ẩm thực cung đình rất cầu kỳ, từ nguyên liệu đến chế biến. Chẳng hạn chén bát sử dụng trong các buổi yến tiệc cung đình, ngự thiện là loại bát sứ được gửi kiểu đặt làm riêng. Tùy sở thích riêng, đũa ăn của các vị vua có thể làm từ đũa ngà, đũa ngọc có bịt vàng hay đũa gỗ kim giao.

Trong các buổi ngự thiện hàng ngày của nhà vua, thường chỉ có các bà nội cung và nữ nhạc chầu đàn. Còn trong yến hội quan trọng của triều đình thường tấu nhã nhạc. Nhưng theo nghệ nhân Hoàng Anh, cách thức chế biến và dâng ngự thiện mới là tinh hoa nghệ thuật ẩm thực cung đình. “Để có một bữa cơm vua, ít nhất phải có khoảng 50 người làm bếp. Đội Thượng thiện phải tuân thủ nhiều cấm kị để đảm bảo an toàn cho mâm cơm của vua, đồng thời kết hợp với Ngự y chọn thực phẩm bổ dưỡng và không kị nhau. Món ăn được trình bày quyến rũ, bắt mắt..., đặt trong các quả hộp bằng gỗ sơn son thếp vàng, được niêm phong bằng giấy bản và có chữ ký, đóng dấu của Thượng thiện. Những yếu tố đó đã làm nên nghệ thuật đặc trưng của ẩm thực cung đình Huế”-nghệ nhân Hoàng Anh nói.

Cung nữ dâng ngự yến cho nhà vua và các quan trong Đêm Hoàng Cung.

Chính vì sự cầu kỳ, hấp dẫn của những món ăn cung đình Huế như thế nên rất nhiều người sẵn lòng bỏ ra 2 triệu đồng để được tham dự Đêm Hoàng Cung, trải nghiệm khung cảnh ngự yến của vua chúa xưa. Ông Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, Đêm Hoàng Cung trong Festival năm nay có bước đột phá về cách thể hiện để nội dung phong phú và hấp dẫn hơn.

Đó là việc tạo những ấn tượng nghệ thuật về sinh hoạt của cung đình Huế xưa thông qua các kỹ xảo ánh sáng kết hợp với khói và lửa của những ngọn đuốc, nến, phương thức thắp sáng truyền thống cùng với các không gian trưng bày triển lãm và nghệ thuật sắp đặt. Tất cả đã tạo nên một Đêm Hoàng Cung lung linh, huyền ảo, đưa người xem trở về với thời thái bình của  triều đại vua Nguyễn xưa. Đêm Hoàng Cung là những ấn tượng về những bức tranh mang màu sắc tái hiện lịch sử, về những trò chơi cung đình hấp dẫn và lý thú, về lòng mến khách của con người xứ Huế.

H.Anh-H.Lan

Bên lề Festival

*  Những ngày qua, vào Đại Nội, Cung An Định hay các sân khấu: bia Quốc Học, công viên Tứ Tượng, công viên Lý Tự Trọng..., người đi xe máy phải trả 10.000 đồng/chiếc; xe đạp giá 5.000 đồng/chiếc. Thắc mắc vì sao đắt thế, các chủ giữ xe đều trả lời: “Hai năm mới có một lần được lên giá, thông cảm nghe”.

*  “Người nước mô mà lạ rứa hè?”-đó là câu hỏi của nhiều người dân H. A Lưới (TT-Huế) sau khi xem Đoàn múa dân gian Sri Lanka biểu diễn ở huyện vùng cao này vào tối 14-4. Một tình nguyện viên giải thích và nhờ người “phiên dịch” sang tiếng Cơ Tu thì người đồng bào  mới hiểu.

H.Lan-H.Anh

Liên hoan Ẩm thực Quốc tế

Chiều 15-4, tại Công viên Phú Xuân (Nghinh Lương Đình-Phu Văn Lâu) diễn ra Liên hoan Ẩm thực Quốc tế. Đây là hoạt động nhằm tôn vinh, quảng bá những nét độc đáo, tinh hoa văn hóa ẩm thực đặc trưng vùng miền Việt Nam, của xứ Huế và các quốc gia trong cộng đồng ASEAN và một số quốc gia Châu Á khác. Tại đây du khách sẽ được thưởng thức màn trình diễn chế biến món ăn truyền thống của Việt Nam cũng như các quốc gia, trình diễn tinh hoa nghệ thuật nấu bếp của các đầu bếp...

Các gian hàng ẩm thực trang trí độc đáo.

Trao bản sắc phong gốc cho ba làng cổ Huế

Ngày 15-4, Sở VH-TT&DL tỉnh TT-Huế tổ chức trao tặng bản gốc các sắc phong cho 3 ngôi làng cổ ở Huế là làng Kim Long (3 sắc) gồm Sắc phong cho thần Thổ Đức, niên đại Tự Đức năm thứ 3 (1850), sắc phong Thần Thổ Đức, Hỏa Đức niên đại Tự Đức năm thứ 33 (1880), Quan Thánh Đế Quân, niên đại Đồng Khánh năm thứ 2 (1887). Làng Lương Quán sắc phong thần Thành hoàng làng niên đại Tự Đức năm thứ 5 (1852) và làng Vân Dương sắc phong Quan Thánh Đế Quân, niên đại Đồng Khánh năm thứ 2 (1887).

Người dân tham gia rước sắc phong về làng.