Lưu vong và chống đảo chính
(Cadn.com.vn) - Những chính trị gia lưu vong của Thái Lan được cho là đang nỗ lực xây dựng thành công phong trào chống đảo chính.
Khoảng 15 chính trị gia Thái Lan đang sống ở nước ngoài tìm cách liên minh với chính phủ bị quân đội lật đổ để thiết lập phong trào phản đối chính quyền quân sự bên ngoài quốc gia Chùa Vàng.
Chính quyền quân sự đang đau đầu với biểu tượng “3 ngón tay” của phong trào chống đảo chính ở Thái Lan. Ảnh: Wochit |
“PHONG TRÀO TỰ DO THÁI LAN”
Theo Reuters, phong trào này có tên gọi “Phong trào tự do Thái Lan” nhằm kêu gọi dân chúng biểu tình phản đối chính quyền quân sự.
Reuters dẫn lời ông Jakrapob Penkair, cựu bộ trưởng và là một trong những thành viên sáng lập phe Áo đỏ đang tị nạn ở nước ngoài cho biết, vào tháng 7 tới, ban lãnh đạo sẽ thành lập tổ chức ở nước ngoài chống lại chính quyền quân sự bất hợp pháp hiện nay, song không nêu địa điểm ở nước nào. Ông Jakrapob và nhân vật thứ hai của phong trào Áo đỏ Sunai Julapongsathorn đều cho biết, họ vẫn chưa xác định rõ ràng và chính xác về các biện pháp nhóm sẽ sử dụng, nhưng nói rằng họ từng nghĩ đến việc thành lập chính phủ lưu vong, nhưng thấy không cần thiết.
“Chúng tôi tin rằng, nền dân chủ ở Thái Lan đã bị phá hủy có hệ thống”, cựu bộ trưởng Jakrapob trả lời trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ Phnom Penh, Campuchia. “Chúng tôi mong muốn tạo ra một tổ chức cho tất cả các nhóm phản đối cuộc đảo chính trong và ngoài Thái Lan”, ông này nói thêm. Theo ông Jakrapob, trong thành phần lãnh đạo có cả những người đang sống trong nước, dù trụ sở được đặt ở nước ngoài. Tuy nhiên, ông Jakrapob khẳng định, cựu Thủ tướng Thaksin, không liên quan đến phong trào này.
Cuộc đảo chính hôm 22-6 là diễn biến mới nhất trong gần một thập kỷ đối đầu giữa ông Thaksin và phe Áo vàng. Tuy nhiên, cho đến nay, ông Thaksin vẫn không đưa ra bất kỳ hướng dẫn nào cho những người ủng hộ. “Chúng tôi vẫn tiến lên dù không có ông (Thaksin)”, ông Jakrapob, từng là phát ngôn viên cho ông Thaksin khẳng định. Ở trong nước, ông Sunai - đang chạy trốn sau khi phớt lờ giấy triệu tập của chính quyền quân sự - nói với Reuters qua Skype: “Chúng tôi sẽ chiến đấu dù chưa có chiến lược rõ ràng”.
“Trong 3 tháng tới, quân đội sẽ nới lỏng kìm kẹp. Đó là thời điểm chúng tôi sẽ di chuyển. Kế hoạch này không thể vội vàng mà phải mất một thời gian dài”, ông này nhận định thêm.
CHÍNH QUYỀN QUÂN SỰ LÊN TIẾNG
Phản ứng trước thông tin này, giới chức Bangkok cho rằng, chính quyền sẽ yêu cầu dẫn độ tất cả những người đang sinh sống ở nước ngoài nếu họ có hành vi gây rối tình hình trong nước.
Khi được hỏi liệu quân đội có nghe nói về các kế hoạch thiết lập phong trào như vậy ở nước ngoài, phó phát ngôn viên Hội đồng Quốc gia vì Hòa bình và trật tự (NCPO) Winthai Suvaree cho biết, “Luật pháp Thái Lan không cho phép bắt giữ những người trốn đi nước ngoài nhưng nếu chúng tôi biết nơi họ ở, chúng tôi sẽ yêu cầu hợp tác quốc tế để đưa họ trở về Thái Lan”. Theo ông Winthai, chính quyền quân sự đang nỗ lực giám sát phong trào chống đảo chính. “Những người bị triệu tập mà không có mặt sẽ phải đối mặt với pháp luật và sẽ bị đối xử như tội phạm. “Nếu họ quay trở lại Thái Lan và gây rối, họ sẽ bị đưa ra Tòa án Quân sự”, ông tuyên bố tại cuộc họp báo hôm 6-6.
Trong khi đó, tại Phnom Penh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Campuchia Kuy Kuong khẳng định không nhận được bất kỳ yêu cầu hợp tác nào từ Thái Lan. Bộ Ngoại giao Campuchia cũng bác bỏ thông tin cho rằng, phe Áo đỏ chuẩn bị hoạt động chống lại chính quyền quân sự như thông tin trên tờ Cambodia Daily được Reuters dẫn lại. Phụ tá tư lệnh cảnh sát quốc gia Campuchia Kirth Chantharith khẳng định, “không một cá nhân hay đoàn thể nào được quyền sử dụng lãnh thổ Campuchia để hoạt động chống lại chính quyền một nước khác”.
Tướng Prayuth Chan-ocha, lên nắm quyền sau cuộc đảo chính ngày 22-5 và kể từ đó đến nay dẫn đầu chiến dịch bắt giữ nhiều chính trị gia, trong đó có cả bà Yingluck, và các nhà hoạt động đồng thời ra điều kiện thả tự do cho họ là “phải tránh xa chính trị và các phong trào chống đảo chính”. Hôm 6-6, chính quyền quân sự tuyên bố bắt giữ một thủ lĩnh phong trào phản đối đảo chính, trong bối cảnh giới tướng lĩnh cầm quyền đang tìm cách dập tắt mọi chỉ trích liên quan tới hành động giành quyền lực của họ.
Chính quyền quân sự cũng có bước đi đáng kể sau khi công bố chi tiết kế hoạch hòa giải 3 giai đoạn. Nhưng rồi, đề xuất hòa giải này sẽ đi về đâu, đó vẫn còn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Khả Anh