Báo Công An Đà Nẵng

Ly kỳ chuyện tìm tên liệt sĩ

Thứ hai, 25/04/2016 10:09

(Cadn.com.vn) - Trận đánh nhà lao Quảng Ngãi xuân Mậu Thân 1968 là chiến công lớn của Đại đội Đặc công 506A. 41 năm sau, tháng 12-2009, người dân P. Trần Phú, thành phố Quảng Ngãi mới tìm được mộ tập thể những người hy sinh trận này. Trong số 39 liệt sĩ được tìm thấy chỉ có duy nhất Đại đội phó Nguyễn Văn Hà có ảnh mang theo, nhưng không phải của ông mà là của người thân. Vậy là hành trình tìm danh tính liệt sĩ Hà vô cùng ly kỳ, có lúc tưởng chừng tuyệt vọng.

Lễ truy điệu liệt sĩ Nguyễn Văn Hà năm 2009 tại Quảng Ngãi.

Nhà liệt sĩ Nguyễn Văn Hà ở thôn Phú Vinh, xã Tịnh Thiện, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Gian thờ phụng treo dài những tấm bằng Tổ quốc ghi công, chứng nhận Bà Mẹ VNAH, huân chương cao quý các loại. Hai di ảnh liệt sĩ Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Văn Hà hao hao nhau ở gương mặt thanh thoát mà cương trực, mạnh mẽ. Chính sự hao hao này đã làm cho cuộc truy tìm danh tính kết thúc có hậu. Ông Nguyễn Văn Trông, cháu gọi liệt sĩ Hà bằng chú, người chăm lo hương khói của đại gia đình, chỉ từng tấm bằng Tổ quốc ghi công giới thiệu: "Cả gia đình tôi có 6 liệt sĩ gồm ông nội, chú Hải, chú Hà, người con nuôi và cô Nào, cùng chồng cô ấy. Khủng khiếp nhất là năm 1969, gia đình có đến 5 người bị địch sát hại, trong đó bà nội, vợ con chú Hải bị địch ném bom ngay tại nhà. Ông nội tôi hoạt động hợp pháp, bị địch theo dõi gắt gao. Một hôm ông đi gánh rạ về thì bọn lính ập vào nhà. Ông nhảy ra phía sau, gọi con trai út: "Hà ơi, chạy luôn đi con, không thì chúng bắt mất". Vậy là cả hai cha con "nhảy núi" từ đó rồi chẳng về nữa...".

Ông Trương Quang Phát, thôn Hòa Bân, chồng bà Dương Thị Rê, cháu gọi liệt sĩ Hà bằng cậu cho biết: "Tối hôm đài truyền hình Quảng Ngãi thông báo chuyện quy tập mộ liệt sĩ và đưa tấm ảnh vừa tìm được lên tivi, vợ tôi đang xem bỗng nhổm dậy: "Cậu em đó!", rồi gọi điện thoại khắp nơi để thông báo. Ba mẹ hy sinh khi cô ấy còn bé, sống chủ yếu ở nhà ngoại nên ký ức về cậu Hà, vợ tôi nhớ kỹ lắm. Tấm ảnh này trùng với tấm ảnh cậu Hải mà nhà đang thờ, riêng cậu Hà thì không có. Chúng tôi tức tốc đi tìm ảnh của cậu Hải, nhưng sực nhớ rằng, cả nhà chỉ có một tấm duy nhất thì hiện đang ở Hà Nội do gia đình cậu Hai Điệu giữ. Lập tức, mọi người gọi điện ra bảo con trai cậu nhanh chóng chụp lại rồi gửi  email 2 tấm ảnh này vào Quảng Ngãi. Chúng tôi cấp tốc sang ra ảnh và mang lên tỉnh để đối chiếu. Trước hai gia đình cũng đang cố đưa ra những bằng chứng cho rằng đó là người thân của họ, Ban tổ chức buộc thân nhân liệt sĩ phải xác nhận 2 tấm ảnh còn lại (cậu Hà có 3 tấm ảnh mang theo trong ví) mới cho nhận hài cốt".

