Báo Công An Đà Nẵng

Lý do Mỹ tức giận vì Ấn Độ mua dầu của Nga

Thứ ba, 12/04/2022 19:14
Ấn Độ xem xét tăng cường nguồn cung từ Nga trong bối cảnh lo ngại hóa đơn nhập khẩu dầu tăng vọt. Ảnh: AFP

Theo Asia Time, cho đến nay Ấn Độ vẫn bỏ phiếu trắng các nghị quyết của Liên hợp quốc về cuộc khủng hoảng Ukraine bất chấp chỉ trích của Mỹ. Tổng thống Mỹ Joe Biden tỏ ra nhẹ nhàng hơn khi gọi cách tiếp cận của Ấn Độ đối với cuộc khủng hoảng Ukraine là "hơi lung lay", xét về mặt hỗ trợ các hành động của Mỹ. Tương tự như vậy, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cũng nhận ra những thay đổi gần đây trong lập trường của Ấn Độ và thừa nhận rằng mối quan hệ của Ấn Độ với Nga "không phải là điều mà New Delhi có thể cắt bỏ ngay lập tức".

Trọng tâm chia rẽ

Ngoài việc Ấn Độ bỏ phiếu trắng các nghị quyết của Liên hợp quốc về Ukraine, việc New Delhi mua dầu thô giảm giá của Nga đã trở thành "gót chân Achilles" mới không chỉ trong quan hệ song phương Ấn- Mỹ mà còn đối với sự tín nhiệm của Tổng thống Biden. Trước đó, Ấn Độ đều đã tuân thủ lệnh của Mỹ về ngừng nhập khẩu dầu từ Iran và Venezuela.

Nhưng lần này thì khác, bởi quốc gia bị trừng phạt là Nga - đối tác quốc phòng và chiến lược lâu dài nhất của Ấn Độ. Ngoài ra, Ấn Độ lần này cũng bị hạn chế bởi thực tế có hơn 22.500 công dân của họ bị mắc kẹt giữa cuộc khủng hoảng Ukraine. Điều này chắc chắn đòi hỏi New Delhi phải phối hợp chặt chẽ với cả Moscow và Kiev. Nhưng điều khiến các nhà đối thoại Mỹ khó chịu nhất là cách Ấn Độ bắt đầu tìm nguồn cung dầu và các mặt hàng khác từ Nga bằng cách sử dụng giao dịch hoán đổi đồng rupee- ruble. Điều này có thể mở ra những đường đứt gãy mới trong quan hệ Mỹ- Ấn.

Thực tế đó không chỉ đe dọa làm suy yếu chiến lược trừng phạt vốn đã mất uy tín của Mỹ mà về lâu dài có thể truyền cảm hứng cho những nước khác giảm sự phụ thuộc vào đồng đô-la Mỹ như một ngoại tệ mạnh nhất toàn cầu. Ngoài ra, việc Ấn Độ gia tăng khối lượng nhập khẩu dầu từ Nga khiến đây trở thành một thành công nổi bật của Tổng thống Vladimir Putin. Ấn Độ mua hơn 13 triệu thùng dầu thô của Nga vào tháng 3 - so với tổng số 16 triệu thùng của cả năm ngoái.

Việc New Delhi mua nhiều dầu như này sẽ làm suy yếu biện pháp trừng phạt, vốn dựa vào các cơ chế tài chính thông thường.

Kiểm tra thực tế

Mặc dù tiềm năng của việc Ấn Độ mua dầu của Nga và sự hoán đổi đồng rupee- ruble có thể không bao giờ báo trước những thay đổi mang tính kiến tạo trong địa chính trị toàn cầu, nhưng các giao dịch hiện tại đã chạm vào một "dây thần kinh" nhạy cảm trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden.

Sự thách thức của Ấn Độ trong việc mua dầu của Nga có thể được so sánh với vụ nổ thiết bị hạt nhân đầu tiên của nước này vào tháng 5-1974, nơi Ấn Độ đã thách thức chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân kiểu "phân biệt đối xử" do Mỹ dẫn đầu. Nhưng phản ứng của các quan chức Mỹ có lẽ cũng phản ánh sự thất vọng của họ khi không thể khiến Moscow tuân thủ. Mặc dù đúng là Australia, Anh, Canada và Mỹ đã ra lệnh cấm mua dầu của Nga, nhưng không nước nào trong số họ là những khách mua lớn.

Thực tế là Trung Quốc là khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga. Rõ ràng, nhiệm kỳ của Tổng thống Biden không có lý do gì có thể khiến Bắc Kinh thay đổi quyết định khi nước này tiếp tục mở rộng nhập khẩu dầu của Nga. Điều đặc biệt gây thất vọng cho nhiệm kỳ của Tổng thống Biden là 9 khách hàng lớn nhất tiếp theo của Nga đều là đồng minh của Mỹ, gồm Đức, Hà Lan, Mỹ, Ba Lan, Hàn Quốc, Bỉ, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp và Anh. Ngoài Mỹ và Anh, tất cả các quốc gia này vẫn tiếp tục mua dầu của Nga, trong khi Đức và Hungary công khai phản đối bất kỳ sự cắt giảm vội vàng nào.

Vì vậy, trong khi Mỹ cảm thấy khó thuyết phục các đối tác liên minh của mình ngừng mua dầu thô của Nga, thì việc thuyết phục New Delhi dường như dễ hơn. Tuy nhiên, thực tế thì cũng đầy khó khăn.

KHẢ ANH