Báo Công An Đà Nẵng

Lý Sơn khai hội đua thuyền đầu xuân

Thứ tư, 05/02/2014 10:10

(Cadn.com.vn) - Hằng năm, cứ Tết đến xuân về, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) lại tưng bừng mở hội đua thuyền truyền thống để tưởng nhớ về cội nguồn tổ tiên, các vị tiền hiền buổi đầu khai sinh đất đảo và đội hùng binh Hoàng Sa, Trường Sa đã có công bảo vệ biên cương Tổ quốc cũng như cầu mong quốc thái dân an, người an vật thịnh, ngư dân thuận buồm xuôi gió khi xa khơi khai thác hải sản và làm nhiệm vụ thiêng liêng đã được giao phó. Lễ hội diễn ra từ ngày mồng 4 đến mồng 8 tháng Giêng (âm lịch) với sự tham gia của 8 thuyền đua của 2 xã An Vĩnh và An Hải.

Cuộc đua đang trong giai đoạn gay cấn.

Xuất thân của đội hùng binh Hoàng Sa

Đua thuyền truyền thống đầu Xuân là lễ hội lớn nhất trong năm của nhân dân đất đảo, thể hiện nét sinh hoạt độc đáo của cư dân vùng biển và cũng là dịp để những chàng trai trên đảo rèn luyện, thi thố tài năng điều khiển ghe thuyền trên biển. Theo văn tế cúng "bát tổ" (8 vị tổ) và "thất tộc" (7 vị tiền hiền), lễ hội đua thuyền bắt đầu từ năm 1826, nghĩa là hơn 100 năm sau khi những người Việt ra khẩn hoang lập ấp ở Lý Sơn vào đầu thế kỷ XVII. Đây là hoạt động thể dục thể thao nhằm nâng cao sức khỏe cho thanh niên đất đảo. Qua đó, chọn những người khỏe mạnh nhất để giong thuyền ra Hoàng Sa và Trường Sa thu lượm sản vật quý tiến vua và bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Và từ đó đến nay, mỗi năm cứ vào dịp Tết Nguyên đán và lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, các tộc họ trên đảo lại tổ chức lễ hội đua thuyền, được lưu giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo tục lệ, trước khi hạ thủy các thuyền được đặt nơi am miếu của mỗi xóm thuộc 2 xã để tổ chức cầu cúng trước khi đua và sau khi đua để tạ ơn tổ tiên và các vị thần linh...

Để lễ hội diễn ra đúng nghĩa, mỗi xã An Vĩnh và An Hải đều phải có 4 thuyền đua, mỗi thuyền đua mang tên một con vật trong bộ tứ linh Long, Lân, Quy, Phượng và được bàn tay của những người thợ tài hoa trên đảo chạm khắc hết sức sinh động, làm cho người xem cảm nhận khi thuyền đang đua giống như những con vật tứ linh đang lướt nhẹ trên biển sóng bập bềnh. Để chuẩn bị cho hội đua thuyền, nhân dân các xóm tuyển chọn 24 chàng trai lực lưỡng quen nghề biển để thành lập đội đua và trước khi tham gia cuộc đua, 4 thuyền đua đều được nhân dân trong xóm cúng tế thần linh theo nghi thức riêng của xóm mình. Theo các cụ cao niên đất đảo, do đời sống tâm linh của người dân sông nước nên người dân có quan niệm rằng năm nào ngày đầu mở hội đua thuyền mà thuyền đua của xóm nào về đích trước thì xóm đó sẽ được khấm khá, phát đạt và gặp nhiều may mắn. Có truyền thuyết còn cho rằng con rồng ra đời để chầu vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long. Vì thế thuyền rồng nào về nhất đầu năm thì năm đó bà con làm nghề biển và mùa màng trên đảo bội thu, quê hương thanh bình, thịnh vượng. Đó là lòng yêu quê hương đất nước càng được khắc sâu và lưu truyền từ đời này qua đời khác trong các tộc họ trên đảo Lý Sơn. Là lễ hội truyền thống nên nét sinh hoạt văn hóa này sẽ còn mãi trong lòng người dân huyện đảo Lý Sơn.

Hàng ngàn người dân đứng dọc bờ biển cổ động cho các thuyền đua.

Tri ân các bậc tiền nhân

Ngay từ sáng sớm, hàng nghìn người dân đất đảo và du khách đã tập trung về Đình làng An Vĩnh và An Hải tham dự buổi lễ tế thể hiện tấm lòng thành trước các vị thần đã che chở, độ trì họ trong cuộc sống và hướng lòng mình đến các vị "Tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cư"; lòng tri ân đối với các cai đội trong đội hùng binh năm xưa đã vâng lệnh triều Nguyễn có công ra đo đạc hải trình, dựng bia chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Qua hình thức sinh hoạt tế lễ này đã góp phần thắt chặt sợi dây đoàn kết của cộng đồng, làm cho tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt, phản ánh nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của ngư dân người Việt cổ, mang đậm nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng truyền thống. Sau khi kết thúc các nghi lễ, 4 thuyền đua về vị trí hoa tiêu xuất phát theo quy định.

11 giờ, dọc bờ biển dài gần 2 cây số, đông đảo người dân náo nhiệt chuẩn bị cổ vũ cho các thuyền đua. 12 giờ, trống lệnh nổi lên, 4 thuyền đua của mỗi xã xé nước lao đi như con vật tứ linh bay nhẹ nhàng, lướt trên sóng biển trong tiếng trống liên hồi giục giã, tiếng reo hò của hàng nghìn người xem hội làm vang động cả một vùng sông nước... Ngày nay, lễ hội đua thuyền đầu Xuân trên đảo Lý Sơn vẫn duy trì và phát triển và được người dân hưởng ứng đón đợi. Tuy có hạn chế về phần lễ tế, nhưng không vì thế mà kém phần long trọng sôi nổi. Lễ hội đua thuyền đầu Xuân trên đảo Lý Sơn thật sự là nét sinh hoạt văn hóa thể thao truyền thống sôi nổi ít nơi có được, bởi nó được gắn kết cả về phần lễ với phần hội, lôi cuốn đông đảo người dân địa phương và khách thập phương, tạo nên không khí phấn khởi, vui tươi cho người dân trên huyện đảo trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Ông Nguyễn Cầu-Trưởng ban Khánh tiết Đình làng An Vĩnh cho biết: "Lễ hội đua thuyền truyền thống đầu xuân hằng năm không chỉ là một trò vui chơi dân gian mà còn mang cả một nét đẹp truyền thống của quê hương. Thông qua lễ hội, các thế hệ tưởng nhớ về cội nguồn tổ tiên, các vị tiền hiền buổi đầu khai sinh đất đảo và đội hùng binh Hoàng Sa, Trường Sa đã có công bảo vệ biên cương Tổ quốc cũng như cầu mong quốc thái dân an, ngư dân ra khơi khai thác hải sản và làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo được thuận buồm xuôi gió".

T. Dũng