Lưỡng bộ Thượng thư Trương Công Hy: Vị quan trong lòng dân
(Cadn.com.vn) - Những ngày này, người dân xã Điện Thắng Trung (Điện Bàn – Quảng Nam) nhận được tin vui, khi khu lăng mộ cụ Trương Công Hy (làng Thanh Quýt) được Nhà nước công nhận là Di tích quốc gia. Lâu nay, người ta biết nhiều về vị quan Trương Công Hy (1727-1800) là một danh thần, lưỡng bộ thượng thư triều Tây Sơn, nhưng ít biết ông còn là vị quan thanh liêm, được người dân ngưỡng mộ nhưng ít được nhắc đến trong sách sử...
Khu lăng mộ của cụ Trương Công Hy trở thành di tích Quốc gia. |
Sử xưa chép lại, cụ Trương Công Hy người làng Thanh Quýt, đỗ Nhiêu học, Hương cống dưới triều chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765). Khi ba anh em nhà Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa, một bộ phận lớn tôn thất, quý tộc, quan lại của chúa Nguyễn chạy vào Gia Định theo Nguyễn Ánh, chỉ riêng Trương Công Hy ra phụng sự vương triều Tây Sơn. Từ một con người thâm Nho “tấc đất ngọn rau” đều “ơn chúa”, ông lại tự nguyện phụng sự nhà Tây Sơn, lực lượng vốn bị xem là “giặc” trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Khi được phân giữ chức Tri phủ Điện Bàn, ông bắt tay vào chấn chỉnh lại bộ máy chính quyền cấp xã, thôn, tổ chức khẩn hoang, khuyến khích nhân dân sản xuất, phát triển kinh tế, đồng thời cho mở trường dạy học ở xã, huyện.
Sau đó Trương Công Hy được giao giữ chức Khâm sai trấn Quảng Nam, chỉ trong một thời gian ngắn ông đã triển khai nhiều hoạt động kinh tế, xây dựng hệ thống phòng thủ đối phó với quân của Nguyễn Ánh. Chính vì vậy mà ông được Nguyễn Huệ trọng dụng sau này giao giữ chức Hình bộ Thượng thư. Từ đây, Trương Công Hy đã có “đất dụng võ”, đem tài năng và tâm huyết giúp nhà Tây Sơn, làm quân sư cho Nguyễn Huệ trong cuộc Bắc phạt, tiêu diệt họ Trịnh và quân Thanh xâm lược, cùng Quang Trung Nguyễn Huệ mưu lược sự nghiệp thống nhất nước nhà. Đến năm 1798, khi đã 72 tuổi, ông xin về quê và được vua Cảnh Thịnh thăng chức Binh bộ Thượng thư, tước Thùy Ân hầu. Danh xưng Lưỡng bộ Thượng thư của ông có từ đó.
Ông Trương Công Bè bên tấm bia ghi công trạng của cụ Trương Công Hy. |
Về công lao của cụ Trương Công Hy với triều Tây Sơn, Viện Sử học Việt Nam nhận xét: “Ông có nhiều đóng góp với triều đại Tây Sơn trong việc chấn chỉnh, tổ chức giáo dục khoa cử, biên soạn luật lệ, tiến cử người tài ra giúp nước. Sinh thời, nhờ công giúp vương triều mà cụ Trương được nhà Tây Sơn cấp lộc điền 500 mẫu ruộng. Đây là một minh chứng xác nhận vai trò to lớn của Trương Công Hy đối với triều đại Tây Sơn”. Không chỉ được lịch sử ghi nhận, mà đức đạo và công lao của cụ Trương Công Hy còn được dân gian truyền tụng bao đời. Lúc xin về quê, được vua ban cho 500 mẫu ruộng, ông mang chia hết cho dân nghèo.
Ngày nay trên cánh đồng xã Điện Phương (Điện Bàn), nơi xưa kia là đất vua ban cho cụ Trương Công Hy, người dân vẫn gọi là “ruộng quan Thượng”. Hiện nay dòng họ Trương vẫn còn giữ nhiều văn bản bằng chữ Hán, có niên đại từ Thái Đức đến Cảnh Hưng nói về ruộng đất mà triều Tây Sơn ban cấp cho ông. Ông Trương Công Bè, cháu đời thứ 13 của cụ Trương Công Hy kể: “Ngày cụ mất, người dân khắp nơi đến viếng, lễ tang kéo dài đến 1 tháng. Làng lúc đó phải dựng lên một “Xích hậu” (nhà khách: P.V) ở đầu đường vào nhà quan Thượng thư cho dân chúng ở xa đến viếng trọ lại. Trải qua biết bao biến cố, khu lăng mộ của cụ đến nay vẫn còn nguyên vẹn và được người dân thường xuyên nhang khói.
Các cụ kể lại, sau khi vua Minh Mạng lên ngôi, quan lính triều đình truy tìm mộ cụ để đập phá nhưng tìm không ra vì được người dân che giấu. Việc lăng mộ cụ còn nguyên vẹn sau nhiều biến động giữa hai triều đại Tây Sơn-Minh Mạng cho thấy tình cảm của người dân đã yêu mến dành cho ông. Đến những năm chống Mỹ, quân địch triển khai 21 chốt quân sự tại khu vực xã Thanh Trường (nay là xã Điện Thắng Trung), đưa xe thiết giáp đến cày ủi khu vực mộ cụ Trương Công Hy, nhằm xây dựng hàng rào điện tử. Biết tin đó, người dân kéo ra phản đối dữ dội, ai cũng hô to “Bọn bây mà đụng đến mộ cụ Thượng là chúng tao đốt xe và tự thiêu ở đây”, khiến quân địch phải chùn tay, vì thế mộ cụ vẫn còn nguyên vẹn”.
Trong suốt cuộc đời làm quan, Trương Công Hy đã mang tài trí của mình để giúp dân, giúp nước, sống cuộc đời thanh bạch.
Minh Hà