Báo Công An Đà Nẵng

Lung linh đèn lồng phố Hội

Thứ bảy, 15/08/2015 09:27

(Cadn.com.vn) - Đến Hội An một chiều hè nắng vàng, tôi dừng chân bên những gian hàng bày bán đèn lồng chiêm ngưỡng một thế giới màu sắc và phong phú từ kiểu dáng đến họa tiết trang trí. Theo một số tài liệu thì đèn lồng xuất hiện tại Hội An vào khoảng cuối thế kỉ XVI, khi những người Trung Hoa đầu tiên đến đây để trao đổi buôn bán, lập nghiệp và định cư lâu dài. Những chiếc đèn lồng được họ mang theo và treo lên trước cửa nhà, ban đêm thắp lên và tắt khi đi ngủ. Theo quan niệm, đèn lồng giúp xua đuổi ma quỷ và mang lại bình yên, hạnh phúc.

Theo tìm hiểu từ một chủ tiệm buôn bán đèn lồng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai - cô Dương Thị Mười cho biết: “Dân ở đây xưa nay chỉ biết có ông tổ làm đèn lồng tên là Xã Đường, là thợ mã, chuyên làm đầu lân, lồng đèn cho những đêm hội hay các cuộc thi chứ chẳng biết đích xác ông sống vào thời gian nào”. Và cứ như vậy, nghề làm lồng đèn đã trở thành nghề đặc sắc của riêng Hội An, giải quyết việc làm cho rất nhiều người, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân.

Phố đèn lồng Nguyễn Hoàng.

Trước khi trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh đèn lồng phải trải qua rất nhiều công đoạn, thao tác phức tạp đòi hỏi độ tinh xảo nhất định. Đầu tiên là làm khung. Khung đèn thường được làm bằng tre. Tre phải già, được ngâm qua nước muối 10 ngày sau đó đem hong qua khói lưu huỳnh để chống mối, mọt rồi đem phơi khô, vót mỏng theo kích cỡ từng loại đèn. Tiếp đến là vải bọc lồng đèn. Người làm lồng đèn Hội An chuộng loại lụa làng Vạn Phúc (Hà Đông), mềm mại, thanh thoát, sang trọng, trang nhã; có độ dai để khi căng không bị rách. Căng vải cho đèn cũng chính là công đoạn đòi hỏi người thợ cần có kỹ thuật tay nghề vững để có thể căng thẳng góc ở những đoạn cong. Trải qua bao thăng trầm lịch sử cùng với thời gian và thị hiếu thẩm mỹ ngày càng cao của du khách, đèn lồng đã được cách điệu về kiểu mẫu, chất liệu, hình dáng, kích thước, họa tiết trang trí. Không còn đơn điệu với loại vải trơn bóng, gò bó trong khung tre cứng nhắc; đèn lồng nay được thêu, in, vẽ bằng nhiều họa tiết hoa cỏ, chim muông, tranh thủy mặc với nhiều chất liệu, kích cỡ, hình thù khác nhau như hình tròn, trái bí, lục giác sợi ni lông tổng hợp quấn quanh hay tre đan, khó hơn là đèn kéo quân, hình cá, hình rồng... cho đến tính năng tiện lợi là có thể xếp gấp mang đi dễ dàng lại vô cùng gọn nhẹ đối với du khách mua về làm quà.

Để thực hiện duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, chính quyền thành phố Hội An cũng đã quan tâm tạo điều kiện các hộ làm nghề bằng cách hỗ trợ cho thuê mặt bằng tại vị trí thuận tiện cho việc kinh doanh cũng như hướng du khách đến tham quan, học cách làm đèn lồng... Làm đèn lồng từ lâu đã trở thành một nghề đặc sắc của riêng Hội An. Bên cạnh những nghệ nhân chế tác đèn lồng thì còn có những người chuyên vẽ trang trí đèn lồng cỡ lớn dùng ở các khách sạn hay treo ở nơi thờ tổ tiên của các gia đình. Vào đêm trăng rằm, những chiếc đèn lồng đủ màu sắc lung linh dưới ánh trăng treo trước cửa mọi nhà. Người Hội An yêu thích sản phẩm đặc sắc của quê mình nên luôn trân trọng, nâng niu và cũng tự hào, phô diễn vẻ đẹp đa sắc màu của đèn lồng trên từng góc phố, ở mỗi ngôi nhà, từng công trình kiến trúc và nhất là tại các quán xá, nhà hàng, khách sạn. Đèn lồng Hội An không chỉ đem lại cho phố cổ một nét riêng độc đáo mà còn là một mặt hàng quà lưu niệm hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Vừa qua, CNN đã đưa ra danh sách bình chọn những điểm đến lãng mạn nhất năm 2015. Trong đó, Hội An của Việt Nam vinh dự được xếp ở vị trí thứ 4 nhờ vào sự hòa quyện giữa nét cổ điển phương Đông, hơi thở hiện đại cùng khung cảnh thanh bình. Tản mạn trên những con đường phố cổ về đêm, ngắm nhìn Hội An tỏa sắc lung linh dưới ánh đèn lồng mờ ảo hẳn sẽ là một trải nghiệm khó quên đối với những ai đã từng một lần đặt chân đến và được đắm chìm trong vẻ đẹp bình yên của nơi này.

Lê Anh