Báo Công An Đà Nẵng

“Ma trận” đoạt tiền qua mạng của nam sinh lớp 10

Thứ bảy, 02/12/2017 21:00

Thời gian qua, Quảng Trị “nóng” với các vụ án chiếm đoạt tài sản qua mạng mà phổ biến nhất là thủ đoạn trộm tài khoản facebook, sau đó mạo danh trò chuyện, lừa gửi thẻ game, thẻ cào card ĐTDĐ. Tuy nhiên, vụ án của V.T.D (12-1999, trú H. Triệu Phong) lại có phương thức khác biệt và đầy phức tạp. Đó là đánh cắp tiền trong tài khoản ngân hàng. Theo CQĐT CA tỉnh Quảng Trị, ngày 13-2-2017 đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với D. về hành vi “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Qua đấu tranh mở rộng, ngày 11-9, CQĐT tiếp tục khởi tố bị can N.Đ.H (10-1999, trú TX Quảng Trị, bạn học của D.) về hành vi “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Hiện cáo trạng vụ án đã được VKSND tỉnh Quảng Trị chuyển TAND đồng cấp chuẩn bị xét xử.

Có tiền, D. nướng vào game và bao bạn bè ăn chơi.

Quá trình điều tra xác định được, thời gian D. thực hiện hành vi phạm tội diễn ra vào tháng 3-2016, lúc đó đối tượng đang học lớp 10 tại TX Quảng Trị. D. được biết đến là một học sinh sáng dạ, đặc biệt các môn học tự nhiên. Tuy nhiên, bước vào cấp 3, D. cũng nhanh chóng nhiễm thói xấu, muốn đua đòi ăn chơi và dành nhiều thời gian ngồi quán Internet “cày” game. Qua tìm hiểu trên mạng, D. biết được một chiêu thức sử dụng mạng Internet để chiếm đoạt tiền. Bước đầu tiên, D. đăng ký tài khoản trên trang web có chức năng giúp người sử dụng có thể thiết kế một website miễn phí phục vụ cho mục đích thương mại, quảng cáo hoặc mục đích khác tùy người sử dụng. Từ đó, D. đã biến tướng xây dựng nên website “transfermoney...com” có chức năng chuyển tiền khiến người khác nhìn vào lầm tưởng đây là trang web chuyển tiền của ngân hàng quốc tế. Website này chỉ D. tạo ra và được quyền sử dụng (người khác không thể thiết kế và lấy tên website này vì hệ thống không cho phép website trùng nhau). Sau đó, D. tạo ra các trang web con. Trên các web con, D. tiếp tục thiết kế các mục như: tên ngân hàng, chủ thẻ, dãy số in trên thẻ, hiệu lực thẻ... nhằm mục đích lừa người khác vào website và điền các thông tin cá nhân vào đây thì D. sẽ “hốt” gọn toàn bộ thông tin này.

Hoàn thành xong “giai đoạn 1”, D. bắt tay vào “giai đoạn 2”, đó là đánh cắp tài khoản facebook mà mục tiêu phải là người Việt Nam ở nước ngoài. Sau khi đăng nhập được tài khoản, D. thay mật khẩu, mật khẩu email đăng ký để đoạt quyền sử dụng và mạo danh chủ tài khoản trò chuyện với bạn bè, người thân của họ rồi đề nghị mượn tài khoản ngân hàng để chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam. Có được tài khoản ngân hàng do bị hại cung cấp, D. truy cập vào một trang web đăng ký tin nhắn miễn phí có mã vùng nước ngoài nhằm nhắn tin vào số điện thoại của bị hại với nội dung tài khoản ngân hàng đã nhận tiền từ một tài khoản ngân hàng nước ngoài. Trong tin nhắn này, D. cũng cung cấp đường link đến trang web do D. tự lập và yêu cầu các bị hại điền thông tin tên ngân hàng, tên chủ thẻ, dãy số in trên trẻ, hiệu lực thẻ, mã đăng nhập và mật khẩu vào Internet banking. Tất cả các thông tin này sẽ được chuyển đến hộp thư trên tài khoản của D.

Các bước trên hoàn thành, D. bắt đầu sử dụng thông tin bảo mật của bị hại để đăng nhập vào tài khoản ngân hàng và thực hiện giao dịch chuyển khoản đến ví điện tử mà D. mở tại trang web thuộc sở hữu của một Cty có trụ sở ở Hà Nội. Để đoạt được số tiền, D. tiếp tục chat với bị hại, lừa nhập mã OTP (mật khẩu sử dụng 1 lần) vào giao diện của trang web. Sau khi tiền “chảy” về ví điện tử, D. liên hệ với người thu mua tiền và bán lại tài khoản để nhận tiền mặt. Với phương thức thủ đoạn như trên, ngày 11-3-2016, D. mạo danh bạn của chị C.T (trú Q. Tân Phú, TPHCM) mượn tài khoản ngân hàng để chuyển tiền và nhờ chị T. rút tiền đưa cho người thân. Quá trình đó, D. phát hiện tài khoản ngân hàng của chị C.T có 150 triệu đồng và nhanh chóng thao tác chiếm đoạt toàn bộ.

Vụ thứ 2 xảy ra vào ngày 23-3-2016, D. lập một tài khoản facebook giống với một tài khoản của bạn chị T.T (trú Q. Phú Nhuận, TPHCM) và “nhảy” vào trò chuyện. Chị T.T không phát hiện có người giả bạn mình nên sập bẫy. Số tiền mà D. chiếm đoạt của chị T.T là 48 triệu đồng. 1 ngày sau, D. tiếp tục lừa chị N.B (trú Q.12, TPHCM) số tiền hơn 76 triệu đồng.

Quá trình “hô biến” từ ví điện tử thành tiền mặt, D. nhờ bạn học là H. giúp sức, liên hệ tìm nơi bán ví điện tử. CQĐT xác định được H. đã một lần giúp D. tiêu thụ số tiền hơn 141 triệu đồng có trong ví điện tử. Cảm ơn H. vì việc này, D. cho H. 10 triệu đồng và cho mượn thêm 10 triệu đồng để mua điện thoại. Tuy nhiên, H. đã trả lại số tiền mượn. 2 lần đổi tiền sau đó của D., H. không liên quan. Sau khi bị CA tỉnh Quảng Trị điều tra làm rõ, D. tác động gia đình bồi thường bước đầu cho 3 bị hại được 70 triệu đồng. Về phía H., cũng tác động gia đình đã trả lại cho D. 10 triệu đồng.

Tuy phương thức phạm tội dày công hơn so với các vụ án khác song D. cũng giống nhiều đối tượng đã từng bị bắt giữ. Đó là phạm tội ở tuổi vị thành niên, dễ bị lợi dụng, sa ngã và dùng tiền chiếm đoạt được để chơi game,  để bao đãi bạn bè, đến khi bị bại lộ thì cha mẹ nghèo phải gồng trả khoản tiền lớn ấy.

BẢO HÀ