Báo Công An Đà Nẵng

Lý do NATO “ngậm bồ hòn làm ngọt” trước Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ hai, 28/10/2019 11:51

Mặc dù buộc phải “kết hôn không có tình yêu”, nhưng NATO vẫn cố nhẫn nhịn để giữ mối quan hệ ấm êm với Thổ Nhĩ Kỳ.

Liên minh NATO do Mỹ đứng đầu quyết tâm duy trì sự ủng hộ quân sự cho đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ, cho dù rất tức giận Ankara khi nước này mở các cuộc tấn công quân sự tại khu vực đông bắc Syria và ký thỏa thuận tiếp theo sau đó với Nga.

NATO chỉ trích chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, nhưng thừa nhận có rất ít cơ chế để trừng phạt đồng minh chiến lược quan trọng này. Ảnh: Reuters

“Đứa con hư” của NATO

Là một thành viên của NATO, nhưng mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ lại ngang nhiên đưa quân sang Syria tấn công vào lực lượng người Kurd - đồng minh của khối trong cuộc chiến chống IS, sau đó lại liên kết với Nga, đối thủ của NATO, để kiểm soát vùng chiếm đóng ở Syria.

Trước các hành động trên, đã có nhiều yêu cầu đòi trục xuất Ankara ra khỏi liên minh. Tây Ban Nha đe dọa sẽ rút tên lửa Patriot khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, tại một cuộc họp của các Bộ trưởng quốc phòng NATO trong tuần qua, cuộc họp liên minh cấp cao đầu tiên kể từ khi Tổng thống Tayyip Erdogan đưa quân qua Syria, Tây Ban Nha cùng như nhiều nước khác phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, chấp nhận các lập luận của thành viên được coi là “ngỗ nghịch” này, để không bị mất đi một đồng minh chiến lược của toàn khối.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Hulusi Akar của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục giọng điệu thách thức, khẳng định Ankara có quyền đi đến một thỏa thuận với Moscow như đã làm với Washington. Chỉ có một nhóm nhỏ các nước do Pháp chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ. Theo AFP, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg miêu tả các cuộc thảo luận là “thẳng thắn và cởi mở” - thay cho vì nói là tranh cãi nảy lửa - và nhấn mạnh “chúng tôi đã thấy trước sự bất đồng” nhưng liên minh xuyên Đại Tây Dương vẫn chịu đựng được. Ông Jens Stoltenberg không lên án các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí tán thành “những lo ngại chính đáng về an ninh quốc gia” mà Ankara đưa ra để biện minh cho sự can thiệp quân sự vào Syria.

Theo giới quan sát, động thái này rõ ràng cho thấy, mặc dù buộc phải “kết hôn không có tình yêu”, nhưng NATO vẫn cố nhịn để giữ mối quan hệ ấm êm với Thổ Nhĩ Kỳ.

Không thể mất đồng minh quan trọng

Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ và các quốc gia khác trong NATO đang “căng như dây đàn”. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại có vị thế quan trọng khiến liên minh quân sự này không thể để mất.

NATO trên thực tế không thể trừng phạt hay trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ vì hai lý do: Một là trong điều lệ NATO không có thủ tục trục xuất, và hai là một quyết định trục xuất nước này có nguy cơ làm cho NATO suy yếu. Nhưng chủ yếu là NATO không muốn mất Thổ Nhĩ Kỳ vì đây là một đồng minh chiến lược. Thổ Nhĩ Kỳ là nơi Mỹ ký gửi kho đầu đạn hạt nhân, tại căn cứ không quân Incirlik. Nước này còn là cường quốc quân sự lớn thứ hai của NATO, chỉ sau Mỹ. Vì thế Thổ Nhĩ Kỳ mang lại cho liên minh này một sự hiện diện chiến lược, đặc biệt là trên biển Đen và Địa Trung Hải khi là giao lộ của các dòng người di cư và là cầu nối giữa Châu Âu và toàn bộ vùng Cận Đông. NATO cũng đang tìm kiếm một hình ảnh về sự thống nhất khi chuẩn bị tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh ở London, Anh vào ngày 4-12 tới để kỷ niệm 70 năm thành lập, trong bối cảnh niềm tin trong khối đang bị lung lay do Tổng thống Trump. Và cuối cùng, theo chuyên gia Mongrenier, dù chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ đánh vào người Kurd ở Syria đặt ra một vấn đề đạo đức đối với NATO, nhưng chiến dịch này không gây tổn hại cho lợi ích thiết yếu của các thành viên NATO.

Và tất nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ hiểu rất rõ vị thế của mình. Và đó là lý do mà bất chấp cảnh báo của NATO, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vẫn mở cuộc tấn công nhằm vào Syria và trước đó là ký kết thương vụ bước ngoặt mua hệ thống tên lửa S400 của Nga.

KHẢ ANH