Báo Công An Đà Nẵng

Lưu giữ nghề truyền thống

Thứ tư, 12/01/2022 17:52

Cơ chế thị trường hiện đang đặt ra cho nhiều ngành nghề truyền thống ở vùng nông thôn Hòa Vang (TP Đà Nẵng) gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng làng nghề bánh tráng Túy Loan (xã Hòa Phong) vẫn còn được lưu giữ, kế thừa. Thời điểm này, các lò bánh tráng nơi đây luôn đỏ lửa chuẩn bị cho đơn hàng đang ngày một tăng vào dịp Tết Nguyên đán. 

Khách tham quan trải nghiệm nghề truyền thống bánh tráng Túy Loan (xã Hòa Phong) tại lễ hội đình làng.

Có thể nói, bánh tráng Túy Loan ngày nay không chỉ là món ăn quen thuộc của người dân Đà Nẵng mà nó còn theo chân du khách, bạn bè bốn phương và hướng đến thương hiệu tiêu biểu trong Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” gắn với xây dựng nông thôn mới. Thời gian sản xuất chủ yếu tập trung vào 2 tháng cuối năm. Gạo đúc bánh tráng phải là gạo xiệc do nông dân trong làng tranh thủ gieo sạ, thu hoạch để gần Tết mang ra làm nguyên liệu. Cứ 1 ang gạo là 12 lon mè trắng, phụ gia với các thứ như gừng, tỏi, đường, nước mắm hoặc muối. Mỗi cái bánh phải tráng làm 2 lớp và tuyệt đối không được phơi nắng mà phải sấy trên bếp than hồng…

Sở dĩ, bánh tráng Túy Loan nổi tiếng là nhờ kinh nghiệm của ông cha truyền lại, con cháu nối nghiệp phát huy. Muốn cho bánh thơm ngon, nhai giòn tan lại để được lâu, người làm phải chọn đúng giống lúa, đặc biệt là không được chọn lúa mới gặt, cũng không nên chọn lúa quá cũ. Quá trình sấy và gỡ bánh cũng là một nghệ thuật. Muốn chiếc bánh nguyên vẹn, không cong vênh, người sấy phải biết canh bếp than để gỡ cho đúng lúc. Sau đó xếp lại thành chục, rồi dằn cho phẳng mặt, trước khi giao hàng… “Nghề này vất vả lắm, nhiều công đoạn, phải chuẩn bị nguyên liệu từ chiều hôm trước. Hôm sau phải thức dậy từ 2 giờ sáng nhóm bếp. 1 ang gạo tráng được 80 cái. Tráng miết cho tới khi trời tắt nắng thì ngưng. Một lò phải có 2-3 người vừa tráng vừa sấy bánh”, ông Nguyễn Bê với gần 40 năm ngồi bếp trải lòng.

Bà Đặng Thị Phong (83 tuổi) chia sẻ, không ai nhớ chính xác làng nghề này có từ bao giờ nhưng lúc bà còn nhỏ đã thấy ông bà, cha mẹ mình làm nghề. Lớn hơn một chút thì đã biết phụ sấy bánh. Nhà nào cũng có lò tráng bánh, nhà đông có khi có đến 2, 3 lò. Bà cũng là người hiếm hoi trong gia đình còn giữ được nghề, nhưng vẫn không giấu được nỗi trăn trở: “Ở làng nghề này, dù thu nhập mỗi lao động so với các công việc khác không cao, nhưng lớp người cao niên lại không ai muốn bỏ nghề, vẫn “giữ lửa” thuở cha ông để gìn giữ thương hiệu mà các thế hệ đi trước đã tốn công gầy dựng. Bên cạnh đó, để nghề này phát triển ổn định, rất cần các cơ quan chức năng nghiên cứu khai thác hiệu quả giữa phát triển kinh tế gắn với du lịch làng nghề”... Nhọc nhằn bám trụ với nghề là vậy, nhưng họ chưa một lần nản chí. Con, cháu của họ nhờ vào sự nghiệp của gia đình mà học hành đỗ đạt, thành danh trên nhiều lĩnh vực.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong Đặng Xuân Thành, hiện nay nhiều làng nghề truyền thống trong cả nước đang dần lấy lại vị trí và khẳng định bản sắc khi phát triển song hành cùng hoạt động du lịch. Làng nghề bánh tráng Túy Loan là một địa chỉ có tiềm năng để phát triển kinh tế kết hợp với tham quan du lịch. Bảo tồn nghề truyền thống sẽ góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho lao động nông thôn là công việc vô cùng cần thiết, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 gây ảnh hưởng lớn đến mọi người. Để kinh tế địa phương nhanh chóng phục hồi sau đại dịch và khi nhiều người dân từ các thành thị ồ ạt trở về quê tránh dịch, các cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa đến phát triển ngành nghề truyền thống.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, làng nghề bánh tráng Túy Loan vẫn chưa thật sự khai thác được thế mạnh, bởi các cơ sở sản xuất còn nhỏ lẻ và manh mún nên các hộ sản xuất rất mong các ban ngành tập trung hỗ trợ để làng nghề này phát triển, sớm có tên trong bản đồ các tour du lịch làng nghề của TP và khu vực. Điều đáng mừng là hiện nay vẫn còn nhiều người đã ngoài 70 tuổi miệt mài gắn bó với nghề. Những cái tên Mười Phong, Bốn Tùng, Tám Bổn… luôn được người dân địa phương trân trọng bởi sự tận tâm của họ trong việc lưu giữ nghề truyền thống của cha ông.

VY HẬU