Lý vùng sông nước phía Nam
Lý là một trong những thể loại âm nhạc dân gian khá độc đáo ở miền duyên hải phía Nam. Mỗi điệu lý vùng sông biển này đều có màu sắc và dáng dấp riêng, khá súc tích trong nội dung và uyển chuyển trong hình thức thể hiện. Từ những câu ca dao quen thuộc, ông cha ta đã phá vỡ tiết điệu sẵn có của thể thơ lục bát bằng cách xử lý tài tình những tiếng đệm, những âm luyến láy cũng như kỹ thuật đưa hơi với thủ pháp điệp từ để người hát có thể ngâm ngợi thêm, tô đậm thêm, đa dạng thêm hệ thống thang âm ngũ cung có bán cung, từ đó tiến dần vào phương Nam và dần dần hình thành điệu thức oán trong ca nhạc cổ truyền của các tỉnh phía Nam. Các điệu lý cũng vận dụng hầu hết các thang âm điệu thức dân tộc.
Kéo chài, nguồn cảm hứng để các nghệ sĩ dân gian sáng tác điệu Lý kéo chài. |
Chính vì thế, mỗi làn điệu đều có sức hấp dẫn riêng để có thể lưu truyền từ đời này sang đời khác, dù có thay đổi ít nhiều song vẫn giữ được trục âm chính trong hệ thống ngũ cung nguyên gốc khá đặc trưng, nhờ vậy người nghe khó nhầm lẫn giữa điệu lý của vùng này với vùng khác. Các điệu lý miền biển phương Nam thường nghe mượt mà, dễ thương với vần điệu, lời ca giàu chất trữ tình, mang nhiều nỗi niềm hoài niệm về quê hương, tình yêu, nỗi vất vả, an nguy giữa muôn trùng sóng nước. Do đó các điệu lý thường khá dễ hát, dễ đi sâu vào lòng người.
Như mạch nước ngầm ngọt ngào, những điệu lý vùng sông nước phía Nam với nội dung liên quan tới nghề biển như: chài lưới, đánh bắt cá tôm, buôn bán hải sản... có sức hấp dẫn người nghe, đồng thời lan tỏa rộng khắp trong cư dân biển và trở thành viên ngọc quý trong kho tàng dân ca Việt Nam. Bên cạnh vài điệu lý ít ỏi hiện diện khắp ba miền Bắc- Trung-Nam như: Lý ngựa ô, Lý con sáo... thì những điệu lý khác ngân nga như khúc tâm tình trải dọc từ vùng duyên hải miền Trung đến miền biển phía Nam có trữ lượng nhiều hơn.
Nếu những điệu lý miền biển phía Nam phần lớn có nội dung thể hiện tình cảm chia ly, cách trở của vợ chồng thường đượm vẻ buồn sâu xa, man mác thì có một số điệu lý khắc họa tình yêu trai gái lại thắm đượm nét hồn nhiên, ví von oán trách song vẫn dí dỏm chân chất như lý vãi chài (còn gọi là Lý kéo chài) thuộc miền duyên hải khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
"Mà rằng tay cầm cái đát mà nắm nan/ Vừa đi vừa đát vừa đan trong cái lờ/ Trách ai ăn mít mà bỏ xơ/ Ăn cá trong cái lờ/ Trách ai ăn mít mà bỏ xơ/ Ăn cá trong cái bỏ lờ/ Mà bỏ mới ngoài em...".
Hoặc điệu Lý cái mơn miền Nam đầy ẩn ý: "Đàn cò bay về nơi thương nhớ. Nhớ bến sông xưa in hình bóng của người yêu... Thuyền tình ơi hãy chờ đợi ta bao tháng năm trôi qua. Nhưng người xưa vẫn luôn ngóng đợi tình chung".
Điệu Lý qua cầu miền Nam có đoạn nói về một mối tình trên dòng sông, bến nước có cô lái đò và người lữ khách. "Trời bình minh chim về đây líu lo trên cành. Như mọi ngày dòng sông với con đò mong manh...".
Hoặc than thân trách phận, luống ngậm ngùi trong điệu Lý bông dừa Nam Bộ: "Sông dài còn chảy xuôi theo dòng. Mà sao xa vắng em tôi biết tìm nơi đâu. Dòng sông còn chứa chan ân tình. Nay dang dở tình đầu ta còn gắn đợi ai...".