Theo ông Phát, may mắn là khi đưa tấm ảnh người phụ nữ ra ngoài ánh nắng, tấm ảnh sáng hơn, lộ ra khuôn mặt, mái tóc. Nghĩ rằng người cậu chỉ mang theo ảnh người yêu, ông Phát bí mật ngược về quê tìm người yêu cũ của cậu, nhưng bà cho rằng không phải. Trước đây bà có tặng ảnh nhưng tấm này già hơn và tóc rẽ ngôi bên, trong khi bà chỉ rẽ ngôi giữa. Hỏi thêm người trong ảnh có thể là ai, bà lắc đầu không biết. Trời đã tối mịt, thất vọng, ông Phát cùng người cháu mang tấm ảnh về nhà. Không ngờ, vừa nhìn  thấy, vợ ông bật khóc và khẳng định đó là mẹ mình. Để chắc hơn, mọi người gọi người em trai của bà Rê mang tấm ảnh cậu ấy đang thờ đến đối chiếu. Một bên nhìn thẳng, một bên nhìn nghiêng hơi mờ, nhưng vẫn thấy giống nhau ở gương mặt trái xoan, mái tóc rẽ, buông hờ trên bờ vai trước khi kẹp gọn lại sau lưng. Lại tiếp tục chị của bà Rê qua, bà cũng nói như đinh đóng cột đó là mẹ mình.

Vậy là đã rõ, ông Hà mang theo tấm hình của chị gái (điều mà mọi người không nghĩ đến). Quan sát thật kỹ tấm ảnh thứ ba thì thấy đây là đường nét một cháu bé. Chị liệt sĩ Nguyễn Văn Hà cho rằng đó là ảnh con trai 6 tuổi của cậu Hải (đã mất năm 1969 khi bị địch ném bom). Lính đặc công thường không được phép mang theo bất cứ kỷ vật gì để giữ bí mật nhưng sở dĩ ông Hà giữ ảnh của ba người thân là vì anh trai đã đi bộ đội, chị gái thoát ly, cháu bé thì còn nhỏ, lỡ có rơi các ảnh này vào tay giặc thì chúng cũng chẳng làm gì được.

 Phấn khởi tột độ vì giải mã xong mọi nghi ngờ, mọi người mang đầy đủ chứng cứ đến trình bày với Ban tổ chức quy tập, các anh đồng ý ngay. Tuy nhiên vẫn còn một gia đình ở H. Đức Phổ nhất quyết không chịu. Họ cũng đưa ra những tấm ảnh khẳng định đấy là em trai họ. Hôm làm lễ truy điệu, người anh còn giành mang nồi hương. Sau khi nghe phân tích rằng liệt sĩ ấy trận Mậu Thân 1968 không đánh nhà lao và trại bảo an, người anh mới bình tĩnh lại.

Vậy là sau 41 năm tìm kiếm, liệt sĩ Nguyễn Văn Hà đã được người thân đưa về với gia đình. Theo các nhân chứng, ngày 28 tết Mậu Thân, khi đi tiền trạm cho trận đánh nhà lao Quảng Ngãi, ông Hà bị vướng mìn, hy sinh ngay tại bờ rào. Ngày ông được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã, rất đông cán bộ, nhân dân đến dự, nhiều người không cầm được nước mắt. Vậy là các thành viên trong nhà đều đã  tìm được hài cốt. Liệt sĩ Nguyễn Sanh bị địch bắt treo trên ngọn cây rồi bắn ở núi Tân An, nhờ dân mách bảo, gia đình đã đưa được về. Ông Nguyễn Văn Hải đi bộ đội, hy sinh ở Bình Sơn cũng đã được quy tập, người con nuôi của ông Sanh, mẹ bà Rê đều đã được mồ yên mả đẹp. So với những liệt sĩ vô danh, gia đình họ may mắn hơn rất nhiều.

Rời Phú Vinh, chúng tôi cứ vấn vương về ngôi nhà nhỏ có những người con trai, con gái ra đi chiến đấu nhẹ tênh, không mang theo hành trang gì cho riêng mình, có chăng là nỗi nhớ da diết người thân...

Hồng Vân