Cùng đồng hành với các điệu lý trữ tình này còn có nội dung thể hiện những công việc của cư dân miền biển như: lý đi chợ, lý vãi chài, lý con cá.
Trong các điệu lý miền biển, riêng có điệu lý đi chợ xuất thân từ vùng duyên hải Đà Nẵng, sau được cư dân thêm thắt với giai điệu sinh động, tiết tấu sôi nổi, khắc họa rõ nét những sinh hoạt đời thường ở miền biển với tính chất dí dỏm hồn nhiên, miêu tả cảnh bán mua tấp nập hải sản tươi ngon ở các chợ truyền thống như: cá, tôm, chình, lươn, ghẹ... "Rủ nhau đi chợ sông Hàn/ Trước là bán vặt, sau là mua ăn/ Ớ mi! mi có tình mà nghe chăng/ Nghe chi?"
Đặc điểm nghệ thuật của Lý miền biển vùng duyên hải phía Nam khá độc đáo. Có thể nói hầu hết các điệu lý đều phổ thơ lục bát hoặc lục bát biến thể. Riêng các điệu lý miền biển Nam Trung Bộ cũng tương tự song có số lượng khá ít so với các thể loại âm nhạc dân gian khác. Ngôn ngữ địa phương đặc trưng của mỗi vùng miền, mỗi ngành nghề cũng thể hiện trong nội dung các bài lý miền biển.
Việc ngâm nga các tiếng đệm trong thể loại Lý này khá phong phú. Hầu như bài Lý nào cũng có tiếng đệm. Thêm vào các tiếng đệm, láy làm cho âm điệu của Lý mềm mại đa dạng thêm như: Ví dầu, í mà, mà rằng, Ớ mi... Những tiếng đệm này hài hòa với lời ca tạo nên những âm điệu, sắc thái làm hấp dẫn thêm các điệu lý.
Lý cũng như nhiều thể loại dân ca cổ truyền khác đã in sâu vào lòng người dân nước Việt, kể từ thuở tiền nhân khai hoang mở cói về vùng đất phương Nam. Ngày nay các điệu lý là một bộ phận không thể thiếu được trong các chương trình biểu diễn lồng ghép âm hưởng dân ca. Những điệu lý với lời ca đẹp, giai điệu truyền cảm với người thể hiện nhuần nhuyễn luôn được người thưởng thức trân trọng và yêu mến.
Thông thường, nói đến sinh hoạt ca hát dân gian vùng biển phía Nam, nhiều người hình dung đến chiếu đờn ca tài tử, những bài bản vọng cổ giữa mênh mang sông nước hoặc làn điệu hò khoan đối đáp giữa đêm trăng thanh gió mát sau vụ mùa bội thu cùng những điệu hò, tiếng hát ru à ơi... Song sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua các điệu lý. Lý xuất hiện khá nhiều trong sinh hoạt văn hóa dân gian và thường được đan xen như một chất liệu để làm phong phú thêm các bài bản vọng cổ hay các vở cải lương. Do lý là những khúc hát ngắn gọn với nhịp điệu phong phú và sinh động khắc họa nhiều hình tượng đa dạng, phong phú.
Mỗi điệu lý đều có một nội dung cụ thể. Lời hát của lý miền sông biển phía Nam phần lớn có vần điệu dễ nhớ nhưng khác với ca dao, hò, vè ở chỗ lý giàu nhạc điệu dễ hát, nhạc tính cố định hơn, trong khi ca dao, hò, vè mang thuộc tính của thơ có ngẫu hứng tự do. Các bài lý tiêu biểu, đại diện cho dân ca của các vùng miền địa phương, có nhịp điệu sinh động nhưng vẫn giữ sự chân chất mộc mạc, pha trộn cảm xúc mênh mông của hò, những làn điệu trữ tình tha thiết của lý thường chứa đựng tình cảm quê hương, tình yêu lứa đôi, ký ức xa xưa...
Lý vùng duyên hải phía Nam cũng khá mạch lạc với câu đoạn, phần âm điệu theo điệu thức ngũ cung năm âm dân tộc, dung dị, giản đơn một cách tự nhiên khác biệt với sự vận dụng thủ pháp sáng tác trong nhạc mới. Mỗi bài lý cũng có thể thêm nhiều lời ca mượt mà đi vào lòng người, hòa quyện với giai điệu. Đã bao đời nay, các điệu lý vùng sông biển phía Nam vẫn được lưu truyền và sống mãi trong dân gian.
Văn Thu Bích